Ảnh minh họa.
Theo National Interest, đây là nghiên cứu mới nhất dựa trên các kịch bản chiến tranh do Tập đoàn RAND thực hiện. RAND kết luận NATO sẽ cần bổ sung một lượng lớn bộ binh so với hiện nay nếu như muốn đảm bảo khả năng phòng thủ ở Đông Âu.
Nghiên cứu kêu gọi NATO áp dụng chiến lược giống như thời Chiến tranh Lạnh. Khi đó, quân đội Mỹ đồn trú ít nhất vài trăm ngàn binh sĩ ở châu Âu như một cách để ngăn chặn Nga tấn công. Hiện Mỹ có 30.000 quân đóng tại châu Âu.
RAND khẳng định, không có lực lượng răn đe tương đương 7 lữ đoàn, bao gồm 3 lữ đoàn cơ giới hạng nặng và các chiến đấu cơ đóng vai trò yểm trợ để bảo vệ châu Âu, NATO có thể để mất các nước Baltic chỉ trong 60 giờ.
“NATO không thể bảo vệ lãnh thổ cho các nước thành viên vốn dễ bị tấn công nhất. Thời gian dài nhất để Nga có thể tiếp cận thủ đô của Estonia hay Latvia chỉ 60 giờ. Đợt tấn công chớp nhoáng như vậy sẽ khiến cho NATO không kịp trở tay, rơi vào thế bị động”, nghiên cứu của RAND cho biết.
Lực lượng NATO trong một cuộc tập trận.
RAND cho rằng, nếu để mất các nước Baltic vào tay Nga, NATO chỉ có 3 lựa chọn. Dễ nhận thấy nhất, NATO sẽ liều lĩnh phản công với thương vong lớn mà nhiều khả năng chỉ có thể hòa chứ chưa chắc đã chiến thắng.
Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân cũng được tính đến nhưng điều này sẽ đi ngược lại với triết lý cắt giảm và hạn chế sử dụng vũ hủy diệt của Mỹ. Cuối cùng, nếu chấp nhận để Nga kiểm soát các nước Baltic, NATO có thời gian để khôi phục sức mạnh của liên minh nhưng đồng thời sẽ khiến các nước trong khối dao động bởi NATO đã thất bại trong việc bảo vệ đồng minh.
“Không có các hệ thống phòng không tầm ngắn và lực lượng NATO vốn trang bị tối thiểu, NATO chỉ có thể dựa vào sức mạnh của các chiến đấu cơ. Nhưng các máy bay NATO với số lượng hạn chế sớm muộn cũng sẽ bị Nga tiêu diệt’, RAND phân tích. “Kết quả là NATO chịu thiệt hại nặng nề”.
Khả năng Nga tấn công Latvia, Lithuania, Estonia hay thậm chí cả Ukraine trong trường hợp xung đột xảy ra là rất lớn. Những nước này đều từng thuộc Liên Xô và có cộng đồng người dân nói tiếng Nga sinh sống. “Nga hoàn toàn có lý do để phát động chiến tranh”.
Lực lượng Mỹ hiện diện ở Latvia.
Lường trước rủi ro này, Lầu Năm Góc đã kêu gọi tăng cường nguồn lực, bổ sung lực lượng trên khắp châu Âu trong những năm tới. Nhưng hiện chưa rõ mức độ tăng cường quân sự NATO có tương xứng với cảnh báo của RAND hay không, tác giả Kris Osborn, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng "Scout Warrior" (Mỹ) nhận định.
Quan chức quân đội Mỹ ở châu Âu nói, việc bổ sung thêm lực lượng chiến đấu đến châu Âu là điều đang được tính đến. “Chúng tôi có kế hoạch tăng cường các đơn vị quân đội luân phiên đến châu Âu. Kế hoạch bổ sung chiến đấu cơ vẫn chưa rõ ràng”, nữ phát ngôn viên quân đội Mỹ ở châu Âu, bà Cathy Brown Vandermaarel nói.
Việc tăng cường thêm các cuộc tập trận nhằm răn đe Nga, rằng các đồng minh NATO có đủ khả năng để điều quân và lực lượng cơ giới trên toàn châu Âu trong thời gian ngắn, bà Vandermaarel nói thêm.
Nghiên cứu của RAND khẳng định, dù tốn kém nhưng bổ sung thêm các lữ đoàn là điều cần thiết đối với NATO trong tình cảnh hiện tại.