Đường hầm chính là lối thoát hiểm của Cung điện vua Sicilia
Nằm 150 mét cách quảng trường Plebiscito giữa trung tâm Napoli, Italia là đường dẫn vào đường hầm Bourbon sâu 30m dưới mặt đất.
Đường hầm Bourbon dài 530m, với nhiều gian lớn và vài đường phụ, được xây dựng giữa thế kỷ 19. Qua một thời gian dài thế giới biến động với 2 cuộc chiến lớn, hầm Bourbon mới được khám phá lại vào đầu thế kỷ 21.
Hầm này vốn là đường thoát hiểm của Cung điện vua Sicilia, Ferdinand II di Bourbon, người luôn luôn ám ảnh thái quá về việc bị lật đổ khỏi ngôi cai trị cả vùng Sicilia và Napoli hồi vua Napoleon đang "cày" nát châu Âu.
Từ 1816, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Bourbon, lớn nhất là năm 1848, khi lực lượng cách mạng chiếm vùng này tới 16 tháng. Sau khi giành lại quyền lực năm 1849, Ferdinand II bắt đầu viết hiến pháp mới và đào hầm đề phòng tình huống xấu.
Đức vua yêu cầu đường hầm chạy qua các con phố ở Napoli sao cho phù hợp với hệ thống thoát nước Carmignano đã tồn tại từ năm những năm 1600. Dự kiến hầm chạy từ trại quân đội, nay nằm ở đường Morelli tới cung điện. Tuy nhiên Ferdinand II đã qua đời năm 1859 đúng lúc công trình chưa kịp hoàn thành và bị bỏ hoang.
Ngay sau đó Sicilia bị xâm chiếm và trở thành một phần của Vương quốc Italia. Tới năm 1930, hầm Bourbon trở thành nhà kho chứa phương tiện hỏng và hàng giả. Vào Thế chiến II, nơi này từng đóng vai trò như bệnh viện dã chiến, hầm trú bom. Sau khi hòa bình lập lại dưới hầm chỉ còn những thiết bị cổ từ ô tô, tủ lạnh, TV, xe máy và cả những bức tượng Phát xít.
Hiện hệ thống hầm này đã trở thành bảo tàng Borbonica. Người tham quan sẽ có cơ hội thấy các hiện vật cổ hiếm có còn trên "mặt đất".