Người Trung Quốc có một cơn khát cháy bỏng với rượu vang Bordeaux
Hơn 100 xưởng sản xuất nho ở Bordeaux, nước Pháp, hiện đang thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Trung Quốc nắm trong tay 1,3% trong số 7.400 xưởng sản xuất rượu vang nằm rải rác ở vùng Bordeaux. Tuy con số phần trăm này không quá cao, nhưng Trung Quốc chỉ đứng sau Bỉ trong danh sách các quốc gia mua tài sản ở Bordeaux.
Điều này cho thấy khát vọng cháy bỏng của “gã khổng lồ” châu Á đối với bất động sản vùng sản xuất rượu vang huyền thoại của Pháp, theo Telegraph.
Người Trung Quốc bắt đầu mua lại các vườn sản xuất rượu vang ở Bordeaux từ năm 2008, vừa để giành lấy thương hiệu nổi tiếng, vừa để đáp ứng nhu cầu rượu vang trong nước ngày càng tăng.
Xưởng sản xuất rượu vang Château de Sours ở Bordeaux đã được bán lại cho Jack Ma hồi tháng 2 năm nay
Tỉ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, là nhà đầu tư Trung Quốc mới nhất mua xưởng sản xuất rượu vang Château de Sours ở Bordeaux hồi tháng 2 năm nay. Trước đó, ông cũng đã mua một xưởng khác mang tên Chateau Pérenne. Theo Decanter, trang báo chuyên về rượu vang, Jack Ma đã gia nhập vào đội ngũ các nhà đầu tư Trung Quốc đông đảo tại Bordeaux.
Quốc gia tiêu thụ vang Bordeaux hàng đầu thế giới
Sự hiện diện của Trung Quốc ở Bordeaux không phải tự nhiên mà có. Sau khi mua các xưởng sản xuất rượu vang, người Trung Quốc xuất khẩu hơn 80% rượu vang sản xuất tại đây về Trung Quốc. Ở quê nhà của họ, nhu cầu rượu vang cao đến nỗi giá một chai vang Pháp có thể gấp 10 lần giá bán tại Pháp, Telegraph đưa tin.
Trung Quốc là nơi tiêu thụ vang Bordeaux nhiều nhất thế giới tính theo giá trị
Cũng theo Telegraph, Trung Quốc là nơi tiêu thụ vang Bordeaux nhiều nhất thế giới tính theo giá trị, lên tới 180 triệu bảng Anh trong năm 2014, so với 164 triệu ở Anh và 161 triệu tại Hồng Kông. Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước uống rượu vang đỏ nhiều nhất thế giới, với 1.865 chai năm 2014.
Người Trung Quốc coi vang Bordeaux là một thứ gì đó sang trọng và cao quý, theo Eddie Yuan, thuộc nhóm Langfan, nơi tư vấn cho các nhà đầu tư Trung Quốc mua xưởng sản xuất rượu vang Pháp. Và khi các tài sản của Pháp ngày càng có giá hợp lý hơn đối với túi tiền của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, việc mua các xưởng sản xuất rượu vang Pháp dường như là một bước đi hợp lý.
Việc các vườn nho Pháp thuộc sở hữu nước ngoài không phải mới lạ. Nó thu hút đầu từ từ Mỹ, Nhật Bản, Canada, và các nước phát triển khác trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các nhà đầu tư Trung Quốc lại rất khác, théo báo Mỹ CNBC.
Người Trung Quốc coi vang Bordeaux là một thứ gì đó sang trọng và cao quý
"Sự đổ bộ của Trung Quốc rất nhanh và táo bạo đã khiến cả khu vực bất ngờ. Sự đầu tư của Trung Quốc được mở rộng, gia tăng và thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn", Philippe Roudie, giáo sư địa lý tại Đại học Bordeaux, nói với CNBC.
Không chỉ vậy, người Trung Quốc còn đặt tên các nhà xưởng của họ rất giống những địa điểm sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất trong khu vực.
Xưởng sản xuất rượu vang Pháp đầu tiên được người Trung Quốc mua lại là Chateau Latour Laguens vào năm 2008. Chateau Latour Laguens nằm trong khu vực Entre Deux Mers cách Bordeaux khoảng 50km, là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng rượu vang năm 2007-2008, khiến giá nhà đất sụt giảm đáng kể.
Sự đổ bộ của Trung Quốc vào các vườn nho Pháp rất nhanh và táo bạo
Mặc dù nhà xưởng này nằm xa nhà xưởng Haut-Médoc, nơi sản xuất nhiều loại rượu vang được công nhận quốc tế như Chateau Latour, Trung Quốc vẫn đặt tên xưởng sản xuất mới là Chateau Latour Laguens. Cái tên này rất giống với tên rượu vang Chateau Latour của Bordeaux, loại rượu mà người Trung Quốc ưa chuộng.
Một tỷ phú Trung Quốc khác cũng đã mua lại xưởng Chateau Chenu-Lafitte, nằm trong một khu vực trồng nho làm rượu vang được ít người biết đến Côtes-de-Bourg. Thế nhưng, họ cũng đã lấy cái tên “na ná” xưởng làm rượu vang nổi tiếng thế giới: xưởng Lafitte-Rothschild.
Người dân địa phương hoài nghi
Người dân địa phương của Bordeaux khá hoài nghi về sự hiện diện ngày càng gia tăng của nhà giàu Trung Quốc, theo CNBC.
Một mặt, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu rượu vang lớn, giúp Bordeaux bù đắp lại tổn thất do lượng tiêu thụ rượu vang giảm trong nước. Đồng thời, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang giúp các xưởng sản xuất rượu vang phát triển. Mặt khác, người dân địa phương vẫn khá lo lắng khi thấy những mảnh đất sản xuất rượu vang lâu đời của họ được bán một cách dễ dàng.
Người dân địa phương vẫn khá lo lắng khi thấy những mảnh đất sản xuất rượu vang lâu đời của họ được bán một cách dễ dàng
"Chỉ vì họ là khách hàng, không có nghĩa là họ được xâm lấn chúng tôi", Petra du Jardin, người làm việc tại một khách sạn địa phương, nói với CNBC.
"Tuy họ đang đổ tiền vào đây và không thể mang đất về Trung Quốc, nhưng sự can thiệp nhanh chóng của họ vào quá trình kinh doanh của chúng tôi có chút đáng lo ngại", Lois de Roquefeuille, một chủ sở hữu xưởng sản xuất rượu vang, nói.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu giới giàu Trung Quốc có tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Bordeaux với cùng tốc độ này trong tương lai hay không; hay “nỗi ám ảnh màu đỏ” chỉ là một sự bùng nổ ngắn hạn, có thể “nguội lạnh” theo thời gian, CNBC phân tích.