Dân Việt

Có hay không nước mắm vừa ngon, vừa an toàn?

Nguyên Vỹ 12/10/2016 10:40 GMT+7
Mâu thuẫn về quan điểm sản xuất cũng như tương quan thị phần đã tạm chia thành 2 phe khi đưa ra những định nghĩa, đánh giá về sản phẩm, chất lượng nước mắm. Nhưng đâu là nước mắm ngon và an toàn thì người tiêu dùng vẫn phải chờ câu trả lời.

Nước mắm ngon do độ đạm?

Đứng cạnh gian hàng nước mắm trong Coopmart với gần chục thương hiệu, chị Nguyễn Hồng Hoa (quận Gò Vấp) cho rằng thực phẩm là để thưởng thức nên hương vị mới là yếu tố đầu tiên chứ không phải độ đạm.

Theo chị, nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp đã được nói nhiều nhưng không phải ai cũng phân biệt được độ đạm với các hóa chất nhân tạo. “Ngon hay không, tùy khẩu vị. Ngon mà an toàn hay không thì chưa biết”.

img

Thị trường nước mắm chưa phân biệt đâu là sản phẩm truyền thống và đâu là sản phẩm công nghiệp

Vấn đề của chị Hoa tiếp tục lặp lại trong một hội thảo về nước mắm được tổ chức mới đây nhằm giúp người tiêu dùng chọn được sản phẩm phù hợp.

Hàng loạt câu hỏi đã đặt ra nhưng câu trả lời thỏa đáng thế nào là ngon và an toàn vẫn chưa dứt khoát, với nhiều băn khoăn, tranh cãi.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT công ty CP thủy sản 584 cho rằng cần tôn trọng tất cả chủng loại nước mắm nhưng thông tin không đồng nhất chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang.

Bà Hồ Kim Liên, chủ doanh nghiệp hải sản Khải Hoàn cho rằng nước mắm truyền thống phân giải từ cá và muối nên có độ mặn và độ đạm cao. “Nguyên liệu tốt cho độ đạm cao thì nước mắm sẽ ngon”.

Nhưng bà Lê Thị Nga, Giám đốc nghiên cứu phát triển công ty CP Masan lại nêu quan điểm: không phải cứ đạm cao thì ngon, vì quá trình phân giải cá, ngoài đạm tốt axit amin, còn có đạm xấu amoniac mà cơ thể không hấp thụ được.

“Nước mắm ngon phải có đạm axit amin cao và đạm amoniac thấp chứ không chỉ là đạm toàn phần cao”, bà Nga giải thích.

Bà Trần Thị Dung, chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản cho rằng điều mà Masan làm được là họ dùng điều vị, phẩm màu, hương liệu để hấp dẫn giác quan khách hàng.  

“Về luật, Masan không sai. Nhưng chỉ ở sản phẩm truyền thống mới có lượng đạm axit amin cao, tạo nên vị hậu của cá tươi mà sản phẩm công nghiệp không thể có”, bà Dung khẳng định.

Nước mắm ngon liệu có an toàn?

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, nguyên chủ tịch Hội nước chấm TP.HCM, mâu thuẫn lớn nhất hiện nay giữa nước mắm truyền thống và hiện đại là quan điểm về sản xuất.

Khi nguyên liệu, thị trường, nhu cầu ẩm thực thay đổi, nước mắm truyền thống cũng đã có nhiều can thiệp trong quy trình chứ không còn giữ nguyên như trước. Nước mắm là quốc hồn, quốc túy nhưng việc đưa chất điều vị vào nước mắm hiện nay là xu hướng tất yếu.

“Nhưng phải có quy định để nó không trở thành con dao 2 lưỡi”, ông Dũng nói.

Chủ một cửa hàng nước mắm Phan Thiết trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho rằng các cơ quan quản lý cũng còn lấn cấn. “Sản phẩm phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tiền nào của đó nhưng họ cần sản phẩm không chất độc hại”, ông này nói.

Đại diện Masan cho rằng độ đạm cao sẽ tỉ lệ thuận với hàm lượng các chất ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, như histamine và kim loại nặng, đặc biệt là arsenic (thạch tín). Masan cũng khẳng định các sản phẩm của họ đều đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, nguyên cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cần xem xét lại quy chuẩn về nước mắm trên nhiều góc độ. Bộ Y tế phải sớm có ràng buộc với các thông số về arsenic, nhất là với dòng nước mắm cao đạm theo phương pháp cổ truyền.

Cần minh bạch thông tin

Có một quan điểm ai cũng đồng tình là các thông tin ghi trên nhãn phải minh bạch, rõ ràng. Bà Trần Thị Dung đặt vấn đề cần thiết phải giúp người tiêu dùng phân định rõ sản phẩm pha chế với sản phẩm từ cá, muối lọc ra. “Vì định nghĩa nước mắm là sản phẩm thủy phân từ cá, muối hiện không còn phù hợp”.