Thương xá Tax là trung tâm thương mại sầm uất và lâu đời nhất tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Một thành viên (SATRA), thương xá TAX ở Q.1, TP.HCM sẽ chính thức được phá dỡ để xây dựng công trình mới từ sáng 12.10.
Tòa nhà mới được xây thành một tổ hợp 40 tầng nổi và 6 tầng hầm đa chức năng, hiện đại nhưng vẫn giữ được những đường nét, hình ảnh xưa cũ của thương xá Tax thời kỳ đầu.
Trong đó có 2 tầng hầm dành cho trung tâm thương mại, siêu thị, và các dịch vụ, giải trí. Đặc biệt, tầng hầm của công trình mới sẽ có lối đi kết nối với nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cònphần đỉnh tòa nhà sẽ có sân bay trực thăng.
Trước đó, để bảo tồn những giá trị lịch sử của thương xá Tax, đơn vị thi công đã kỳ công tháo dỡ và lưu giữ lại nhiều thành phần của công trình cũ, như bảng hiệu “Thương xá Tax”, mái che nắng dọc vỉa hè, cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính có tay vịn và lan can bằng đồng, các phần trang trí có lót gạch mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng con gà trống, quả cầu đúc bằng đồng ở đầu cầu thang,...
Đơn vị thi công đã rất kỳ công để bóc tách những thảm gạch mosaic. (Ảnh: SATRA)
Các thành phần này được nhà thầu nghiên cứu thiết kế và tích hợp vào công trình mới. Riêng phần mái vòm hình cầu (góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi) được SATRA khẳng định sẽ được phục dựng gần như nguyên bản và tích hợp ở công trình mới.
Thương xá Tax là một trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng tại TP.HCM với diện tích 9.200 mét vuông, nằm ngay trung tâm Q.1, tiếp giáp đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur - nơi mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố.
Thương xá TAX được xây dựng năm 1922 và hoàn thành vào năm 1924 với tên gọi Grands Magasins Channer (GMC) với công năng là trung tâm thương mại. Đầu những năm 1960, nơi này chính thức được đổi tên thành thương xá Tax.
Cùng được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, ngoài thương xá Tax còn có nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộckhác như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh Toàn Quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP.HCM),... Đây được xem là những biểu tượng của Sài Gòn.