Trong cuộc bầu cử Thổng thống Mỹ vào tháng 11/2016 tới đây, hiện chỉ có ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump mới có thể ngăn ứng viên Hillary Clinton chiến thắng. Và sau cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lấn thứ nhất thì khả năng đó có chiều hướng giảm đi.
Điều đó cho thấy cơ hội thắng cử của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ là khá cao. Vậy nhưng, hiện tại phe Dân chủ lại lo lắng ứng cử viên của đảng có thể đối mặt với nguy cơ thất cử, mà nguyên nhân không phải từ phía họ, cũng không phải từ Donald Trump, mà là từ nhân vật thứ ba khác.
Gary Johnson - ứng viên của đảng Tự Do ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 – người có thể trở thành “kẻ phá đám” đối với cặp đôi Trump – Hillary.
Đó là ứng viên Tổng thống của đảng Tự Do Gary Johnson. Theo CNN ngày 29.9 thì ứng viên Phó Tổng thống trong liên danh của đảng Dân chủ Tim Kaine đã cảnh báo rằng, Gary Johnson có mang đến thảm họa cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Gary Johnson là ai mà có uy thế lớn đến vậy?
Người có khả năng thay đổi cuộc chơi
Có thể thấy rằng, hiện nay cặp đôi Trump - Hillary đang độc chiếm diễn đàn tranh cử, song không phải họ đang độc chiếm đường đua. Song hành cùng họ là những ứng viên được xem là nhân vật thứ ba, trong đó đáng chú ý là ứng cử viên tổng thống của đảng Tự Do Gary Johnson.
Với những gì ông Johnson thể hiện trong qua trình vận động của mình, cho thấy có vẻ ông rất xa lạ với đời sống chính trị. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trên truyền hình của MSNBC, ông Johnson không thể gọi tên một nhà lãnh đạo trên thế giới mà ông ngưỡng mộ.
Tháng trước ông còn để lại một khoảnh khắc xấu hổ khi không thể trả lời câu hỏi về việc ông sẽ làm gì để giảm bớt những khó khăn đang bao vây thành phố Aleppo, tại Syria, mà ông lại hỏi ngược lại "Aleppo là gì?". Điều đó cho thấy Gary Johnson không phải là một con bài chính trị.
Với thực tế như vậy, người ta đặt ra câu hỏi : Tại sao Johnson vẫn còn trong cuộc đua? Khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy, phe Dân chủ đã phải giật mình trước một viễn cảnh : dù Gary Johnson không phải là một con bài chính trị nhưng lại có thể hiệu chỉnh chiến thắng chính trị.
Và trong viễn cảnh đó thì bất lợi cho phe Dân chủ nhiều hơn. Tại sao vậy? Trong một chế độ chính trị đa đảng, đảm bảo mọi công dân Mỹ đều có quyền tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, nếu đáp ứng điều kiện ghi trong Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Vì vậy, trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ngoài ứng viên của hai đảng chính trị lớn là Cộng hoà và Dân chủ thì còn có các ứng viên độc lập hay đại diện cho các đảng chính khác như đảng Tự Do hay đảng Trà…
Tuy nhiên, trong suốt lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, chưa một ứng viên nào thứ ba nào có thể lật ngược hay tạo ra một bước ngoặt trong các cuộc bầu cử. Mặc dù vậy, với cách thức bầu cử của nước Mỹ, đã có những ứng viên thứ ba ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.
Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra theo hai bước. Bước thứ nhất, cử tri phổ thông đi bỏ phiếu bầu đại cử tri với số lượng nhất định được quy định cho từng tiểu bang. Và ứng viên nào chiếm đa số phiếu của một bang thì sẽ chiếm trọn số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó.
Bước thứ hai, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống. Do các đại cử tri chỉ là cử tri đại diện nên việc bỏ phiếu ở bước hai mang nặng tính thủ tục. Không có chuyện đại cử tri của một tiểu bang đã thuộc về ứng viên đảng này lại bỏ phiếu bầu cho ứng viên đảng kia và ngược lại.
Theo lịch sử ghi nhận, ứng viên thứ ba – ngoài hai ứng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà – giành được số phiều phổ thông nhiều nhất là tỷ phú Ross Perot với tỷ lệ có được là 19% số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1992.
Mặc dù vậy, số phiếu phổ thông Ross Perot có được không làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử năm đó. Thống đốc trẻ tuổi của bang Akansas Bill Clinton - ứng viên đảng Dân chủ đã có chiến thắng vang dội trước đương kim Tổng thống George H.W.Bush - ứng viên đảng Cộng hoà.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tống thống năm 2000 với cuộc đua chính giữa Thống đốc bang Texas George .W Bush - ứng viên đảng Cộng hoà và đương kim Phó Tổng thống Al Gore - ứng viên đảng Dân chủ, thì mọi việc lại khác.
Trong cuộc bầu cử năm 2000, ứng viên thứ ba được xem là có ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử được xem là gay cấn nhất lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ. Và đó chính là nguyên nhân khiến phe Dân chủ lo lắng Johnson có thể trở thành “kẻ phá đám” trong cuộc bầu cử năm nay.
Không bỏ phiếu cho Trump, Hillary thì sẽ bỏ phiếu cho Johnson
Việc tỷ phú bất động sản Donald Trump tham gia tranh cử với những nét khác biệt, phá vỡ nhiều nguyên tắc của chính trị truyền thống, khiến cho đảng Cộng hoà rơi vào thế “bâng khuâng giữa hai dòng nước”. Ủng hộ đối thủ không được, ủng hộ “gà nhà” cũng không xong.
Ralph Nader – người được cho đã góp phần là làm mất “chiến thắng trong tầm tay” của ứng viên đảng Dân chủ Al Gore trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000. Ảnh : AP
Chiến thắng thuyết phục của ông Trump trong giai đoạn bầu cử sơ bộ khiến cho cục diện cuộc bầu cử năm nay quá khó dự đoán. Cho dù kết quả các cuộc thăm dò hầu hết cho thấy bà Hillary dẫn trước ông Trump, nhưng không ai dám chắc phe Dân chủ sẽ chiến thắng.
Tình thế hiện nay giữa các ứng cử viên khiến cho giới phân tích đưa ra khả năng lặp lại kịch bản của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000. Khi đó, ứng cử viên luôn dẫn điểm trong các cuộc thăm dò nhưng cuối cùng thì lại không được công nhận chiến thắng.
Kết quả đó được được giới phân tích nhận định là do ứng viên thứ ba Ralph Nader đã giành được một lượng phiếu phổ thông từ Phó Tỏng thống Al Gore tại bang Florida. Điều đó khiến cho số phiếu dành cho ứng viên đảng Dân chủ thấp hơn tính toán và ông Bush đã chiếm trọn số phiếu đại cử tri của bang Florida.
Tình thế của ông Trump hiện nay không khác nhiều so với ông Bush thời điểm đó. Và ứng viên Phó Tổng thống bên đảng Dân chủ Tim Kaine đã phải lên tiếng : “Thực tế đó có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Đó không còn là sự suy đoán, tôi đã nhìn thấy điều đó từ lịch sử”, theo CNN.
Tuy nhiên, hiện tại nhân tố thứ ba Gary Johnson đang bị chế giễu thì làm sao có thể kéo cử tri về phía mình được? Vấn đề lại không nằm ở việc Johnson có thuyết phục được cử tri hay không mà cử tri chọn bỏ phiếu cho ông chủ yếu để xả ức chế với Trump, nhưng lại không muốn ủng hộ Hillary.
Có thể thấy rằng, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton không quá xuất sắc trong cuộc đua năm nay, do vậy không dễ hưởng lợi từ hiệu ứng “ghét Trump” của những cử tri và ủng hộ viên của đảng Cộng hoà.
Không bỏ phiếu cho Trump, không bỏ phiếu cho Hillary thì sẽ bỏ phiếu cho Johnson và điều đó đã hiển hiện. Một cuộc thăm dò mới nhất của CNN/ORC tại Colorado - một bang mà Hillary Clinton phải giành chiến thắng, có kết quả là Johnson: 13% , Trump : 41% và Hillary 42%.
Như vậy, để có thể giành chiến thắng, ứng viên Hillary Clinton không chỉ phải giành ưu thế trước ứng viên Donald Trump, mà còn phải tìm cách làm sao có thể giảm hiệu ứng bỏ phiếu cho Gary Johnson “cho bõ ghét”.
Có thể sau các cuộc “đấu trí trực tiếp” bà Hillary đã tìm ra miếng võ để có thể hạ gục ông Trump. Song với ông Johnson thì bà không dễ tìm đòn hiểm để hạ gục đối thủ. Bởi lẽ, cử tri chọn bỏ phiếu cho Johnson không phụ thuộc vào chương trình tranh của của ông ta, do vậy chẳng có sơ hở nào cho bà Hillary khai thác.
Điều đó cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 này sẽ có bất ngờ tới phút cuối và cục diện có thể được quyết định bởi một “kẻ phá đám” mang tên Gary Johnson.