Kinh tế quý 3 đã có đột phá
Số liệu tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) (thuộc ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý III đạt mức 6,4%, đây là mức tăng trưởng khá mạnh so với mức 5,8% của quý II. Dù đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý sau vẫn tăng hơn quý trước, song VEPR đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 chỉ có thể đạt tối đa 6%.
Quý IV là thời điểm thích hợp hạ lãi suất, tạo cú hích cho doanh nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh:T.L
Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước”. TS Nguyễn Đức Thành |
Mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định giữ và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% trong năm nay. Báo cáo của VEPR đưa ra nhận định, để đạt được mục tiêu này, kinh tế quý IV cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước. “Dù quý IV luôn là thời điểm bứt phá và có nhiều yếu tố có thể giúp tăng trưởng tốt nhưng trong lịch sử chưa từng ghi nhận có mức tăng trưởng tới 8,3%” - TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh.
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý III, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng chính là nhờ nông nghiệp. Tuy nhiên, thiệt hại ở miền Trung hồi tháng 4 do sự cố Formosa và những khó khăn trong sản xuất của vùng ĐBSCL thời gian qua đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó kéo tụt tăng trưởng của cả nền kinh tế. Bằng chứng là, khu vực nông nghiệp vốn chiếm 11-13% GDP, song trong 9 tháng đầu năm chỉ đóng góp được 0,01 điểm % vào tăng trưởng.
Cùng chung quan điểm trên, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,5% rất khó có thể đạt được. “Quý III chúng ta đạt tăng trưởng 6,4%, nhưng quý I chỉ đạt 5,5% và quý II đạt 5,8%. Muốn đạt mục tiêu như kỳ vọng của Chính phủ thì quý IV phải đạt khoảng 6,8 -7%. Điều này là không tưởng” – ông Tuyển đánh giá.
Đủ dư địa để hạ lãi suất
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20.9 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015. Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng nhận định, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, nguồn huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý III. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% nếu muốn đạt được thì từ nay tới cuối năm các ngân hàng sẽ “bơm” mạnh vốn cho nền kinh tế, từ đó sẽ là cơ hội để hạ lãi suất.
TS Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu cho rằng, diễn biến lãi suất bình quân liên ngân hàng (qua đêm và một tuần) đều giảm liên tục trong 3 tháng qua, cụ thể lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng 6 xuống lần lượt 1,35%; 1,01% và 0,54% trong 3 tháng tiếp theo.
Thực tế cho thấy, nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Đơn cử, cuối tháng 9, Vietcombank, VietinBank, BIDV… đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới một năm từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm về quanh mức 4,8-5,3%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tính tới 20.9 đã tăng 11,8% so với cuối 2015, cao hơn mức 8,9% cùng kỳ.
TS Nguyễn Đức Thành nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể từng bước “hạ nhiệt” lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng tạo cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo bứt phá”.