Dân Việt

Nga định dùng trạm viễn thông đối phó tên lửa Mỹ

Đăng Nguyễn - NI 17/10/2016 14:50 GMT+7
Sử dụng mạng lưới trạm viễn thông để tạo thành mái vòm "bất khả xâm phạm" vô hiệu hóa tên lửa hành trình Mỹ trong trường hợp chiến tranh nổ ra là một trong những kế hoạch tham vọng của Điện Kremlin.

img

Hàng trăm tên lửa Tomahawk tấn công Moscow là điều mà tướng lĩnh Nga luôn đề phòng.

Theo National Interest, kịch bản tàu ngầm và máy bay Mỹ phóng hàng trăm tên lửa hành trình dẫn đường chính xác là điều mà các tướng lĩnh Nga vẫn lo ngại hàng đêm. Chỉ trong vài phút, các tên lửa này có thể hủy diệt căn cứ quân sự, trạm thông tin liên lạc và các tổ hợp phóng tên lửa Nga.

Trước mối đe dọa về chiến tranh toàn diện, Nga hoàn toàn có thể cải tiến các cơ sở liên lạc dân sự để phục vụ mục đích quân sự. Đặc biệt, quân đội Nga đang xây dựng thiết bị gây nhiễu lắp đặt trong các trạm phát sóng viễn thông.

Ý tưởng ban đầu là khá đơn giản, Điện Kremlin có thể kích hoạt thiết bị gây nhiễu, được biết đến với tên gọi Pole-21, khiến cho tên lửa hành trình Mỹ bị vô hiệu hóa hoặc bay chệch mục tiêu.

“Ở thời điểm hiện tại, quá trình thử nghiệm loại thiết bị này đã hoàn tất. Hệ thống đã được chấp nhận trong kho vũ khí của quân đội”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói với tờ Izvestiya.

Theo báo Nga, hệ thống này “tích hợp với ăng ten truyền và nhận tín hiệu trên các trạm phát sóng viễn thông, thành một mạng lưới duy nhất, tạo thành một mái vòm bất khả xâm phạm với tín hiệu định vị vệ tinh”.

Việc lắp đặt hệ thống gây nhiễu trên trạm phát sóng dân sự là điều bất thường, nhưng trên lý thuyết quân sự thì hoàn toàn hợp lý. Mỹ sở hữu một lượng lớn tên lửa hành trình, máy bay không người lái và hệ thống định hướng như GPS. Trong khi đó, Nga có hệ thống định vị vệ tinh riêng, mang tên GLONASS.

img

Tác chiến điện tử luôn là thế mạnh của quân đội Nga.

Dù vậy, nhà sản xuất tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, Raytheon đã tính đến trường hợp này. “Thiết bị gắn bên trong tên lửa hành trình có thể ngăn chặn việc gây nhiễu sóng ở mức cao, giúp cho Tomahawk có thể tiếp tục nhận dữ liệu định hướng từ vệ tinh”.

Nhưng ngay cả khi không thành công trong việc vô hiệu hóa tên lửa Mỹ, Điện Kremlin có lý do để theo đuổi kế hoạch tham vọng này. “Hoạt động truyền tín hiệu từ vệ tinh nằm ở nền tảng của mọi hệ thống định vị vệ tinh”, chuyên gia quân sự Nga Anton Lavrov nói trên Izvestiya. “Chỉ cần độ lệch so với tần số cố định, ngay cả ở vài mili gây cũng sẽ khiến cho tên lửa mất đi khả năng tấn công chính xác”.

Tạp chí O.E. Watch, xuất bản bởi Văn phòng Nghiên cứu Quân sự Nước ngoài của Mỹ lưu ý rằng, thiết bị gây nhiễu của Nga chỉ là một phần trong nhiều hoạt động chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trên diện rộng.

“Sáng kiến này trùng với nỗ lực chuẩn bị cho chiến tranh thông thường quy mô lớn của Nga, như các hoạt động tập trận rầm rộ, cải cách hệ thống dự trữ, cải thiện mối quan hệ giữa chỉ huy và kiểm soát trong chiến tranh, thử nghiệm quốc hữu hóa cơ sở công nghiệp trong trường hợp chuyển sang bối cảnh chiến tranh”, O.E Watch phân tích.

Tuy vậy, cũng có những nhược điểm khi Nga lắp đặt thiết bị gây nhiễu lên trạm phát sóng viễn thông tại các khu vực đông dân cư. Một khi được kích hoạt, hệ thống sẽ ngăn chặn cả tín hiệu điện tử xuất phát từ bên trong. Do đó, loại thiết bị này chỉ là biện pháp đề phòng trừ khi xung đột quốc tế xảy ra.