Đức, Anh và Thuỵ Điển là ba nước tích cực nhất trong việc ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga bởi họ cho rằng những thường dân ở Aleppo thiệt mạng “vì bom đạn của Nga”. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết: "Tôi cho rằng vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có tại thời điểm này là cho Tổng thống Putin và người dân Nga thấy rõ hậu quả của những gì họ đã gây ra". Mặc dù vậy, ông Johnson cũng không quá ảo tưởng với hiệu quả của biện pháp này.
Tờ The Guardian dẫn lời ông Jonhson nói rằng: "Tôi không dám chắc rằng đề xuất này sẽ mang đến một giải pháp kỳ diệu nào đó cho cuộc chiến khủng khiếp này, bởi trách nhiệm thực sự thuộc về những người gây ra nó - đó là chế độ Assad và những con rối của Nga và Iran".
Tổng thống Syria Assad.
Ông Johnson cho rằng sử dụng các biện pháp quân sự để thay đổi tình hình hiện nay là rất khó khăn. Ngoại trưởng Anh cho biết: "Có thể nói rằng phần lớn các quốc gia châu Âu sẽ không dễ dàng đưa ra quyết định này trong thời điểm hiện tại". Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố tại London: "Các biện pháp trừng phạt bổ sung đang được xem xét" và không chỉ rõ đối tượng của những biện pháp đó. Cho tới lúc này, theo lời ông Kerry, Chính quyền Mỹ vẫn chưa có một quyết định cụ thể về các biện pháp trừng phạt.
Mặc dù thực tế cho thấy trong khi phương Tây vẫn chưa có những bước đi cụ thể để áp đặt các biện pháp trừng phạt nhưng Bộ Ngoại giao Nga đã có những tuyên bố về "khả năng đáp trả". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết: "Sẽ không thiếu những biện pháp đáp trả những hành động thù địch nhằm vào Nga", đồng thời cho biết thêm rằng Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về những hành động đáp trả tương xứng với các biện pháp trừng phạt. Tới lúc này thì cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington về vấn đề Syria vẫn được tiến hành.
Chuyên gia phân tích Isis Sayigh thuộc Trung tâm Trung Đông Carnegie nhận định: "Không chắc phương Tây có nhiều phương án để áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga hay chế độ Assad ở Syria. Không có khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, hoặc là cho tới khi chính quyền mới của Mỹ xác định được chính sách đối ngoại".
"Điều này sẽ diễn ra vào mùa Xuân năm 2017. Nhưng thậm chí khi đó thoả thuận hoà bình cũng chỉ có thể đạt được bằng hình thức đối thoại trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Các cuộc đàm phán ngoại giao ở Lausanne hoặc ở đâu đó chỉ mang tính hình thức, dùng để công khai các thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ", ông Sayigh cho biết.
Về phần mình, ngày 19.10, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố các lực lượng chính phủ, theo nhiệm vụ được quy định trong hiến pháp, phải quét sạch các phần tử khủng bố nổi dậy ở Aleppo để bảo vệ dân thường.
Trong buổi trả lời phỏng vấn được đăng trên trang web của đài truyền hình SRF của Thụy Sĩ, ông Assad nói: "Căn cứ theo hiến pháp, sứ mệnh của chúng tôi là phải bảo vệ người dân, quét sạch những kẻ khủng bố khỏi Aleppo". Ông Assad cũng nhấn mạnh không thể bảo vệ người dân Syria khi họ đang bị khủng bố khống chế.