Báo Nông thôn Ngày nay, Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank) và Công ty Hợp tác Phát triển Quốc tế IDCC là các đơn vị được giao trực tiếp tổ chức Diễn đàn. Đây là Diễn đàn nông dân cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự đủ đại diện Nông dân của 63 tỉnh,thành phố.
Tới tham dự Diễn đàn, có GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KHCN, Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Ban dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều và các Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý, Lương Quốc Đoàn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái sang) đến dự và chỉ đạo Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
>> CHÙM ẢNH: Toàn cảnh Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016
Tập trung thảo luận 7 vấn đề bức thiết của nông dân
Trong phần phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết: Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 4 - một chương trình lớn, được phối hợp chặt chẽ liên bộ, liên ngành nhằm tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, cống hiến trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ quyền quốc gia. Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nhân, giới truyền thông.
Chủ tịch Lại Xuân Môn cũng cho biết: Mục đích của Diễn đàn là tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và đối thoại, cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân và giới báo chí truyền thông; cập nhật và phản hồi thông tin về cơ chế, chính sách và các vấn đề có liên quan đến nông dân nhằm đảm bảo cùng hiểu đúng và đồng thuận trong quá trình thực thi; lắng nghe và phản hồi những quan tâm, chia sẻ, đánh giá, kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; giao lưu, chia sẻ thông tin, thiết lập mối quan hệ và xúc tiến thương mại giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa nông dân với nông dân.
Ông Lại Xuân Môn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Do đó, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã nêu rõ, Diễn đàn nông dân Việt Nam năm nay sẽ tập trung thảo luận những nội dung chính:
- Thứ nhất: Bối cảnh hội nhập và những yêu cầu đặt ra đối với người nông dân Việt Nam.
- Thứ hai: Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của người nông dân Việt Nam trước các điều kiện, yêu cầu của hội nhập kinh tế - quốc tế.
- Thứ ba: Vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các mặt hàng nông sản Việt Nam; vai trò, trách nhiệm của người nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong việc sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thứ tư: Phân tích những hạn chế trong nhận thức, thái độ, tư duy và hành động của người nông dân trong quá trình làm ra sản phẩm nông sản.
- Thứ năm: Vấn đề liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, phân tích những rào cản làm hạn chế việc thiết lập và thực thi hiệu quả các liên kết “cùng thắng” giữa nông dân và doanh nghiệp.
- Thứ sáu: Phân tích từ các câu chuyện thực tế xoay quanh những bất cập, hạn chế trong các cơ chế, chính sách hiện hành ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm cản trở tới nông dân, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể hiệu quả, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
- Thứ bảy: Phân tích làm rõ những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chính sách về tích tụ ruộng đất, quy hoạch; cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới…
“Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Tổ chức Diễn đàn sẽ thống nhất lựa chọn và chuyển tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan những khuyến nghị chính đáng của nông dân, của doanh nghiệp để có các giải pháp, chính sách tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…” - Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định.
Ngay khi trình bày bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã thay mặt Thường trực T.Ư Hội NDVN kêu gọi các đại biểu, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước hướng về 5 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ. Chủ tịch Lại Xuân Môn bày tỏ, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các đại biểu tham dự Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ nhất 2016, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, quyên góp, ủng hộ tiền, vật dụng thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ, động viên đồng bào 5 tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn do thiên tai lũ lụt…
>> Xem toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn
tại đây <<
Lắng nghe, tiếp thu và có những điều chỉnh
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đặc biệt là những gương mặt nhà nông ưu tú được tôn vinh tại Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong quá trình đổi mới, vị thế chính trị của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, những thành tựu, kết quả đạt được vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế giữa các vùng miền trong cả nước. Nông nghiệp nước ta phát triển còn kém bền vững. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, sức cạnh tranh thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp còn chậm. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Trong thực tế, giai cấp nông dân đang đối diện với những thách thức lớn như vai trò chủ thể của nông dân trong các quyết sách chính trị ở nông thôn cũng còn nhiều bất cập; những thách thức từ nền kinh tế thị trường; vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới và thông tin thị trường vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp và nông dân giỏi ứng dụng thành công, nhưng nhìn toàn cục nền nông nghiệp, nói một cách thẳng thắn đây vẫn là khâu yếu.
Bên cạnh những ưu điểm về thị trường lao động giá rẻ, tài nguyên phong phú, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang gặp phải những điểm nghẽn chưa giải quyết được trên diện rộng, đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều; vấn đề phát triển không bền vững vì ô nhiễm môi trường nông thôn và chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa vẫn chưa đáp ứng thị trường, ngay cả với người tiêu dùng trong nước…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tại Diễn đàn này, có nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các doanh nhân lớn và đặc biệt là có sự tham dự của nhiều nhà nông xuất sắc 2016 vừa được tôn vinh. Vì vậy, tôi cũng như các vị lãnh đạo các bộ, ngành đến đây không phải để phát biểu, mà rất muốn lắng nghe các ý kiến tại diễn đàn, phân tích sâu, các đề xuất nhằm giải quyết những thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nâng cao đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới".
Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ, các bộ ngành sẽ lắng nghe, tiếp thu và có những điều chỉnh trong xây dựng thể chế nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Kết thúc phần phát biểu, Phó Thủ tướng cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn kêu gọi giúp đỡ, chia sẻ với nhân dân miền Trung đang gặp khó khăn bởi bão lũ.
>> Xem toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Trong khuôn khổ chương trình của Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ nhất năm 2016, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 24 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (trái) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Tiết Văn Thành (phải) trao kỷ niệm chương Agribank tiếp sức nhà nông cho 24 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016. Ảnh: Đàm Duy
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Lại Xuân Môn cùng Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiết Văn Thành đã trao Bằng khen của T.Ư Hội NDVN cho 37 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
Dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng cho vay phục vụ “Nông nghiệp sạch”
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) cho biết, với gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng “tam nông”, Agribank luôn ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng trọng điểm, các chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Thành cho biết Agribank hiện đang triển khai 7 chính sách tín dụng và 1 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2011-2015), Agribank đã triển khai tại 9.000 xã trên toàn quốc với trên 2,5 triệu khách hàng, dư nợ đạt 280.000 tỷ đồng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chương trình trong giai đoạn 2011-2015.
Ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) phát biểu tại Diễn đàn Nông dân 2016. Ảnh: Đàm Duy
Cũng theo ông Thành, với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ về gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”.
Đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, với mong muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
>> Xem toàn văn bài phát biểu của ông Tiết Văn Thành - TGĐ Agribank
tại đây <<
Phải làm gì để phát triển nông nghiệp bền vững?
Đó là chủ đề của phiên thảo luận thứ nhất tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ nhất 2016 diễn ra sáng nay (16.10).
Điều hành phiên thảo luận thứ nhất là TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư. Tham gia phiên thảo luận có ông Matthias Halwartrt - Giám đốc Chương trình toàn cầu về Phát triển Nông nghiệp Bền vững của FAO; chuyên gia Phạm Chi Lan; GS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT-ÚC; Nông dân xuất sắc Mai Thị Nhung - Nông dân xuất sắc 2016 tỉnh Nam Định; ông Võ Quan Huy - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015 tỉnh Long An; ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Đề dẫn của TS Võ Trí Thành đối với các diễn giả là “Phải làm thế nào đề phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập?”
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (phải) điều hành phiên thảo luận thứ nhất.
Phân tích bối cảnh mới và năng lực cạnh tranh của người nông dân hiện nay, ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, nông nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mới, nhất là giai đoạn toàn cầu hoá này.
Dân Việt xin gửi tới bạn đọc ý kiến của các diễn giả tại phiên thảo luận thứ nhất:
Ông Matthias Halwart - Giám đốc Chương trình toàn cầu về Phát triển Nông nghiệp Bền vững của FAO: Phát triển không để ai tụt lại phía sau
Ông Matthias Halwartrt cho rằng, khi nói về tam nông, quan điểm của chúng tôi là không để ai tụt hậu, đặc biệt chú ý đến người nông dân sản xuất nhỏ, những người đang phải đối diện với nhiều thách thức. Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua mục tiêu phát triển bền vững trong đó có nông nghiệp có năng xuất và bền vững, chú ý nâng cao sinh kế ở vùng nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho mọi người; giảm áp lực của tài nguyên và tăng sự chống chọi của nông dân đối với thiên tai. Muốn vậy, phải có sự chung tay nỗ lực của cả thế giới.
“Cách đây 2 ngày, chúng tôi đã cùng Bộ NNPTNT tổ chức ngày lương thực thế giới với chủ đề “Sản xuất lương thực và nông nghiệp phải thay đổi do biến đổi khí hậu”. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ bài học của Việt Nam đến các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp nông thôn; an toàn thực phẩm. Làm việc với Chính phủ Việt Nam đề ra khung chiến lược ưu tiên trong phát triển tam nông trong 5 năm tới; tham gia Quỹ khí hậu xanh…Cam kết cùng Chính phủ, các tổ chức nâng cao đời sống của người nông dân và trẻ em vùng nông thôn” – ông Matthias Halwartrt cho hay.
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Liên kết để cùng thắng trong kinh doanh nông nghiệp
Với tư cách là diễn giả chuyên gia tại Diễn đàn, bà Phạm Chi Lan cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Toàn cầu hóa làm cho cấu trúc kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp hoàn toàn thay đổi mà chủ chốt là việc hình thành chuỗi giá trị. Các mắt xích kinh tế không thể tách rời ra được mà phải cộng tác, hợp tác với nhau. Doanh nghiệp, nhà nông, nông dân nhỏ, ngân hàng, nhà khoa học….đều phải tham gia chuỗi. Bà Phạm Chi Lan quả quyết: “Dù lớn dù nhỏ đều phải liên kết. Nông dân nhỏ, doanh nghiệp nhỏ phải liên kết để mạnh hơn; doanh nghiệp lớn cũng không thể đứng một mình. Điển hình cho việc này những năm gần đây ở Việt Nam là tập đoàn VinGroup liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ, Hợp tác xã, nông dân trong kinh doanh nông nghiệp”.
Theo bà Phạm Chi Lan, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp hiện nay thay đổi ghê gớm. Nông dân, doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của họ, nếu không sẽ bị loại. Đây không còn là vấn đề lương tâm, mà còn là lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế giữa các bên. “Biên động giá cả sản phẩm thay đổi nhanh do tác động của yếu tố công nghệ. Hôm nay sản phẩm của anh có chỗ đứng trên thị trường, ngày mai bị đào thải, bị sản phẩm khác thay thế bởi người ta có công nghệ vượt trội…” - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Về đường hướng phát triển nông nghiệp bền vững, theo bà Phạm Chi Lan, chúng ta phải đi từ từ, chứ không nhất thiết xóa bỏ ngay nông dân nhỏ. Dần dần đưa nông dân vào Hợp tác xã. Nông dân nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác khai thác thị trường chứ không nhất thiết cứ phải là các tập đoàn lớn. Đó sẽ là cuộc chơi các bên sẽ cùng thắng. Nông nghiệp Việt Nam đến nay vẫn là ngành có lợi thế cạnh tranh mạnh nhất so với các ngành.
Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng, về chiến lược, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng tăng nhiều hơn về giá trị và giảm về chi phí đầu vào. Muốn làm được như vậy, Chính phủ phải kiến tạo vào 3 nhóm nội dung.
Thứ nhất: Chính phủ phải kiến tạo chính sách, tạo không gian sân chơi công bằng, thông thoáng cho các nhà cùng vào cuộc chơi kinh doanh nông nghiêp.
Thứ 2: Phải có một cơ chế chính sách đất đai khác đi để nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất; bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Chính phủ kiến tạo chính sách tín dụng. Phải bỏ nhiều tín dụng hơn cho nhà khoa học nghiên cứu, cho nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất. Thời gian qua, chúng ta đã bỏ ra quá nhiều tín dụng cho các ngành khác. Bên cạnh đó, Chính phủ còn kiến tạo chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin…
Thứ 3: Chính phủ phải thể hiện hiệu quả vai trò giám sát; mở rộng quan hệ quốc tế nhằm gỡ bỏ những rào cản, mà lĩnh vực nông nghiệp nhiều rào cản nhất, đảm bảo các yếu tố hợp tác quốc tế trong khai thác các nguồn tài nguyên như nước…
GS.TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc): Phải thực hiện tốt các tiêu chuẩn quốc tế
"Để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, chúng ta phải xây dựng và làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đó không chỉ là yêu cầu đặt ra của các siêu thị ở châu Âu, châu Á, mà GlobalGAP là xu thế tất yếu của thị trường quốc tế. Ở Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2008, đến cuối năm 2011 mới có chưa đến 15.000ha ứng dụng VietGAP, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu.
Chúng ta cần nhận thức đầy đủ rằng, yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn GAP không phải của Chính phủ, của các bộ ngành mà là yêu cầu của thị trường đối với sản xuất nông nghiệp, với nông dân. Chúng ta không thể tìm cách tránh né mà phải thực hiện tốt các yêu cầu đó.
Vì chúng ta hội nhập nên yêu cầu cần sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến hơn. Vì sao người nông dân Nhật, Úc rất sướng, vì họ được làm tất cả những điều họ yêu thích, có điều kiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Theo ý kiến của tôi, Việt Nam nên tham khảo các tiến bộ, cách làm nông nghiệp của Nhật Bản. Nếu học được thì nông nghiệp Việt Nam sẽ gặt hái được những thành công rất lớn."
Ông Võ Quan Huy – Nông dân Việt Nam xuất sắc Long An: Nhà chính sách hãy xuống “3 cùng” với nông dân
"Để mà sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào 4 trụ cột: tư liệu sản xuất, vốn, công nghệ kỹ thuật, thị trường. Tư liệu sản xuất lớn nhất nông dân phải có là đất đai. Như tôi hiện đang canh tác 1.000 ha, trong đó đa phần là khai hoang và mua lại đất đai của nông dân. Nhưng mua đất xong phải cổ phần hoá, và cho thuê lại có thời giạn. Tức là phải làm 2 lần, chúng tôi không thể toàn tâm toàn ý, phải chọn giải pháp khác là nhờ người khác đứng tên. Nguy cơ xảy ra nhiều rủi ro, bức xúc sau này. Vốn đầu tư với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một vấn đề lớn. Thay đổi công nghệ phải đầu tư hàng tỷ đồng, làm nhà kính phải từ 50 triệu đồng/m2. Người nông dân không thể vay được số tiền này không thể triển khai được.
Về công nghệ thay đổi công nghệ đa phần xuất phát từ những người làm dịch vụ cây con giống, những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hỗ trợ kĩ thuật. Do vậy, các nông dân của mình phát triển nhưng không đồng đều và thiếu bền vững. Quy hoạch chiến lược sản xuất nông nghiệp vẫn đang bỏ trống về nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.
Về thị trường, để sản xuất hàng hoá đáp ứng thị trường phải có tiêu chuẩn. Người nông dân phải thay đổi tư duy, sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, người tiêu dùng chấp nhận. Nhà nước phải kiến tạo, tạo ra những liên kết để người nông dân là một mắt xích trong chuỗi. Rất nhiều khó khăn nên người làm chính sách hãy đi xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân thì mới dần dần tháo gỡ được."
Ông Trần Mạnh Báo – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình: Đi đâu cũng thấy nói cần bỏ hạn điền
"Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Diễn đàn: Từ tư duy đến hành động. Khoán 10 giờ đã hoàn thành sứ mệnh rồi, giờ đây chúng ta phải thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất. Phải thay đổi tư duy từ nhà lãnh đạo đến người nông dân, chứ không thể duy trì mãi kiểu sản xuất manh mún, tư duy lạc hậu từ bao đời nay là 3 sào lúa trồng 3 kiểu: 1 sào để ăn, 1 sào làm bánh, 1 sào để bán.
Doanh nghiệp chúng tôi đã cơ bản xây dựng được mối liên kết với nông dân trong sản xuất lúa giống, nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn chưa xây dựng được cơ chế liên kết rộng khắp và hiệu quả. Đi đâu cũng thấy nói cần bỏ hạn điền, nới rộng chính sách đất đai, nhưng thực tế thì rất khó tổ chức thu gom đất sản xuất. Trong khi đó, làm nông nghiệp không thể làm trong 3 năm được, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Hợp tác xã hiện nay hữu danh vô thực, còn Hợp tác xã mới hiện nay cũng chưa phát huy được thế mạnh trong sản xuất. Hợp tác xã sản xuất hiệu quả không nhiều. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn áp dụng phương châm tôn trọng nông dân, bình đẳng với thị trường. Chúng tôi rất mong có cơ chế hợp tác rộng mở để đồng hành cùng bà con nông dân sản xuất hiệu quả…"
Bà Mai Thị Nhung, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nam Định: Mong có cơ chế thoáng đầu tư vào nông nghiệp
"Là nông dân - chủ doanh nghiệp, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, tôi đã tích tụ được hơn 42 ha đất. Trên diện tích này, tôi đã tái cơ cấu cây trồng, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, lắp đặt máy móc, điện, đường. Hiện, tôi đã tuyển chọn 40 nông dân và hướng dẫn họ thành một công nhân – nông dân, để làm việc có hiệu quả cho công ty.
Nhưng họ là những lão nông chi điền, tư duy vẫn chưa bắt kịp. Khó khăn của doanh nghiệp chúng tôi, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ. Thêm nữa, mong sao nhà nước tạo cơ chế, hành lang pháp lý gọn nhẹ cho doanh nghiệp chúng tôi đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả. Phải nói, đầu tư nông nghiệp rất rủi ro, nếu không có tâm huyết, quyết tâm không thể làm được. Sau khi vinh dự được bình chọn và nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, được tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Vingroup, tôi rất tâm đắc. Làm nông nghiệp phải hướng tới những mô hình như vậy, có khả năng trong tương lai tôi sẽ là trở thành vệ tinh hợp tác với Vingroup để làm mô hình trồng rau công nghệ cao..."
>> CHÙM ẢNH: Toàn cảnh Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016
Vị thế của nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp
Đó là chủ đề của phiên thảo luận thứ hai tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 dưới sự điều hành của TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phiên thảo luận có chủ đề “Vai trò, vị thế của người nông dân trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới - từ thực tiễn đến chính sách”. Tham dự diễn đàn là ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới; ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thế - Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Hưng Yên; ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe và hóa chất Lâm Thao.
TS Đặng Kim Sơn đề dẫn: Tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương, để xây dựng nên những chuỗi giá trị. Hiện nay, huy động nguồn lực để phát triển sản xuất, trước nay chỉ dựa vào tài nguyên, kinh tế nông thôn bắt đầu từ những hộ nông dân nhỏ nay đã thành những trang trại, Hợp tác xã, nhóm liên kết sản xuất, doanh nghiệp. Theo đó, vai trò của nhà nước cũng thay đổi nhiều, từ tham gia trực tiếp chuyển sang kiến tạo, hỗ trợ. Người nông dân, các doanh nghiệp cũng được trao quyền tự chủ nhiều hơn…
Dân Việt xin gửi tới bạn đọc ý kiến của các diễn giả tại phiên thảo luận thứ hai:
Ông Nguyễn Văn Thế - Nông dân Việt Nam xuất sắc Hưng Yên: Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo
"Trong thời đại mở cửa, nước nhà ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nông dân chúng tôi rất cần Đảng, Nhà nước hỗ trợ những cơ chế, chính sách thiết thực hơn nữa. Nhà nước cần tạo điều kiện, thủ tục linh hoạt trong việc cấp giấy chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo tôi điều này rất cần thiết. Một là làm tăng giá trị đối với những nông sản chất lượng. Hai là tránh hàng nhái. Đơn cử như hiện nay có rất nhiều nơi lấy “mác” nhãn lồng Hưng Yên, nhưng thực chất là nhãn được trồng từ nơi khác. Người tiêu dùng thì không thể phân biệt được đâu là nhãn lồng Hưng Yên “xịn”, đâu là “nhái” mà cứ thấy rẻ là mua. Như thế rất thiệt thòi cho những nông dân sản xuất chân chính. Thứ hai, tôi đề nghị tạo cơ chế chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các Tổ hợp tác về vốn, KHKT và đặc biệt hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đã thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn, để cùng hỗ trợ nhau trong nghề và quan trọng hơn cả là để có tư cách pháp nhân liên kết với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Thực tế, nông dân chưa tạo được lòng tin để doanh nghiệp yên tâm ký kết hợp đồng và nông dân còn lúng túng giữa các quy trình sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra…"
Ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới: Khắc phục ngay 3 vấn đề yếu kém trong nông thôn mới
"Tôi cho rằng hiện những người làm báo phải sống với nông dân, gần nông dân để phản ánh. Bởi chỉ có sống với nông dân mới có được những câu chuyện, phản ánh xác thực. Chẳng hạn như việc xây dựng nông thôn mới (NTM) là tạo ra ra giá trị mới để định hướng cho phát triển, chứ không phải là những cá nhân làm tốt. Việc này phải có sức lan tỏa. Hiện, nhà nước đang đổ vốn vào xây dựng NTM, còn người nông dân thì đang thờ ơ, chưa tham gia nhiệt tình. NTM mới có cái cốt, chứ chưa có cái hồn, chưa tạo ra được những giá trị xác thực. Cần khắc phục ngay 3 vấn đề yếu kém trong xây dựng NTM mà báo chí chưa đề cập là: tổ chức sản xuất, môi trường và lao động việc làm..."
Ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam: Thành lập Bảo hiểm nông nghiệp và Ngân hàng di động
"Làm thế nào để tái nông nghiệp được tốt hơn, chẳng hạn như vấn đề làm nhà kính, nông nghiệp công nghệ cao. Tôi cho rằng để làm được các vấn đề này, cần có sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành T.Ư. Trước đây có Nghị định 41 và nay là Nghị định 55, Agribank đã làm rất tốt tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đã tạo nên sự liên kết tốt, giúp nhiều nông dân có vốn để phát triển sản xuất. Song tôi cho rằng, cần phải liên kết hơn nữa, chẳng hạn vùng miền này có sản phẩm này, vùng khác có sản phẩm khác, khi liên kết với nhau phải nhịp nhàng. Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro rất lớn, nên các nhà bảo hiểm gần như không muốn vào cuộc, đẩy cho nông dân gánh chịu bảo hiểm. Từ đó, chúng tôi đã thành lập ra một công ty bảo hiểm để hỗ trợ nông dân. Thêm nữa, chúng tôi đang tăng cường nguồn lực để đáp ứng đủ nhu cầu vốn, phương thức huy động, giải ngân vốn cho nông dân.
Tôi cho rằng, định hướng nông nghiệp sạch là một định hướng đúng đắn, không chỉ phục vụ cho mình mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Về chương trình này, chúng tôi đã lên kế hoạch và đáp ứng vốn vay cho người dân, với sự ưu đãi (4 – 5%/năm). Nhưng còn tùy thuộc vào tài sản của bên tham gia vay vốn. Trước đây, chủ yếu cho vay bằng đất, nhưng hiện chúng tôi đã linh động cho vay cả những đối tượng không có tài sản đảm bảo. Hiện, chúng tôi cũng đã thành lập được một ngân hàng lưu động (xe ngân hàng lưu động có đầy đủ các thiết bị hiện đại) nhằm hỗ trợ cho người dân ở những vùng sâu, xa, không có ngân hàng…"
Ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Hỗ trợ nông dân theo chuỗi giá trị
"Để phục vụ nông dân một cách tốt nhất, Công ty CP Surpe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia hỗ trợ nông dân theo chuỗi từ tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chuyển giao khoa học kỹ thuật đến xây dựng các mô hình trình diễn nông nghiệp và đầu tư cả vốn. Biết nông dân thiếu vốn, công ty đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức cung cứng phân bón trả chậm không lấy lãi để bà con kịp thời sản xuất. Tuy nhiên, người nông dân hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nếu chỉ riêng chúng tôi tham gia hỗ trợ thì không xuể, mà cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp khác. Tôi đề nghị, Nhà nước cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…"
Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Sẽ có 1.200 công nghệ mới được chuyển giao
"Theo đánh giá của các Tổ chức Quốc tế, Khoa học và Công nghệ (KHCN) hiện tăng trưởng 30%. Nhưng làm thế nào khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa theo đúng tiêu chí Diễn đàn cần phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Bởi lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực rất đặc thù. Hiện Bộ KHCN đã có những nghiên cứu giúp cho các doanh nghiệp và người dân, ngoài những công nghệ nước ngoài, chúng ta đã làm chủ được công nghệ nghiên cứu giống cây, con. Do đó năng suất lúa của chúng ta đạt 5,7 tấn/ha, rất cao so với các nước trên thế giới. Hay trong nuôi trồng thủy sản, chúng ta đã sản xuất được các giống cá song, cá tra, tôm...Hay chế biến hạt điều, chè, nghệ....
Khi chúng ta có công nghệ mới đưa vào sản xuất thì chất lượng, giá trị của các mặt hàng này tăng lên rất nhiều. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.200 công nghệ được chuyển giao, với khoảng 20.000 người được tiếp cận. Tôi cho rằng, mình Bộ KHCN khó mà lo được, mà cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, chẳng hạn như Hội NDVN vừa qua đã có những phối hợp tích cực với Bộ để áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất. So với các nước ASEAN, hiện chúng ta không hẳn là nước lợi thế trong sản xuất lúa, cà phê…Do đó, chỉ có sự liên kết, vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành chúng ta mới có thể cạnh tranh được…"
>> CHÙM ẢNH: Toàn cảnh Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016
Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm đại diện hội nông dân các tỉnh, thành phố; đại diện các Cục, Vụ, Viện chức năng; các hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện Doanh nghiệp và đại diện nông dân xuất sắc 63 tỉnh, thành phố, cùng các cơ quan thông tấn báo chí truyền hình trên cả nước.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016, có 24 Nông dân Việt Nam xuất sắc được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 37 Nông dân nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. |
Đây là một hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (lần thứ 4) chào mừng 86 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930-14.10.2016) và sự kiện 30 năm Đất nước Đổi Mới và hội nhập với khu vực và thế giới.
Thông điệp của Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 (lần thứ nhất) là: Thay đổi tư duy và hành động vì một nền nông nghiệp xanh - sạch – và phát triển bền vững. Diễn đàn là nơi thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nông dân trên khắp 63 tỉnh,thành phố về các vấn đề có liên quan trực tiếp hoạt động sản xuất, phát triển nông nghiệp và đời sống của người nông dân.
Gần 200 đại biểu đến dự Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Diễn đàn cũng là không gian gặp gỡ, giao lưu và thúc đẩy thực hiện hiệu quả mối liên kết 5 nhà: Nhà Nông – Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nhà Doanh nghiệp – Nhà báo/truyền thông; Diễn đàn là kênh thông tin kết nối và phản hồi, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nắm bắt được những thông tin có liên quan trực tiếp đến Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung hoặc/và thay đổi cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực và phát huy vai trò, vị thế của Nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Góp phần quan trọng vào thành công của Diễn đàn, Hội Nông dân Việt Nam trân trọng cảm ơn các Bộ, ngành đã phối hợp chủ trì. Trân trọng cảm ơn Báo Nông thôn Ngày nay, Công ty Hợp tác Phát triển Quốc tế - IDCC và Agribank đã phối hợp đồng tổ chức Diễn đàn. Cảm ơn Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã hỗ trợ tổ chức Diễn đàn.
Tiết mục nghệ thuật chào mừng Diễn đàn. Ảnh: Đàm Duy
Cũng góp thêm nỗ lực để đồng hành, sát cánh với người nông dân trên hành trình hội nhập, tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, Agribank sẽ trao kỷ niệm chương “Agribank tiếp sức nhà nông” bằng các chương trình, chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy nông nghiệp phát triển. |