Dân Việt

Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn

Quang Minh - Tổng hợp 10/10/2016 00:55 GMT+7
Ở thời điểm đỉnh cao, đế chế Mông Cổ rộng tới 24 triệu km2, gấp 2,5 lần diện tích Trung Quốc ngày nay và chiếm 16% diện tích đất liền thế giới.

img

Tượng Thành Cát Tư Hãn do đời sau dựng lại

Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.

Đế quốc Mông Cổ từng tồn tại trong các thế kỷ 13,14 và là quốc gia có lãnh thổ liền mạch lớn nhất trong lịch sử loài người. Khởi đầu trên các thảo nguyên Trung Á, đế quốc Mông Cổ đã trải dài từ Đông Âu đến biển Nhật Bản, bao gồm nhiều phần rộng lớn của Siberia ở phía bắc, và vươn tới phía nam đến Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cao nguyên Iran và Trung Đông.

Ở thời điểm hùng mạnh nhất, đế quốc Mông Cổ trải dài 9.700 km, diện tích lãnh thổ lên tới 24 triệu km2,  tương đương 16% diện tích đất liền của Trái Đất và thống trị 100 triệu thần dân. Thành Cát Tư Hãn là “ông chủ” của đế quốc Mông Cổ thời kì hùng mạnh nhất thế giới. Hàng chục triệu người đã chết nơi vó ngựa của quân Thành Cát Tư Hãn đi qua.

img

Năm 1279, diện tích Mông Cổ nối liền một dài từ Á sang Âu, dài hơn 9.000km, rộng 24 triệu km2.

Thành Cát Tư Hãn sinh ra năm 1162 với tên gốc là Thiết Mộc Chân, kết hôn năm 16 tuổi và có rất nhiều vợ trong toàn bộ cuộc đời mình.

Thiết Mộc Chân bắt đầu sự nghiệp bằng cách liên minh với Thoát Lý, một thủ lĩnh địa phương được phong tước Vương Hãn. Chính Thoát Lý là người đề nghị cho Thiết Mộc Chân mượn 20.000 quân để tạo ra đế chế đầu tiên chống lại các kẻ thù chính của quân Mông Cổ gồm Nãi Man, Miệt Nhi Khất, Đảng Hạng, Kim và Tatar.

Khét tiếng máu lạnh, Thiết Mộc Chân có quan điểm chỉ lựa chọn người trung thành và xứng đáng chứ không dựa vào quan hệ gia đình, một điểm độc đáo ở thời đại đó. Bộ luật mang tên Yassa của ông quy định cách xây dựng tổ chức và quốc gia trong phạm vi đế chế Mông Cổ.

Thiết Mộc Chân khuyến khích phục tùng tuyệt đối và đổi lại sẽ trao sự giàu có cho binh lính bằng các chiến lợi phẩm có được. Khi đánh bại bộ lạc đối phương, ông không giết hại hoặc ruồng bỏ binh sĩ của họ mà bảo hộ và hợp nhất vào đế chế của mình. Thậm chí, mẹ của Thiết Mộc Chân còn nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi từ bộ lạc đối phương. Chính điều này giúp Thiết Mộc Chân mạnh hơn sau mỗi lần chiến thắng vì lòng dân luôn ổn định.

img

Thành Cát Tư Hãn đăng cơ ở một khu vực ven bờ sông Onon, hình trong sách Jami' al-tawarikh.

Thiết Mộc Chân đề nghị cưới con gái của Thoát Lý năm 1202 nhưng bị từ chối. Ông cũng nhận ra sự bất tuân của Thoát Lý. Sau này, Thoát Lý chạy trốn khi thấy mọi kẻ thù trước đây của Thiết Mộc Chân đều theo phe ông.

Năm 1206, ông liên kết thành công các bộ lạc Mông Cổ đang bị chia rẽ, và tại hội nghị Kurultai (Hội đồng các thủ lĩnh Mông Cổ) ông đã được phong là Thành Cát Tư Hãn (có nghĩa là vua của thế giới).

Những pháp sư hàng đầu ở Mông Cổ tôn Thành Cát Tư Hãn là đại diện của Mongke Koko Tenri (trời xanh bất diệt) – vị thần tối cao trong quan niệm của người du mục. Khi được tất cả người dân và đối thủ tôn sùng địa vị tối cao và chấp thuận sứ mệnh thống trị thế giới, Thành Cát Tư Hãn tự đưa mình lên một đẳng cấp mới.

Bất kì sự chống lại Thành Cát Tư Hãn nào cũng được cho là hành động trái ý trời. Thành Cát Tư Hãn được cho là chủ nhân câu nói nổi tiếng: “Ta là sự trừng phạt của chúa trời. Nếu các ngươi không sai phạm, trời đã không cử ta xuống đây”.

Cùng thời điểm hội nghị Kurultai, Thành Cát Tư Hãn bị cuốn vào cuộc tranh chấp với Tây Hạ khi quốc gia này bắt Mông Cổ phải phục tùng và cống nạp mỗi năm. Năm 1209 khi ký kết hòa bình với Tây Hạ, quốc gia này thực chất đã nằm dưới trướng của Thành Cát Tư Hãn.

img

Giao chiến giữa quân Mông Cổ và quân Kim trong chiến dịch Dã Hồ Lĩnh (Trung Quốc) năm 1211.

Mục đích quan trọng hơn của Thành Cát Tư Hãn là xâm chiếm nhà Kim. Thứ nhất, đây là quốc gia khiến Mông Cổ trong quá khứ nhiều lần nuốt “trái đắng”. Thứ hai, Thành Cát Tư Hãn muốn chiếm lấy nguồn tài nguyên giàu có ở miền bắc Trung Quốc. Trận chiến lịch sử Dã Hồ Lĩnh (nay thuộc Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) là bước ngoặt giữa quân Mông Cổ và triều đình nhà Kim.

Trong trận này, quân Kim áp dụng chiến sách “tập trung quân số” để đối phó với Thành Cát Tư Hãn vì biết rằng nếu dàn quân trên nhiều cửa ải thì chắc chắn sẽ thua trận. Nhà Kim dồn 450.000 lính tinh nhuệ vào trận Dã Hồ Lĩnh với ý đồ tiêu diệt hoàn toàn quân Mông Cổ.

Nhưng ở trận đại chiến này, Thành Cát Tư Hãn tiếp nhận ý kiến của nhiều quân sư, đặc biệt là Mộc Hoa Lê, trong đó sử dụng quân cảm tử tấn công quân Kim trước. Sau đó, các cánh quân mở đường với quân số 10 vạn người tấn công vào mục tiêu chủ chốt của kẻ địch. Tướng Mông Cổ cũng rất bình tĩnh trong trận chiến giúp tinh thần binh sĩ đều ổn định. Quân Kim chưa thấy lực lượng tiếp ứng vội hoảng loạn và bỏ chạy.

img

Tranh mô tả Trận Legnica năm 1241, diễn ra ở khu vực nay thuộc Ba Lan, giữa quân Mông Cổ và liên quân châu Âu.

Theo sử sách, xác quân Kim nằm la liệt trên một diện tích rộng hàng trăm dặm. Chỉ một trận chiến duy nhất mà binh lực hơn trăm năm tích trữ của nhà Kim bị hủy diệt hoàn toàn. Trận đánh này buộc nhà Kim phải đầu hàng trong đau đớn.

Sau hơn chục năm đánh nhau cùng nhà Tây Hạ và nhà Kim, Thành Cát Tư Hãn tỏ ý mệt mỏi. Năm 1218, ông cử sứ giả sang tỉnh phía đông đế quốc Khwarezm - một nước do những chiến binh Mamluk người Turk ở Ba Tư thành lập - xin thảo luận khả năng buôn bán với nước này. Thống đốc tỉnh này đã giết chết sứ giả quân Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn vô cùng tức giận, sai 20 vạn quân sang Khwarezm trả thù. Với chiến lược và chiến thuật vượt trội cùng quân sĩ tinh nhuệ, quân Thành Cát Tư Hãn mau chóng tiêu diệt quốc gia Khwarezm. Viên thống đốc dám xúc phạm Thành Cát Tư Hãn đã bị đổ bạc nóng chảy vào tai và mắt.

Sau khi đế quốc Khwarezm bị tiêu diệt năm 1220, Thành Cát Tư Hãn nghe theo đề nghị của mãnh tướng Tốc Bất Đài chia đạo quân Mông Cổ thành hai cánh. Thành Cát Tư Hãn dẫn quân chủ lực về Mông Cổ bằng cách đi xuyên qua Afghanistan và Ấn Độ.

Cánh quân còn lại do Tốc Bất Đài chỉ huy, hành quân qua vùng Kavkaz, tấn công vào Armenia và Azerbaijan. Quân Mông Cổ đã phá hủy Gruzia, chiếm trung tâm thương mại và quân sự của cộng hòa Genova, tiến sát nách Biển Đen.

Một sự kiện xảy ra là khi trở về cố quốc, quân của Tốc Bất Đài bị liên quân Cuman-Kipchak gốc Thổ ở phía tây Biển Đen lên tới 80.000 lính tấn công. Chỉ huy của đạo quân Nga Kiev này là Mstislav Dũng cảm và Mstislav III. Dù Tốc Bất Đài gửi sứ giả xin cầu hòa nhưng người đưa tin đã bị quân Nga hành quyết.

img

Quân Mông Cổ bao vây Baghdad năm 1258, thường được coi là một trong những sự kiện riêng lẻ thảm khốc nhất trong lịch sử của Hồi giáo.

Tốc Bất Đài nổi xung, ra lệnh tấn công quân Nga Kiev và đánh tan đạo quân này tại sông Kalka năm 1223. Quân Mông Cổ càn quét khắp lãnh thổ Nga và chỉ dừng lại ở sông Samara (một chi lưu của sông Volga, chảy qua hai tỉnh Orenburg và Samara, liên bang Nga ngày nay) khi bị tướng Ghabdulla Chelbir chỉ huy phục kích gây tổn hại nặng nề.

Sau thất bại “liểng xiểng”, quân Nga chấp nhận lời cầu hòa. Nga dù hòa nhưng vẫn trong tư thế nhục nhã và phải chịu thần phục, cống nạp cho Thành Cát Tư Hãn. Sử sách ghi lại rằng, để ăn mừng chiến thắng, Tốc Bất Đài đã để một tấm ván lớn lên đầu 6 vương công Nga, trong đó có tướng Mstislav III. Họ bị tấm ván này đè tới chết.

Thành Cát Tư Hãn không bao giờ chịu thua trận và dù sau khi chết, ông vẫn tiếp tục trả thù những gì dang dở. 10 năm sau ngày ông mất, cánh quân Mông Cổ một lần nữa quay trở lại Nga dưới sự chỉ huy của Bạt Đô, chinh phục hoàn toàn lãnh thổ Nga Kiev và Bolga Bulgar. Mối thù năm xưa được trả lại đầy đủ.

Trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn nói ra chiến lược tác chiến giữa 3 đế quốc lớn là Mông Cổ, Kim và Nam Tống. Ông nói: "Quân tinh nhuệ của Kim ở Đồng Quan, phía nam chiếm cứ Liên Sơn, phía bắc bị hạn chế bởi sông lớn, như thế khó đánh nhanh. Tống và Kim có mối thù truyền kiếp, giả liên Tống thì đánh Kim sẽ dễ. Bởi lúc này Kim nóng vội, trưng binh hàng vạn, tiếp tế khó khăn, người ngựa mệt mỏi, ta sẽ đánh thắng".

Nói xong, Thành Cát Tư Hãn tắt thở. Ông qua đời gần Lục Bàn Sơn, Trung Quốc năm 1227, thọ 66 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn nhiều bí ẩn, trong đó có giả thuyết về ngã ngựa, bị đầu độc hoặc người Đảng Hạng giết hại. Đảng Hạng là một tộc người nói tiếng Khương và đã thiên di đến khu vực Tây Bắc Trung Quốc trước thế kỷ 10.

img

Tranh mô tả Hải chiến giữa quân Mông Cổ và quân Nhật Bản năm 1281

Thành công của Thành Cát Tư Hãn ngày nay được nhìn nhận chủ yếu nhờ kế sách quân sự tài tình cũng như hiểu được năng lực của đối phương. Ông có một hệ thống do thám rất mạnh và nhanh chóng có được các công nghệ mới của kẻ địch.

Quân lính Mông Cổ được rèn luyện khắc nghiệt, tuyệt đối trung thành dưới trướng Thành Cát Tư Hãn sẽ đảm nhiệm khả năng trinh sát. Họ sẽ cưỡi những con ngựa thấp bé của Mông Cổ nhưng độ gan lì và hoạt động tầm xa rất ưu việt. Khi biết được thông tin mật, những người lính này sẽ sử dụng hệ thống báo hiệu, đuốc và khói để truyền tin. Ngoài ra là cách sử dụng trống hay cờ hiệu cũng mang nhiều thông tin quan trọng.

Trong số 8 vạn quân tinh nhuệ, mỗi người lính ra trận đều mang theo đầy đủ cung tên, lá chắn, dao rựa và thòng lọng. Họ cũng mang theo túi đựng đồ ăn, dụng cụ và quần áo ấm. Những chiếc túi có khả năng chống nước này là một bình dưỡng khí quan trọng nếu quân sĩ phải vượt sông.

Quân kị binh thường có kiếm ngắn, giáo mác, áo giáp, rìu chiến và móc. Những chiếc móc có tác dụng kéo kẻ địch ngã khỏi lưng ngựa để dễ bề tiêu diệt. Lính của Thành Cát Tư Hãn sống cả đời trên thảo nguyên nên họ rất rành cưỡi ngựa, bắn cung. Ưu điểm lớn nhất của những người lính này là điều khiển ngựa chạy nước đại nhưng vẫn rảnh tay để bắn tên hạ đối thủ. Khả năng sắp xếp đội hình cũng như quân hậu cần của Thành Cát Tư Hãn giúp quân sĩ không mệt mỏi và có thể giao chiến nhiều ngày liên tiếp.

img

Tranh vẽ cổ về những kẻ thống trị người Mông Cổ.

Theo như các số liệu của các nhà sử học Iran như Rashid-ad-Din Fadl Allah thì người Mông Cổ đã giết khoảng trên 70.000 dân ở Merv (thành phố Mary tại Turkmenistan ngày nay) và trên một triệu dân ở Nishapur (thủ phủ tỉnh Khorasan, ở phía đông bắc Iran) .

Trung Quốc cũng chịu sự suy giảm bi thảm về dân số. Trước khi người Mông Cổ xâm lược, Trung Quốc có khoảng 100 triệu dân; sau khi hoàn thành việc xâm lấn năm 1279, điều tra dân số năm 1300 cho thấy chỉ còn khoảng 60 triệu dân. Nhiều học giả cho rằng chính quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn gây ra nguyên nhân cái chết của 40 triệu người Trung Quốc dù điều này chưa được kiểm chứng.

__________________

Để đánh đâu thắng đấy, quân đội của Thành Cát Tư Hãn phải được tổ chức cực kỳ quy củ nhưng lại có phần linh hoạt, thoải mái. Ông thường nghiên cứu rất kỹ đối thủ bằng hoạt động do thám vô cùng công phu. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 11.10 để hiểu thêm về tài điều binh khiển tướng của Thành Cát Tư Hãn.