Dân Việt

Dân phố “kêu trời” vì bị ăn nước bẩn

Dũ Tuấn 17/10/2016 16:00 GMT+7
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại KV1, KV2 (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) bị ám ảnh nỗi lo bệnh tật bởi dùng nước bẩn trong sinh hoạt hằng ngày. Họ “kêu cứu”, thế nhưng những kiến nghị của cư dân thành phố vẫn chưa được chính quyền giải tỏa cơn “khát” nước sạch!.

Sợ nước, không dám tắm

Từ khi dựng nhà đến nay, gia đình ông Lê Văn Huệ (SN 1968, trú KV2, phường Ghềnh Ráng) vẫn sống trong cảnh lo sợ bệnh tật khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn. Ông Huệ cho biết: “Gia đình tôi có 5 thành viên, do nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, đường ống nước sạch lại không có nên mỗi ngày phải tốn 12.000 đồng để mua 1 bình nước lọc để sử dụng. Riêng nước sinh hoạt dù đã đóng máy lấy nước từ lòng đất nhưng phải qua sàn lọc thì mới sử dụng để giặt giũ, nấu ăn… không lọc thì đố ai dám dùng, bệnh tật chết mất”.

Theo ông Huệ, người dân tại địa phương đã kiến nghị liên tục đến chính quyền, cơ quan chức năng nhưng nhiều năm qua nước sạch vẫn chưa về tới.

Dù biết đang sử dụng nguồn nước ô nhiễm nhưng không có tiền mua máy lọc, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (61 tuổi, trú phường Ghềnh Ráng) đành “tự chế” bằng cách nhặt sạn, cát, than, vải mùng… vào chum để lọc bớt phèn.

img

Bà Thanh “tự chế” máy lọc cách nhặt sạn, cát, than… vào chum để lọc bớt phèn. Ảnh: Dũ Tuấn.

“Nước ở đây bị nhiễm phèn hôi lắm, giặt giũ mà không lọc thì quần áo bị vàng ố hết. Mỗi khi múc nước đổ vào chum để lọc thì y như rằng sẽ đóng 1 lớp phèn dày cộm, thấy mà rùng mình. Nhiều khi không dám tắm rửa do nguồn nước bẩn gây ngứa ngáy, bệnh ngoài da”- bà Thanh chia sẻ.

Ông Phan Văn Sơn - Trưởng ban công tác mặt trận KV2 bức xúc: “Ở đây, hầu như ai cũng chịu nỗi khổ “khát” nước sạch, tôi bỏ tiền triệu để đóng giếng sâu 12 mét nhưng nước hôi phèn và thối lắm. Trẻ em không thể tắm nước này mà phải bỏ tiền mua nước sạch đóng bình từ nơi khác hoặc nấu nước sôi để nguội, khổ đủ bề. Trong khi đó, người dân chúng tôi đã kiến nghị kéo nước sạch về đây thì TP, tỉnh ghi nhận nhưng mấy chục năm nay chưa làm được, cứ để dân chờ mãi. Mang tiếng dân thành phố mà không có nước sạch, phải dùng nước bẩn thì chúng tôi không chịu nổi”.

img

Lớp phèn đọng trên mặt chum sau khi lọc nước. Ảnh: Dũ Tuấn.

 “Cầu cứu” Phú Yên?!

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại vẫn còn hơn 600 hộ dân tại KV1, KV2 (phường Ghềnh Ráng) “khát” nước sạch.

Trao đổi qua điện thoại, ông Võ Chí Thiện- Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: “Hệ thống nước sạch của thành phố chưa vào trong đó được nên người dân sử dụng nước tại chỗ, hồi đó giờ có gì đâu. Nguyên nhân do khu vực này nằm ở phía bên kia đèo Quy Hòa, nguồn nước của thành phố không đủ áp lực để đưa nước tới. Trước đây, tỉnh đã dự kiến xây dựng một trạm điều áp để đưa nước qua các khu vực trên nhưng chưa triển khai được vì theo tôi nghĩ nguồn kinh phí để đưa nước vào đó rất là lớn?!”.

img

Thiếu nước sạch, mỗi ngày ông Lê Văn Huệ tốn 12.000 đồng mua nước bình để uống. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Nguyễn Văn Tánh - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Bình Định cho biết: “Việc đưa nước sạch vào khu vực trên, đầu tiên UBND tỉnh giao bên tôi thực hiện nhưng do quy mô lớn, địa hình khó khăn nên kinh phí nhiều nhưng Trung tâm thì không có nguồn. Tỉnh đã giao cho công ty cấp thoát nước Bình Định và hiện nay họ đang nghiên cứu, lập hồ sơ để đầu tư”.

Ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP cấp thoát nước Bình Định, cho hay: “Dự án cung cấp nước sạch đến người dân KV 1,2 (phường Ghềnh Ráng), tỉnh có văn bản chấp thuận cho phép công ty thuê đơn vị tư vấn để lập dự án đầu tư. Dự án này sẽ gắn liền với việc cấp nước cho 10 điểm du lịch tại đây, sau khi hoàn thành chúng tôi sẽ gấp rút trình các cấp thẩm quyền để thẩm định”.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Việc này tôi rất chú tâm, nghiên cứu nhưng chưa thể đưa nước sạch vào khu vực 1 (phường Ghềnh Ráng), ít nhất mất vài chục tỷ đồng thì chưa chắc gì thành công. Phương án 2 là tìm nguồn nước tại chỗ, 2 năm tôi giao cho Trung tâm nước sạch và công ty cấp thoát nước khoan bao nhiêu chỗ tìm nguồn nước sạch nhưng rất khó khăn. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu làm việc với tỉnh Phú Yên để đưa nước sạch từ nơi này ra thì dễ dàng hơn. Tỉnh sẽ có gắng tìm phương pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề trên”.