Dân Việt

Nước mắm: Nên quan tâm đến kim loại nặng hơn là arsen

Minh Nguyệt 18/10/2016 16:39 GMT+7
Trao đổi với PV Danviet sáng nay, ông Lê Ngọc Anh, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Lê Gia (Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng: “Theo tôi, người tiêu dùng nên quan tâm tới hàm lượng kim loại nặng chứ không phải là arsen, cái này mới là nguy hiểm ”.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội VINASTAS cho biết: “Mục đích của khảo sát này là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của ngành nước mắm chứ không có ý làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp".

Sau  thông tin của VINASTAS, công bố, trao đổi với PV Danviet sáng nay, ông Lê Ngọc Anh, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Lê Gia (Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng: Trong báo cáo mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố: “Nồng độ đạm càng cao thì Arsen càng cao”. Thực tế, người tiêu dùng cũng chưa hiểu đúng về vấn đề này, bởi thường thì việc sản xuất nước mắm truyền thống độ đạm rất khó vượt ngưỡng 40 độ.

“Trừ khi cơ sở sản xuất mua máy cô trên không. Quá trình cô sẽ làm bay hơi nước, nhưng sẽ phá hủy các axit amin, giá trị dinh dưỡng trong nước mắm… thì nồng độ đạm mới đạt được 60-70 độ. Và nếu vậy thì mùi vị tự nhiên của nước mắm cũng sẽ mất và nồng độ Arsen cũng sẽ cao hơn” – anh Lê Ngọc Anh nói.

 “Theo tôi, người tiêu dùng nên quan tâm tới hàm lượng kim loại nặng là chì, là salen…  chứ không phải là arsen cái này mới là nguy hiểm ” ông Anh nói thêm.

Nước mắm công nghiệp không phạm quy nhưng cần phải minh bạch. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm theo khẩu vị, nhưng nhà sản xuất cần phải minh bạch về thành phần.

“Mặc dù các phụ gia vẫn nằm trong danh mục cho phép, nhưng pha thế nào, lượng bao nhiêu….có kiểm soát không? nếu sử dụng một lượng lớn phụ gia như vậy trong thời gian dài thì cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe không”, ông Anh nói.

Về vấn đề nhận diện nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, Tiến sĩ, Trần Thị Dung, nguyên cán bộ khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho rằng, không khó để người tiêu dùng có thể phân biệt.

Bằng việc đọc thông tin về cách sản xuất và thành phần ghi trên nhãn sản phẩm. Ví dụ, nước mắm truyền thống có ghi rõ nồng độ đạm, thường thì nồng độ đạm không bao giờ vượt quá 35-40gN/L. Nước mắm công nghiệp ngoài ghi nồng độ đạm, còn ghi cả các chất phụ gia trong nước mắm.

“Nước mắm truyền thống ngon sẽ mang một mùi vị thơm dịu, mặn và ngọt có hậu vị hài hòa, bùi bùi. Còn nước mắm công nghiệp dùng hương nhân tạo để tạo mùi, hóa chất phụ gia trong nước mắm sẽ làm cho sản phẩm có mùi lạ, sộc ngay lên mũi” – bà Dung nói.

Còn theo ông Lê Ngọc Anh thì nước mắm truyền thống có vị mặn đậm đà. Nó được tạo thành từ công thức muối 3 cá 1, không dùng chất bảo quản. Khi nếm có cảm giác ở đầu lưỡi là mặn, rồi lan tỏa mặn - ngọt. Trong khi đó nước mắm công nghiệp có vị ngọt lợ của đường hóa học và điều vị. Nước mắm truyền thống cũng có màu vàng tươi cánh gián, còn nước mắm công nghiệp có màu vàng nhạt.