Dân Việt

Ám ảnh suốt đời của nghi phạm bị CIA tra tấn

Mẫn Di - NY Times 18/10/2016 14:58 GMT+7
Mỗi khi nhắc lại ký ức cay đắng, Suleiman Abdullah Salim không thể cầm nổi nước mắt.

img
Suleiman Salim, một người vô tội bị CIA bắt giữ và tra tấn 

Nghe cái tên Suleiman Abdullah Salim, nhiều người Mỹ hình dung ra đó là thanh niên đậm nét Arab với nước da sáng. Tuy nhiên, khi gặp anh tại sân bay nhỏ gần Mogadishu (Somali) hồi tháng 3.2003, nhân viên CIA bất ngờ khi thấy Salim là một người da màu, vốn là công dân Tanzania. 

Nhưng họ vẫn nói: "Anh đã phẫu thuật mặt và là người Yemen". Sau này, thông tin mật lộ ra cho thấy dường như cơ quan tình báo Mỹ đã bắt nhầm người. Nghi phạm thực sự là một người Arab có cái tên hao hao giống: Suleiman Abdalla Salim Hemed.

Đó là khởi đầu cho 5 năm gian khổ của Salim trong nhà tù bí mật của CIA tại Afghanistan, nơi anh gọi là "Bóng tối". Đã 8 năm trôi qua kể từ khi được thả, anh vẫn không nhận được một lời giải thích nào. Dù không có tội, quá khứ ngồi tù khiến anh sống cả đời bất ổn và không thể tìm việc. Giờ anh nuôi, nhân giống chim bồ câu bán kiếm sống và cũng tìm sự yên bình từ đó.

Ở tuổi 45, Salim vẫn không thể vượt sang chấn tâm lý, căng thẳng và trầm cảm, lúc nào cũng trốn tránh và kiệt sức, lo lắng rằng mình sẽ bị bắt lại, hay sợ hàng xóm đồn rằng mình là điệp viên Mỹ.

img
Lồng chim bồ câu 

Anh nói bằng tiếng Anh học được từ quản tù: "Tôi vẫn thường xuyên thấy vô cùng nặng nề. Tôi dạo bộ và quên đi đôi chút nhưng nó vẫn nằm góc nào đó trong trí óc".

Salim là một trong số 39 nghi phạm hứng chịu những kỹ thuật tra tấn kinh khủng nhất của CIA: đánh đập, treo bằng xích, làm rối loạn giấc ngủ và trấn nước.

CIA vẫn không hề công bố thông tin chính thức lý do Salim bị giam cầm. Chỉ có tin đồn từ báo chí, theo đó CIA cho rằng Salim có liên quan tới al-Qaeda. Một nguyên nhân nữa là sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ đã mở chiến dịch săn lùng khủng bố và trao thưởng cho bất kỳ ai cung cấp được kẻ tình nghi, mà đa phần trong đó bị oan. 

img
Mô tả cách tra tấn của CIA 

Salim có gia đình với 8 anh chị em, trải qua cuộc sống khó khăn như bất kỳ người châu Phi nào khác, bỏ họctừ đầu cấp III lên thành phố bán quần áo thuê, sau đó rời Tanzania tới Kenya và lái phà chở hàng. Năm 1998, al-Qaeda đánh bom đại sứ Mỹ tại Tanzania và Kenya. Anh nghi ngờ chủ một tàu hàng có liên quan, nhưng không biết gì hơn.

Sau này, anh lại chuyển tới Somali và lang bạt đi ăn mày ở thủ đô Mogadish, rồi được một chủ cửa hàng mời làm lái xe riêng.

img

Salim chỉ còn da bọc xương

Hồi tháng 03.2003, khi đang chở người chủ giữa đường thì anh bị 3 người đàn ông chặn lại, lôi ra khỏi xe và đánh đập rồi bỏ đi. Người chủ đưa anh tới viện, nhưng họ vẫn mò tới và đưa anh tới chỗ những người Mỹ. Salim được giao cho chính phủ Kenya, nhưng họ trả lại. Người Mỹ giữ Salim, và vào thời gian đó báo chí rầm rộ đưa tin về việc bắt được nghi phạm đánh bom đại sứ quán.

Điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện năm 2014 cho thấy Salim là một trong 6 nghi phạm bắt năm 2003 bị nhục hình. Cụ thể, CIA thường xuyên treo Salim lên bằng xích, kéo áp sát vào tường, cạo trọc đầu, hay trấn nước. Các nhục hình khác bao gồm xích trong một hộp chật hẹp như quan tài, tiêm thuốc gây choáng váng hay dùng chó đe dọa, lột quần áo...Ban đầu CIA thừa nhận tất cả nhưng chối bỏ việc trấn nước.

Trong khi thẩm tra, các điều tra viên liên tục hỏi về những "mối quan hệ" khủng bố của Salim tại Kenya và Somalia, cho rằng anh đã lén lút tuồn hàng cho khủng bố hồi còn lái phà.

img

Anh làm bạn với những chú bồ câu

"Họ chỉ hỏi lại đúng vài câu duy nhất. Tôi nói tôi không biết, họ trả lời rằng mày biết, qua lại vài lần rồi họ sẽ đánh tôi, lại hỏi, và lại đánh", Salim kể. Quá tuyệt vọng, anh bắt đầu muốn tự sát, giấu các viên thuốc giảm đau được phát vào cạp quần. Khi đủ 26 viên, anh cố nuốt tất cả một lúc. Người bảo vệ quan sát camera đã chú ý tới và tới phòng giam ngăn Salim lại.

Được 5 tuần, Salim được bịt mắt và đưa tới "Hầm Muối", nhà tù mật của CIA. Anh đoán rằng các nhà tù này chỉ nằm trong một khu phức hợp lớn vẫn tại Afghanistan chứ không phải là từng trại riêng biệt. Suốt 14 tháng tiếp theo, anh vẫn bị tra hỏi hàng ngày. Tới tháng 7.2014, CIA giao Salim cho quân đội Mỹ tại nhà tù Bagram ngoại ô Kabul.

"Họ liên tục bảo: "Chúng tôi biết anh vô tội, anh có thể về nhà nhưng phải chờ lâu một chút", nhưng họ chẳng làm gì cả", anh kể. Salim nằm chung với 22 người tù khác ròng rã suốt 4 năm và được thả hồi tháng 8.2008.

img

Lúc bước khỏi nhà tù, quân đội chẳng cho anh thứ gì ngoài bộ quần áo tù, và giấy chứng minh "không bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào và không phải là mối đe dọa cho nước Mỹ".  Dù vậy, cuộc đời anh đã bị phá hủy hoàn toàn. Người vợ anh mới cưới 2 tuần trước khi bị bắt đã biến mất, còn anh vật lộn với những cơn ác mộng hàng đêm và ám ảnh trong tâm trí khiến việc sống một cuộc đời bình thường vô cùng khó khăn.

Ban đầu, chị gái Salim thuê anh chở cháu đến trường, nhưng anh lạc ngay ngày đầu tiên. Anh muốn ra biển làm việc, thì ngư dân ngần ngại vì sợ rắc rối. Hồi 2009-2010, Salim thi trượt giấy phép trở thành thương lái biển, nên bốc vác thuê cho công ty chuyên chở Nhật nhưng chẳng được bao lâu vì lưng bị di chứng nặng hồi còn ở tù. Ngoài ra anh còn những chấn thương khác như đau đầu kinh niên, nhức cổ, vai, rối loạn tiêu hóa. Đây là các chứng rất thường gặp ở những người bị bắt giữ.

img

Năm 2010, bác sĩ Sondra Crosby đã được Hiệp hội Bác sĩ Nhân quyền yêu cầu đánh giá Salim. Cô bị sốc khi thấy một người đàn ông cao gần 1m90 chỉ như da bọc xương, không thể ăn ngủ bình thường vì những ký ức kinh hoàng, mất trí nhớ thường xuyên, hoảng sợ khi thấy người mặc quân phục, tuyệt vọng về tương lai và ghét tiếng ồn. Cô kết luận đây Salim bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm nặng, hậu quả của việc bị bắt giữ và tra khảo của các lực lượng Mỹ.

Hiện Salim là một trong 3 nguyên đơn trong vụ kiện chống lại hai nhân viên CIA đã thực hiện phương pháp lấy cung tàn bạo. Anh đã tái hôn và có con gái 5 tuổi nhưng không nói về quá khứ chi tiết với vợ hay việc nó ám ảnh anh thế nào, vì anh nghĩ chẳng ai có thể thấu hiểu.

May mắn là những con chim bồ câu vực Salim dậy. Anh nhân giống, nuôi và bán những con bồ câu cảnh được săn lùng như Jacobin, hay Morrhead, và dành phần lớn thời gian bên lồng chim tự xây rộng khoảng 80m2, dĩ nhiên lớn hơn những phòng tù anh từng ở.

"Tôi thích ngồi cùng chim bồ câu và tránh xa con người", anh nói.