Theo các DN kinh doanh, giá sách điện tử rẻ hơn sách giấy gần 50%, bên cạnh đó việc xuất bản và kinh doanh có nhiều lợi thế hơn. Một lợi thế khác là doanh thu bán sách điện tử về mặt lâu dài sẽ cao hơn sách thường rất nhiều.
Thị trường tiềm năng
Mặc dù là lĩnh vực khá mới và phải đối đầu với lượng sách không bản quyền khá lớn trên mạng thế nhưng thời gian gần đây có khá nhiều DN chấp nhận rủi ro nhảy vào kinh doanh sách điện tử. Trong đó đầu tư khá mạnh tay là Lạc Việt, Trí Việt, Vinabook… có nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu sách điện tử và bắt đầu bán được sản phẩm với quy mô lớn.
Sách điện tử đang là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Ảnh: MINH ĐỊNH |
Theo công bố của Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), trong quý I năm nay công ty đã ký hợp đồng không độc quyền trong một năm trị giá 23.000 USD với Samsung Vina về việc bán nội dung số của 50 trong số 170 đầu sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn. Những nội dung này sẽ được Samsung Vina tích hợp trên các sản phẩm điện thoại di động thông minh hay tivi thông minh của mình.
Trước đó, mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thế nhưng Công ty Tin học Lạc Việt cũng đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam để số hóa gần 5.000 đầu sách. Công ty Lạc Việt tự phát triển định dạng sách điện tử riêng và bộ đọc LacViet - Reader giúp hạn chế tối đa tình trạng sao chép trái phép nội dung, phát huy các ưu điểm vốn có của sách điện tử là dễ dàng tìm kiếm theo yêu cầu, tìm lại ngay trang sách và dòng chữ đang đọc dở dang, phóng to, thu nhỏ tùy ý. Với những tiện ích này, các tác phẩm được Lạc Việt số hóa sẽ hơn nhiều so với việc họ phải mua sách xuất bản.
Theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Lạc Việt, mặc dù là một bước đầu tư mới thế nhưng trong thời đại công nghệ phát triển mạnh thì đây là bước đi đúng. Hiện có nhiều tín hiệu khả quan với dòng sách mới, các hãng điện thoại Samsung, LG đều có thỏa thuận bán ra các đầu sách của Lạc Việt cung cấp.
Theo một số nguồn thông tin, ngoài các DN trung gian, hiện một số nhà xuất bản trong nước cũng có kế hoạch riêng để phát triển loại hình sách điện tử.
Cần thêm lượng sách có bản quyền
Theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Lạc Việt, trong thời điểm kinh tế khó khăn thì sách điện tử là một giải pháp có lợi. DN sẽ không mất chi phí cho giấy mực, in ấn... trong khi các khoản này đang lên cao. Việc này cũng sẽ tránh sự tồn kho sách, gây lãng phí như việc sách xuất bản hiện nay. Khả năng kinh doanh sẽ tốt hơn do không bị giới hạn về biên giới.
Mặc dù vậy, theo ông Thân, vấn đề khó nhất hiện nay là bản quyền. Hiện ngoài đối phó với sách lậu không bản quyền tràn lan trên mạng thì chính các DN làm sách cũng hết sức đau đầu về thỏa thuận với tác giả hoặc nhà xuất bản và các DN triển khai. Do nguồn thu sách là dài lâu nên việc xuất bản trên mạng dễ xảy ra tình trạng tranh chấp tác quyền giữa các bên. Cho nên không ít nhà xuất bản vẫn chần chừ trong việc triển khai sách điện tử.
Vấn đề bản quyền cũng làm đau đầu cả các DN cung cấp thiết bị đầu cuối muốn tự triển khai bản quyền sách. Theo ông Lưu Duy Hoài, phụ trách marketing maydocsach.com, thị trường sách điện tử là một thị trường tiềm năng thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Thông qua các tác giả, các DN chỉ mua được một lượng sách nhỏ trên thị trường, số còn lại phải phụ thuộc vào dòng sách không có bản quyền. Bên cạnh đó, do tình trạng thiếu kết nối nên vẫn chưa có DN lớn nào đứng ra quản lý lượng sách lớn có bản quyền.
“DN quốc tế như Amazon có nguồn sách điện tử có bản quyền lớn lớn hơn cả sách giấy. Mặc dù bán thiết bị đầu cuối thế nhưng doanh thu của họ vẫn là bán sách. Điều này có thể thấy là doanh thu của sách điện tử là rất lớn, trong khi đó các DN trong nước vẫn chưa thể tận dụng hết tiềm năng của sách điện tử” - ông Hoài cho biết thêm.
Thị trường tràn ngập máy đọc sách điện tử
Maydocsach.vn, hơn một năm có mặt trên thị trường, dẫu với mức giá không rẻ nhưng DN này đã cung cấp đến thị trường hàng ngàn sản phẩm như Kindle, Nook Color, Sony Reader…, trung bình mỗi tháng bán được 200-300 máy.
Theo tiết lộ trên báo giới của Vinabook, cuối năm nay DN này sẽ bắt đầu nhập các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle, Nook, iPad để phục vụ khách hàng.