Con người vốn sợ chết, ông dũng cảm nhất, liều mình như chẳng có nhất cũng sợ chết hết thảy, nhất là chết từ từ theo kiểu ung thư, chết một cách “sang trọng” vì nó ngốn cả gia tài của người ta trước khi được chết. Và, người Việt thì sợ chết nhất. Qua bao nhiêu chinh chiến tang thương rồi, qua bao nhiêu khổ cực rồi, thấy chết thì hãi lắm.
Thế nên, có người dấy lên, theo cái kiểu bắc loa giữa chợ, để nói rằng “nước mắm nhiễm thạch tín” là người ta đã thần phách không còn. Và những người tin vào cái la toáng kia chắc chắn sẽ có một định kiến kinh khủng vào nước mắm, thậm chí có thể không sử dụng nước mắm nữa, thay vào đó là muối. Cả thế giới này dùng muối mà, có chết ai đâu, có mất ngon đâu. Bỏ văn hóa nước mắm đi thì đã sao.
Nhiều người hoang mang vì thông tin nước mắm chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng. Nguồn: Internet
Người ta là vậy, dư thừa định kiến nhưng luôn thiếu dữ kiện và kiến thức. Nên gặp chuyện nào cũng vậy thôi, hoang mang với cái gì là định kiến với cái đó ngay.
Có lẽ, những người làm nước mắm thủ công, làm nước mắm gia truyền rồi cũng sẽ đến lúc chỉ còn ủ mắm để cho gia đình mình ăn cho đỡ nhớ. Kiếm sống ư? Lựa việc khác mà làm. Hơi đâu đi làm cái việc thiên hạ bảo là “đầu độc cả nước”.
Người làm nước mắm cũng khác gì người trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà đâu? Cũng một la toáng nào đó, thế là thiên hạ đổ dồn nhau đi trồng rau. Các hiên nhà, sân thượng được tận dụng hết. Vườn ao chuồng rần rần tiến quân vào phố. Phường phố giờ chả khác thôn làng, có khác chỉ là nhiều xe máy hơn, nhiều ô tô hơn, đông người hơn, lắm quán xá cửa hiệu hơn mà thôi. Còn nói về rau củ quả, con gì cây gì, người ở phố có khi còn rành rẽ cách nuôi cách trồng chả khác gì người ở quê.
Tự sản tự tiêu có khi lại quay về thành trào lưu, nhà bác mang biếu nhà em cặp gà, em biếu lại bác dăm con cá quả. Nấu ăn thì nhao ra ban công mà hái rau, nhặt ớt, cắt hành. Của nhà mình trồng lấy, thậm chí chẳng cần rửa, chùi qua ăn sống cũng không chết.
Tự nhiên nhớ chuyện nhiều “hoang mang viên” kể rằng tôi đi Mỹ, tôi đi Âu, tôi chìm sâu xuống xứ Úc, đi đường gặp hàng bán táo, bán mận, bán đào, tôi chỉ cần cầm lấy một quả chùi áo ăn ngon lành. Tại sao người ta lại ăn ngon lành như thế? Chẳng phải táo ấy, mận ấy, đào ấy ngon lành đâu. Họ đang ăn niềm tin đấy. Họ không ăn ngay vì nó sạch, mà vì họ tin rằng nó sạch.
Suy cho cùng, ở xứ mình, không có niềm tin.
Bao nhiêu năm nay, ta nghe rát tai cái cụm từ “không rõ xuất xứ nguồn gốc”. Nghe rồi thấy buồn thực sự. Ai là người minh định cho một sản phẩm ở một vùng quê nào đó về cái nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng đây? Không ai cả. Thế nên dân mình không cách nào đưa nông sản ra chợ mà bán giá của niềm tin được. Mà dân thì nghèo. Trồng cây gì, nuôi con gì cũng mong đắp đổi kiếm sống, đặng nuôi con ăn học thành người, thoát kiếp cắm mặt xuống đất, lưng trải ra cho giời.
Ở Pháp, người ta tự hào về rượu vang, một danh sản của nghề nông. Và để minh định nguồn gốc rượu vang, từ năm 1855, Napoleon Đệ Tam đã yêu cầu xây dựng hệ thống phân loại rượu vang Bordeaux. Hệ thống ấy để phục vụ cho cái hội chợ thôi, nhưng gần 200 năm rồi, nó vẫn là một tiêu chuẩn tin cậy.
Rồi từ thế kỷ 15, người Pháp cũng đã manh nha về cái hệ thống Quản lý và định danh nguồn gốc rượu vang (AOC). Hệ thống đó được luật hoá từ năm 1905 và bây giờ nó được tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra, còn cả hệ thống IPG và nhiều hệ thống phân loại định danh khác nữa. Và không chỉ phục vụ rượu vang, sau này các hệ thống quy chuẩn định danh xuất xứ nguồn gốc đó cũng được áp dụng cho các nông sản khác như phô mai, bơ…
Cầm chai rượu Pháp lên, đọc là hiểu ngay. Này là vùng rượu nào, Bourgogne hay Bordeaux, Rhone hay Alsace… Này là loại nho nào. Này là Chateaux nào. Từng đó thông tin, tất tật trên một cái nhãn. Thế nên, có người nhìn nhãn biết rượu ngon, rượu dở ngay.
Tất cả là do một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp quản lý hết. Cơ quan ấy có tên Viện Quản lý nguồn gốc và chất lượng nông phẩm quốc gia. Cái viện đó chính là thước đo để người dùng cầm chai lên, đọc nhãn mà tin vào lựa chọn. Cái viện ấy cũng là nơi minh định danh tiếng cho một vùng, một nhà mà chính cái danh tiếng ấy nó khiến chai rượu được bán ra với giá có thể gấp đôi, gấp ba những chai cùng chủng loại, cùng chất lượng nhưng tuổi nghề còn non hơn, nên thương hiệu chưa ai sánh bằng.
Hằng năm, người ta còn thi rượu để chấm xem rượu nhà nào ngon nhất. Và cũng từ một cuộc thi như thế mà rượu vang Mỹ, của thung lũng Napa, đã bước vào kỷ nguyên ánh sáng, khi đoạt giải bất ngờ.
Tự dưng, ước gì có một cơ quan tương tự ở Việt Nam, để tạo niềm tin cho người dùng, để nông dân đỡ khổ. Quê hương mình, danh sản của các vùng miền nhiều lắm. Chỉ nói riêng nước mắm thôi, nước mắm Năm Ô đã có cái riêng, nước mắm Phan Thiết cũng có cái riêng, nước mắm Nha Trang cũng có cái riêng, nước mắm Phú Quốc cũng có cái riêng; mà cái riêng nào cũng đặc sắc cả.
Mỗi loại nông sản đều gắn liền với một vùng đất và chính thổ nhưỡng ấy tạo nên thuộc tính đặc biệt cho nông sản đó, mang lại hương vị đặc biệt cho nông sản đó. Vậy mà không ai định danh cho họ cả. Không định danh thì sao thành thương phẩm có thương hiệu. Chẳng lẽ cầm quả bưởi lên bán, nói đúng kiểu miền Nam “Bưởi tui bán chính xác bưởi Năm Roi đó. Cô chú không tin cứ ăn thử biết liền. Tui bán bao ăn”.
Thương nhất là cái từ bán “bao ăn”, tức là ăn không ngon thì không lấy tiền. Nhưng bây giờ ai bán bao sạch được đây, khi người nông dân, trong cuộc cạnh tranh với các hãng thực phẩm công nghiệp, như Don Quixote với cối xay gió, luôn bị gán cho cái nhãn “không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, “không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Xây dựng một hệ thống định danh nguồn gốc, xuất xứ và quản lý chất lượng nông sản như thế, vận hành một hệ thống như thế có khó không? Không khó. Vậy mà những cơ quan chức năng của Nhà nước cứ như bị đóng băng trước thực tế, trước những cáo buộc thiếu cơ sở đối với nông sản của người dân, và rồi dân cứ dần dần bỏ nghề nông mà sống vất vưởng bằng nghề khác còn người thành thị thì tranh thủ giờ ở nhà để làm thêm nghề nông.
Bạn xây ngôi nhà đẹp, bạn sẽ muốn trồng hoa thay vì trồng rau, trồng ớt. Nhưng bạn còn biết tin vào ai bây giờ? Thế nên bạn phải trồng rau thôi.
Những người gióng giả lên về nước mắm nhiễm thạch tín, về thực phẩm không an toàn trôi nổi ngoài chợ, họ làm giàu từ đâu? Họ cũng đi từ cái chợ, có người giàu lên từ sản xuất mì tôm. Mà mì tôm, chưa bao giờ nó được gọi là sản phẩm có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng cả.
Muốn trồng hoa hồng, phải có niềm tin.
Muốn có niềm tin, phải có người đi xây dựng nền tảng cho cộng đồng dựa vào đó mà tin.
Vậy mà ở thế kỷ 21 rồi, dân Việt còn nhìn nhau hoang mang, nghi ngờ và sợ hãi…