Dân Việt

Cách tận dụng cây cao su làm trụ tiêu

Hoàng Nghị 14/10/2016 12:46 GMT+7
Những năm gần đây, mủ cao su rớt giá thê thảm khiến nhiều hộ trồng loại cây này tại các tiểu điền trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng ngồi không yên.

Trong khi đó, giá hồ tiêu lại tăng vùn vụt nên nhiều người đã tỉa cành cây cao su để làm trụ sống cho cây hồ tiêu. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả trong thời điểm mủ cao su rớt giá.

Để có một vườn cao su đến kỳ thu hoạch mủ, người nông dân phải mất 5 năm đầu tư và bỏ chăm sóc cùng nhiều vốn liếng. Thế nên, khi giá mủ cao su xuống thấp, nhiều hộ trồng cao su tiểu điền không nỡ chặt cây mà chọn biện pháp trồng cây tiêu dưới gốc cao su; lấy cây cao su làm trụ để cây tiêu bám leo lên và phát triển. Cách làm này đang được nhiều hộ trồng cao su tiểu điền hy vọng cây tiêu sẽ giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn khi mủ cao su rớt giá. Còn nếu giá mủ cao su tăng trở lại, họ vẫn có thể tiếp tục chăm sóc và khai thác.

img

Cây cao su rớt giá nên được tận dụng làm bệ đỡ cho cây hồ tiêu. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Ông Huỳnh Dương, ngụ thôn Hoa Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, có 4 ha cao su 6 năm tuổi và đã tỉa cành để làm trụ sống cho các gốc tiêu. Đáng lẽ năm 2015, gia đình thu hoạch mủ nhưng vì giá rớt thê thảm nên đành bỏ. Tiếc công, tiếc của 6 năm ròng rã chăm sóc (riêng tiền giống, vật tư đã tốn cả trăm triệu đồng/ha), nay ông Dương đành chọn giải pháp tỉa hết các cành của cây cao su để làm trụ sống cho cây tiêu.

Còn tại huyện Xuyên Mộc, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại 2 xã Phước Thuận và Hòa Hội đã có hơn 100 ha cao su tiểu điền bị tỉa cành làm trụ sống cho cây tiêu, chờ khi giá cao su tăng trở lại mới dưỡng cây để khai thác. Gia đình ông Mai Gia Phước, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, có gần 1 ha cao su. Khi giá mủ cao su sụt giảm mạnh, ông đã mạnh dạn trồng tiêu dưới gốc cao su, khi thấy tiêu phát triển tốt, ông đã tiến hành tỉa cành, lấy thân cây cao su làm trụ sống cho cây tiêu thay vì chặt bỏ để trồng trụ khác. Ông Phước cho rằng, nếu muốn phục hồi lại thì chỉ sau 2 năm, cây cao su sẽ lại cho mủ bình thường.

Tại xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, ông Lê Ngọc Sơn, ấp 2 Tây, xã Bàu Lâm, cho biết, năm 2015 gia đình ông đã tỉa cành, cưa ngọn 1 ha cao su để chuyển sang trồng tiêu. Theo ông Sơn, để làm trụ tiêu phải tốn thêm chi phí, trong khi đó tận dụng cây cao su làm trụ thì giảm hơn một nửa chi phí trồng tiêu. Hiện nay, vườn tiêu của gia đình ông phát triển rất tốt.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.000 ha cao su bị đốn chặt để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác như tiêu, cà phê... Riêng diện tích trồng cao su được nông dân tỉa cành chuyển qua làm trụ sống cho cây hồ tiêu là 300 ha. Hiện giá cao su xuống quá thấp, thay vì ồ ạt chặt cây cao su như nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh, một số hộ dân đã chọn giải pháp lấy cây cao su làm trụ sống cho cây tiêu.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân nên thận trọng khi dùng cây cao su làm trụ sống cho cây tiêu bởi cây cao su thường có nấm phytophthora, lại thêm nấm trắng, nấm hồng. Các loại nấm này ký sinh và phát triển trên cây cao su sẽ rất dễ lây lan sang cây tiêu - loại cây trồng nhạy cảm với các loại nấm bệnh này. Người dân cũng nên thường xuyên kiểm tra cây cao su khi làm trụ sống cho cây tiêu để nếu phát hiện nấm bệnh còn có cách xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của cây tiêu.