Ảnh minh họa.
Ngày 6.10, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo Mỹ “nên cân nhắc những hậu quả xảy ra” nếu không kích vào quân đội Syria. Nga nhấn mạnh rằng, các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 và S-400 ở Syria đã sẵn sàng trực chiến.
Nga hiện có tên lửa phòng không S-400 và S-300 đóng vai trò bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim và cảng Tartus. “Tầm bắn của các vũ khí này có thể gây bất ngờ cho bất cứ vật thể bay không xác định nào”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra để phản ứng với “thông tin rò rỉ” từ truyền thông phương Tây, nói rằng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc đang cân nhắc ném bom quân đội chính phủ Syria, sau khi thỏa thuận hợp tác giữa hai bên Nga và Mỹ đổ vỡ.
Trả lời trên Radio Sputnik, nhà phân tích chính trị Syria Kevork Almassian cho rằng, tuyên bố Mỹ ngừng hợp tác với Nga hồi đầu tuần này dễ gây “hiểu nhầm”. Bản chất Mỹ và Nga chưa từng có sự hợp tác thực sự nào ngay từ đầu bởi các bên có cách tiếp cận khác nhau trong cuộc nội chiến Syria.
Almassian nhận định, Washington không muốn chấm dứt bạo lực ở Aleppo và bởi Nga và Mỹ có quan điểm khác nhau về các nhóm vũ trang chiến đấu dưới mặt đất.
Trong khi đó, Nga và Syria muốn giải phóng thành phố bằng mọi giá. “Người Mỹ buộc phải ngừng hợp tác với Nga vì cảm thấy ‘mất mặt’ với đồng minh Trung Đông và họ cũng xấu hổ khi chiến lược ở Syria không đem lại hiệu quả”, Almassian nói.
Hệ thống phòng không S-300 PMU-1 khai hỏa tên lửa.
Tham gia thảo luận trên Radio Sputnik, nhà phân tích chính trị Diana Johnstone nói Mỹ muốn kiểm soát chính phủ Syria. Bởi sự can thiệp của Nga, kế hoạch đó đã sụp đổ, buộc Mỹ thay đổi kế hoạch. Đặc biệt trong bối cảnh, đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia và Israel cương quyết muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
Bình luận về khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama mở chiến dịch ném bom trực tiếp vào quân đội Syria, Almassian nói đây là hệ quả của việc Washington đang thất bại. Nhưng nhà phân tích chính trị Syria tin rằng, Tổng thống Mỹ sẽ không lựa chọn giải pháp quyết liệt như vậy. Đặc biệt, cán cân sức mạnh trên chiến trường đang có phần nghiêng về quân đội Syria, với sự hỗ trợ của Nga.
“Nếu như người Mỹ ném bom Syria, tôi nghĩ chiến tranh thế giới lần 3 sẽ nổ ra. Đây hoàn toàn không phải là điều phóng đại”, Almassian cảnh báo, giải thích một cuộc can thiệp trực tiếp sẽ dẫn đến những hậu quả không hề đơn giản chút nào.
Bà Johnstone lại tỏ ra không mấy lạc quan. “Mỹ vốn đã ném bom quân đội Syria, khiến 60 binh sĩ thiệt mạng và họ nói là nhầm lẫn. Mỹ không muốn gửi quân đến chiến đấu ở Syria và do đó, Washington chỉ có thể tấn công từ xa”. Đó cũng là lý do Nga gấp rút đưa các tổ hợp tên lửa S-300 đến trực chiến.
Nếu như Mỹ ném bom, khả năng chiến tranh thế giới 3 nổ ra với Nga đối đầu Mỹ, Iran đối đầu Saudi Arabia là điều hoàn toàn có thể xảy ra, Almassian kết luận.