Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được phép xét tuyển thạc sĩ (ảnh minh họa)
Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm học 2016-2017, ĐH Bách khoa Hà Nội được phép tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức xét tuyển. Trước thông tin này, nhiều người băn khoăn, liệu bỏ qua hình thức thi tuyển thạc sĩ như hiện nay có đảm bảo chất lượng đầu vào?
Chia sẻ với phóng viên chiều 7/10, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nói: “Xét về tính hội nhập quốc tế, việc xét tuyển đào tạo thạc sĩ ở các nước rất thông dụng, chúng ta nên theo học mô hình này”.
Theo bà Phụng, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ xây dựng quy định cụ thể về quy trình tuyển sinh thạc sĩ phải đảm bảo yêu cầu về thí sinh tốt nghiệp đại học loại khá đúng ngành, tốt nghiệp không quá 3 năm, ngành đào tạo thuộc khối kỹ thuật công nghệ và ĐH Bách Khoa Hà Nội được đào tạo thạc sĩ từ 10 năm trở lên.
Theo quy chế hiện nay, thí sinh dự thi cao học phải thi 3 môn, trong đó có 1 môn Ngoại ngữ (đối với thí sinh chưa có chứng chỉ tương đương B1 theo yêu cầu) có một môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo.
Vì thế, ĐH Bách Khoa Hà Nội xét tuyển vẫn phải yêu cầu thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp.
“Hiện nay hầu hết các trường ĐH đã đều đặt chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp ĐH tương đương trình độ B1, nên việc này không có vấn đề gì. Còn hai môn khác cũng do trường quyết định nên đối với các sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội loại Khá và đúng ngành thì việc tổ chức thi thực chất là không cần thiết”, bà Phụng cho hay.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, để cho phép trường ĐH Bách Khoa Hà Nội xét tuyển thạc sĩ, Bộ GD-ĐT đã xem báo cáo thống kê về điểm thi cao học của số sinh viên tốt nghiệp của trường.
Trước băn khoăn: “Đối với thí sinh tốt nghiệp từ các trường ĐH khác thì ĐHBK Hà Nội xét tuyển như thế nào? “, bà Phụng cho biết, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phải có trách nhiệm làm việc với các trường để có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau, trên cơ sở đó mới có thể xét tuyển đảm bảo chất lượng đầu vào. Điều quan trọng nhất, đây là chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, học tập trung tại trường. Những thí sinh không có năng lực đi theo định hướng làm giảng dạy, nghiên cứu chắc chắn không đăng ký học thạc sĩ.
Bà Phụng khẳng định: “Chất lượng đào tạo của ĐH Bách Khoa chắc chắn sẽ được nâng cao theo hình thức xét tuyển thạc sĩ”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sau Đại học Bách Khoa Hà Nội, các trường Đại học muốn được tuyển sinh thạc sĩ bằng xét tuyển phải xây dựng đề án, đảm bảo các điều kiện về chất lượng, trương tự như ĐH Bách Khoa Hà Nội.
“Bộ với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra, siết chặt đầu ta. Đầu ra đại học kiểm soát tốt thì đầu vào thạc sĩ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa”, bà Phụng nói.