Vafi vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về kế hoạch bán vốn Nhà nước tại Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo thông báo của SCIC việc bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk chia thành nhiều đợt và đợt đầu chỉ bán bán 20% cổ phần Nhà nước, tương đương 9% vốn điều lệ.
“Phương án bán vốn này sẽ gây thất thu cho Nhà nước khoảng 1 tỷ USD nếu so sánh với cách thức bán 1 lần toàn bộ cổ phần Nhà nước (chiếm 45% vốn điều lệ Vinamilk). Đây là phương án hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán Vinamilk sẽ rất thấp”, ông Hải khẳng định.
Nếu bán hết cổ phần Nhà nước tại Vinamilk trong một lần sẽ đưa về cho ngân sách Nhà nước ngay 5 tỷ USD vào năm 2017, thay vì bán lẻ từng ít một, gây thất thu cho ngân sách 1 tỷ USD
Theo ông Hải, việc bán 20% cổ phần tại Vinamilk của SCIC sẽ loại bỏ sự tham gia các nhà đầu tư lớn là các tập đoàn đa quốc gia chuyên kinh doanh sữa, thực phẩm. Vì khi mua 9% vốn điều lệ thì họ chỉ là cổ đông thiểu số hay là cổ đông tài chính, họ có rất ít quyền về quản trị doanh nghiệp nên họ sẽ không quan tâm đến thương vụ này. Có thể chỉ có nhà đầu tư chiến lược là F&N Dairy Investment Pte Ltd tham gia đấu giá vì họ đang nắm giữ 11%/ vốn điều lệ của Vinamilk.
“Mua được thêm 9%, họ sẽ có 20% vốn điều lệ. Họ có cơ hội nắm được đủ lượng cổ phần để có thể phủ quyết những vấn đề quan trọng nhất về quản trị doanh nghiệp tại ĐHĐCĐ. Phương án này vô tình có lợi cho cổ đông này vì dần dần F& N có thể dễ dàng trở thành cổ đông chi phối mà không mất nhiều chi phí. Khi F&N đã nắm được tỷ trọng cổ phần phủ quyết thì sẽ làm e ngại sư tham gia của đối tác chiến lược khác”, ông Hải phân tích.
Theo ông Hải, với phương án bán vốn này Nhà nước sẽ thu về khoảng 800 triệu USD, trong khi giá trị doanh nghiệp của Vinamilk hiện nay hơn 9 tỷ USD.
“Nếu lần bán thứ hai, SCIC cũng chỉ bán bớt lượng cổ phần tương ứng 9% vốn điều lệ và các đợt tiếp theo cũng thế thì cũng chỉ có F&N và 1 số quỹ tham gia, lượng cầu không nhiều so với lượng cung và giá đầu thành công cũng chỉ tương đương với giá niêm yết. Nhà nước không thu được thêm tiền do ít có sự cạnh tranh về giá và tổng số tiền mà nhà nước thu được từ việc bán toàn bộ 45% vốn điều lệ khoảng 4 tỷ USD. Phương án bán này sẽ thu được ít hơn so với phương án bán ngay 1 lần là 1 tỷ USD”, ông Hải phân tích.
Với phân tích trên, ông Hải cho rằng nếu Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC bán toàn bộ lô cổ phần nhà nước chiếm 45% vốn điều lệ Vinalmilk thì đầu năm 2017 ngân sách Nhà nước có ngay 5 tỷ USD và khoản này đủ để hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc Nam đến năm 2020. Phương án này không làm tăng nợ công.
“Phương án bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk của Vafi thu thêm được cho nhà nước 1 tỷ đô la so với phương án của SCIC. Phần tăng thêm 1 tỷ USD này đủ để xây dựng thêm 300 km đường cao tốc theo phương thức PPP”, ông Hải phân tích.
Nếu nhân rộng cách làm này trong việc bán cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả thì có thể giải được bài toán giảm trần nợ công, đồng thời có thêm nhiều nguồn vốn khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước
Ông Hải cũng cho rằng nếu Nhà nước bán hết cổ phần tại Sabeco và Habeco thì cũng thu được 5 tỷ USD nữa đủ để xây dựng 4 tuyến đường sắt nội đô tại Hà Nội Và TP.HCM.
“Nguồn vốn khổng lồ của nhà nước đang bị giam tại nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, Mobifone, Sabeco, Habeco, Viettel….trong khi hàng năm chúng ta phải trả lãi hàng tỷ đô la và nợ công ngày càng tăng cao? Tại sao chúng ta không bán mạnh vốn nhà nước để tái cấu trúc nợ công và dùng nguồn tiền đó để phát triển hạ tầng?”, ông Hải đặt câu hỏi.