Dân Việt

Trung Quốc và những vụ thâu tóm khổng lồ tại châu Âu

Trà My - Tổng hợp 24/10/2016 02:01 GMT+7
Các công ty Trung Quốc đang rất mạnh tay “mua sắm” tại châu Âu, từ những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, tiện ích cho đến robot, xe hơi và thậm chí cả ngân hàng.

img

Trung Quốc đang "tích cực" mua nhiều tài sản tại châu Âu (Ảnh minh họa: SCMP)

Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều năm qua âm thầm mở rộng vị thế và ảnh hưởng của mình tại các quốc gia châu Á láng giềng, tại Mỹ và thậm chí cả khu vực châu Âu.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang mua rất nhiều nhà máy sản xuất của châu Âu, các công ty ngũ cốc ở Anh, các nhà sản xuất du thuyền Ý và các khách sạn Mỹ. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát vào cuối những năm 2000, các công ty Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã đẩy mạnh việc mua lại và đầu tư vào các đơn vị nước ngoài, củng cố tầm ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc và mở rộng danh mục đầu tư.

Đặc biệt là ở châu Âu. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, từ các câu lạc bộ bóng đá cho tới các nhà sản xuất robot, thực phẩm cho đến các ngân hàng tư nhân, sự thèm muốn của các công ty Trung Quốc với tài sản châu Âu dường như là vô giới hạn. Dưới đây là một số thương vụ lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu, cho thấy danh sách mua sắm “khủng” mà quốc gia này đã thực hiện:

img

Sự thèm muốn của các công ty Trung Quốc với tài sản châu Âu dường như là vô giới hạn

Đầu năm 2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua lại 2% cổ phần của nhà vận hành mạng lưới điện, Tập đoàn Terna của Ý, mở rộng danh mục đầu tư của ngân hàng. Điều đáng nói là danh mục đầu tư của ngân hàng vốn đã bao gồm các khoản đầu tư vào Enel (công ty tiện ích lớn thứ hai châu Âu về sức chứa), Mediobanca (một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của Ý), Fiat (một trong những thương hiệu xe hơi nổi tiếng nhất thế giới) và Ansaldo Energia (một công ty kỹ thuật điện lớn)....

Cùng khoảng thời gian này, Bright Food, một trong các công ty thực phẩm lớn nhất của Trung Quốc, đã mua Weetabix, nhà sản xuất ngũ cốc lớn thứ hai của Vương quốc Anh. Trước đó, Bright Food của Trung Quốc đã nắm giữ 60% cổ phần của Weetabix nhưng muốn mua toàn bộ số cổ phần còn lại.

Cũng vào năm 2015, công ty Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) mua một trong những nhà sản xuất lốp xe nổi tiếng nhất thế giới, Italia Pirelli, với giá 7,7 tỷ USD. Đến tháng 1 năm 2016, Tập đoàn KraussMaffei, một trong những nhà cung cấp máy móc thiết bị nội địa lớn nhất của Đức, cũng được ChemChina mua lại. Thỏa thuận được cho là có giá trị khoảng 1 tỷ USD.

img

ChemChina mua lại Syngenta của Thụy Sĩ với giá 46,7 tỷ USD, thương vụ lớn nhất của Trung Quốc tại nước ngoài

"Tiềm năng tăng trưởng của Tập đoàn KraussMaffei là rất lớn, đặc biệt khi được tiếp cận thị trường Trung Quốc”, Jianxin Ren, Chủ tịch ChemChina, nói. Ông cho biết công ty của ông đã quan tâm đến "đội ngũ quản lý mạnh mẽ và chuyên môn kỹ thuật của KraussMaffei từ lâu, điều sẽ rất có lợi cho các công ty con của Trung Quốc".

Tháng 2 năm nay, ChemChina cũng đã mua lại Syngenta của Thụy Sĩ với giá 46,7 tỷ USD. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Một chủ đầu tư lớn khác của Trung Quốc ở châu Âu là Dalian Wanda. Công ty này đã mua hãng sản xuất du thuyền của Anh Sunseekers với giá 982 triệu USD và được phép tham gia vào quá trình phát triển bất động sản khổng lồ ở Anh và Pháp.

Đến tháng 5 năm nay, nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc tên là Midea Group đã công bố kế hoạch mua công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức KUKA. Theo Bloomberg, Midea Group mua lại 25% cổ phần từ nhà đầu từ Voith GmbH với giá 1,3 triệu USD, nhờ đó, trở thành cổ đông lớn nhất với gần 50% cổ phần.

img

Tháng 5 năm nay, nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc tên là Midea Group đã công bố kế hoạch mua công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức KUKA

Ví dụ về các khoản đầu tư và mua lại của Trung Quốc ở châu Âu còn tiếp diễn tại nhiều quốc gia khác như Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha. Các thương vụ sáp nhập và mua lại xuyên biên giới của Trung Quốc tăng vọt trong năm 2008, tuy suy giảm trong một vài năm biến động, nhưng sau đó đã lại tiếp tục tăng nhanh, theo Tập đoàn nghiên cứu phân tích Rhodium.

Các công ty Trung Quốc vào năm 2015 đã chi tổng cộng 61 tỉ USD cho các thương vụ sáp nhập và mua lại quốc tế, tăng 15% so với năm trước đó và đánh dấu con số cao kỷ lục. Theo US News, Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia (thời điểm Anh chưa rời EU) nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác.