Lồng treo còn chiếc sọ người
Đường Parr tại Banbury, Oxfordshire (Anh) tràn ngập những khu vườn đầy hoa bên tường đá đẹp mắt, cạnh những ngôi nhà xinh xắn. Chẳng mấy ai quanh đây biết con đường được đặt tên theo một sát nhân bị treo cổ năm 1746, đóng trong một lồng sắt dựng ngay trước bưu điện và bị mặc cho thối rữa.
Tổ tiên chúng ta có nhiều cách xử tử kinh dị. Từ xa xưa, những tội phạm thường bị chặt và bêu đầu thị chúng, kẻ phản động bị tùng xẻo và rải thịt dọc thành phố. Riêng việc treo cổ trong lồng này khác biệt hơn một chút, vì nó dường như đang tra tấn kể cả khi phạm nhân đã chết. Những kẻ này thường được treo thành hàng ở nơi công cộng để cảnh báo.
"Đó là thứ khá ghê rợn", Sarah Tarlow, giáo sư khảo cổ ĐH Leiceiter nhận xét, "Những dây xích, lồng sắt đều mang hình dáng con người với mục đích bó chặt cơ thể. Có khá nhiều loại lồng sắt tàn bạo tới mức mà ngỡ như chỉ có ở địa ngục", cô nói thêm.
Tarlow từng viết và nghiên cứu nhiều về những chiếc lồng này. Năm 2014, cô đi khắp nơi để xem 16 chiếc lồng còn sót lại ở nhiều bảo tàng khắp nước Anh, trong đó một chiếc vẫn còn kẹp xương sọ của nạn nhân.
"Việc đóng lồng ít khi được thực hiện nhưng một khi diễn ra thì luôn để lại ấn tượng lớn", Tarlow cho hay.
Một chiếc lồng tại Bảo tàng Guildhall Leiceiter
Việc đóng lồng tội phạm phổ biến nhất vào những năm 1740, nhưng chính thức có luật vào năm 1752 chỉ định tất cả sát nhân phải bị treo đến thối rữa ở nơi công cộng. Từ đó cho tới năm 1832 đã có 134 tử tù. Hình thức này được xóa bỏ năm 1834.
Các lồng này thường thu hút đám đông lên tới cả hàng nghìn người, nhưng những người dân sống gần đó chẳng thấy hả hê hay vui vẻ, vì mùi xác thối rất kinh khủng. Mỗi lần có gió tạt, chiếc lồng bắt đầu đu đưa, bên trong là thân xác đang rữa ra.
Phạm nhân bị treo tập thể
Tệ hơn là những cư dân sống gần đó sẽ phải chịu đựng nhiều năm. Cái xác thường bị giòi bọ hay chim chóc rỉa tới tận xương. Có những chiếc lồng bị đóng bằng cả nghìn chiếc đinh để phòng ngừa người dân gỡ nó đi. Dần dần, những chiếc lồng này trở thành dấu mốc và thành tên đường, giống như Parr.
Vì lồng treo không phổ biến nên mỗi chiếc lại được đúc theo khuôn mẫu khác nhau tùy hứng của thợ rèn. Có chiếc thêm bánh xe, vài chiếc dày và nặng, hay đúc khung sắt theo cả từng chi tiết mặt. Khi đã hỏng, bộ phận của những chiếc lồng đó còn được làm thành đồ dùng hay lưu niệm.
Phạm nhân sẽ để bị rữa cho tới khi chỉ còn xương
Phụ nữ không bị treo trong lồng, nhưng xác của họ chẳng được tôn trọng, mà trở thành vật liệu béo bở cho các bác sĩ phẫu thuật. Đương nhiên, có rất nhiều người phản đối cách xử tử kinh dị này, nhưng tòa án cho rằng đó là cách phòng chống tội phạm hiệu quả. Trên thực tế thì chẳng có tác dụng. Một cô gái 16 tuổi từng dẫn bạn đến cắm trại ở ngay nơi dựng lồng và đầu độc vì người bạn nhận công việc mà cô ta phản đối.
Lần cuối cùng lồng treo được sử dụng là năm 1832 cho 2 tội nhân, nhưng sau này áp lực từ gia đình và đám đông khiến tòa án phải gỡ bỏ chúng. Giờ chỉ còn đường Parr là dấu ấn duy nhất của sáng tạo lạnh gáy này.