Dân Việt

"Dị nhân" hơn 1.000 ngày cõng đá, xây nhà trên đỉnh núi

Gia Phan 15/10/2016 19:00 GMT+7
Ở huyện miền núi Hoàng Su Phì (Hà Giang) nhắc đến ngôi nhà cao nhất, xa nhất và tốn nhiều không sức nhất người ta đều khẳng định là nhà của Hoàng Sùn Châu.

img

Ông Hoàng Sùn Châu kể chuyện mình xây nhà trên đỉnh núi.

Ý tưởng "có một không hai"

Người đàn ông được cho là có nhiều cái nhất ấy là ông Hoàng Sùn Châu (SN 1965), trú tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì). Và cũng bởi có nhiều cái nhất đến thế nên người viết phải nhờ đến anh bạn người bản địa tên Đức Cuối dẫn đường lên đỉnh núi Hồ Piên cao ngút ngát này.

Theo anh Cuối, do phong tục địa phương phải hỏi trước người già mới được đưa con gái người Dao đi chơi mà trước đây anh phải cuốc bộ hơn 1h đồng hồ mới lên được chóp núi. Cuối hề hà rằng vợ anh cũng là người ở ngọn núi này. Có điều ngôi nhà chúng tôi phải cuốc bộ lần này còn xa gần như gấp đôi.

Người chủ nhà rót nước mời chúng tôi, đồng thời cũng là tác giả của công trình "có một không hai" này cho biết, địa điểm chúng tôi đang ngồi có thể cao gần 3.000m so với mực nước biển. Có lẽ vì vậy mà đến gần trưa mà sương vẫn phủ kín ngọn núi, chân tay chúng tôi ai cũng run vì lạnh.

Thực ra nói ngôi nhà xây này lạ thì cũng chẳng lạ gì nếu so với dân miền xuôi, hoặc đồng bào ở những vùng trung du, đồi núi thấp. Nhưng để xây được ngôi nhà trên đỉnh núi cao nhất, không đường xe máy, ô tô thì ở cả xã Nậm Ty không ai sánh nổi. Mà cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện xây nhà ở một nơi "xó xỉnh" như thế này.

Còn ông Châu thì bảo, tổ tiên ông đã khai phá vùng đất này, sinh con đẻ cái cũng ở vùng này hàng trăm năm. Nên đến thời ông phải xây bằng được ngôi nhà trên núi như thế, cốt là để mang vinh dự về cho tổ tông và cũng là nơi ông chọn khi "nhắm mắt, xuôi tay".

"Ban đầu, ai cũng khuyên tôi chỉ làm một căn nhà gỗ, lợp lá cọ như trước, rồi đặt bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên là được. Nhưng tôi quyết không chịu, tôi tính đã làm phải làm cho ra trò, kể cả làm trong 5 năm, 10 năm cũng được. Nhưng phải hoành tráng, cả đời làm đúng một lần thôi". Ông Châu nói.

img

Ngựa là trợ thủ đắc lực giúp Châu hoàn thiện ngôi nhà này.

Mặc cho lời khuyên của hàng xóm, sự can ngăn của gia đình, ông Châu quyết làm một mình. Sau đó dần dà, gia đình cũng đồng tình và cùng Châu chuyển vật liệu xây dựng từ chân núi lên đỉnh núi Hồ Piên.

Nhắc đến ý tưởng táo bạo này, ông Phàn Chàn Sinh (SN 1967), một người dân sống ở Nậm Ty cho biết, hồi đó trên núi Hồ Piên chưa ai từng nghĩ đến sẽ làm nhà xây trên núi cả. Thời điểm bấy giờ, ai cũng đồn đoán rằng ông Châu là "quái đản", là "dị nhân", họ cho rằng do tốn kém nên Châu sẽ từ bỏ nhưng không phải.

Quần quật “cõng” vật liệu

Theo ông Châu, để đưa vật liệu từ chân núi lên đến đỉnh núi, ông phải nhờ hàng xóm giúp. Từ chuyển sắt, chuyển cát, sỏi... đều dùng sức người là chủ yếu, mỗi ngày một người chỉ chuyển được giỏi lắm hai chuyến lên đến đỉnh núi đã là quá sức.

Ngoài vận chuyển vật liệu bằng sức người, ngựa cũng là trợ thủ đắc lực giúp gia đình Châu trong việc xây dinh thự "độc" này. Nếu một người một ngày có thể chuyển 2 chuyến thì ngựa có thể vận chuyển gấp đôi, là 4 chuyến.

Ông Châu cho biết, nguyên thời gian chuyển cát, sỏi lên đỉnh núi xây nhà gia đình ông phải bỏ ra 3 năm mới xong. Cụ thể là từ năm 2002 đến 2005.

"Thời gian cõng vật liệu lên đỉnh núi, ngày nào gia đình tôi cũng quần quật làm không kể nắng, mưa. Đến nỗi bây giờ chân, tay tôi vẫn còn vết sẹo vì ngày xưa gồng đá đến tứa máu". Ông Châu vừa nói, vừa chỉ vào cánh tay và chân sẹo của mình.

Ba năm, là thời gian "cõng" vật liệu từ chân núi lên đỉnh núi. Nhưng về thiết kế và thi công thì gia đình ông buộc phải thuê thợ làm, tất thảy phải thêm mất một năm nữa mới xong.

img

Căn nhà ông Châu xây trên đỉnh núi trong hơn 4 năm.

Ông Châu bảo, do không thể chuyển gạch, chi phí lại quá đắt nên gia đình ông phải tự thuê người đóng gạch tại chỗ để xây nhà. Riêng thời gian làm gạch đã ngốn mất 5 tháng trời, đó là còn chưa tính thời gian phải khuân tôn từ vùng thấp lên.

Ông Châu cho biết, tính từ việc mua vật liệu, đến khi xây xong nhà, gia đình ông phải bán hơn 20 con trâu mộng, tính ra bây giờ phải có giá trị đến gần 500 triệu.

"Đó là chưa kể số lợn, gà mổ để mời anh em đã giúp tôi trong chừng ấy năm. Nói đúng ra đó là giúp, sau này còn phải trả công mọi người, chứ nếu như thuê hết cả công cán khuôn vác vật liệu trong chừng ấy năm thì chắc phải tính thành tiền tỉ chứ không đùa", ông Châu cho hay.

Bà Triệu Mùi Nghính (SN 1966, vợ Châu) kể lại những giai đoạn gian nan làm nhà. Bà bảo, trong suốt đời người, bà cảm thấy thời điểm ấy là vất vả nhất. Ngay cả khi đến bây giờ nghĩ lại, bà vẫn chưa thể tin nổi gia đình bà có thể xây được ngôi nhà lớn đến thế trên đỉnh núi như bây giờ.

Được biết, mới đây anh Hoàng Sành Quyên (con trai ông Châu) tiếp tục học bố xây căn nhà 2 tầng ở địa điểm sâu ngút, đến ngựa, xe không thể đến được. 

img

Căn nhà mới xây của con trai ông Châu.