Cụ thể, trong ngày 20.10, nhiều tờ báo giấy đã đăng quảng cáo của 2 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm Chin-Su hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư với maket toàn trang trong đó đưa ra thông điệp khẳng định: "Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn".
Quảng cáo khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi về sự liên quan của Masan
Nội dung quảng cáo này cũng đưa ra thông tin, từ năm 2011, theo Quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-Su, Nam ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (arsen), theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2011/BYT ban hành năm 2011. Nội dung quảng cáo cũng chụp lại 2 Bản chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của nước mắm Chin-Su hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư đã được Cục ATVSTP của Bộ Y Tế chứng nhận do Phó Cục trưởng Lê Văn Giang ký.
Đặc biệt, hình ảnh 2 chai nước mắm Chin-Su hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư còn được thiết kế một dấu tròn như kiểu đóng dấu đỏ ghi rõ: “Cam kết an toàn đạt chuẩn thạch tín”.
Trước đó, ngày 17.10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố một kết quả khảo sát cho thấy: có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của quy chuẩn Việt Nam về hàm lượng arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước mắm. Ngay sau khi có công bố của Vinastas, nhiều người dân đã hoang mang không biết phải sử dụng nước mắm gì, còn các nhà khoa học thì khẳng định arsen hữu cơ trong nước mắm truyền thống không độc hại.
Trước quảng cáo này của Mansan, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, liệu Masan có liên quan gì tới “thương vụ” truyền thông, nhằm mục đích kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng hay không?