Thua nhiều mặt
Thông tin từ Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, hạt gạo của Campuchia với ưu thế là lúa mùa, không hoặc sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, chất lượng thơm ngon, an toàn nên các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp nước bạn Campuchia đã rất tích cực đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, các thương hiệu gạo của nước này được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến và lựa chọn.
ĐBSCL cần giảm diện tích lúa để tập trung lo sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: H.X
Gạo Campuchia đã 3 năm liên tiếp giành được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu trưng bày tại Hội chợ Thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan). |
“Campuchia làm marketing lúa gạo rất tốt. Từ bao bì đến sản phẩm đều có chất lượng cao hơn gạo Việt. Tại các hội nghị, hội thi tiếp thị lớn của thế giới về lúa gạo, họ có cách chào hàng rất hay, có chiến lược nên thường đoạt giải nhất” - ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp nói.
Cũng theo ông Công, do những ưu thế về chất lượng gạo, Campuchia được doanh nghiệp trong nước và các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam nhảy vào đầu tư các nhà máy xay xát, đóng bao bì.
Theo GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, do chỉ có 2 đến 3 giống lúa nên Campuchia dễ xây dựng thương hiệu gạo và không xảy ra tình trạng bị lẫn giữa các giống lúa với nhau. Các công ty xuất khẩu bán “gạo nào ra gạo nấy” và chỉ xuất khẩu vài trăm nghìn tấn. “Tại các triển lãm quốc tế, sản phẩm trồng trọt nhờ vào thiên nhiên của họ được người tham quan rất thích, rất dễ được người tiêu dùng lựa chọn” – GS Xuân nói.
Cũng theo GS Xuân, trong khi phía Campuchia đang tranh thủ chiếm lĩnh thị trường thì một số lô hàng gạo của nước ta lại bị Mỹ trả về do có dư lượng thuốc BVTV. “Nông dân mạnh ai nấy trồng và trồng tới 50-60 giống lúa khác nhau, phun nhiều loại thuốc BVTV. Thương lái thu mua lại trộn lẫn nhiều loại lúa khác nhau vào cùng một bao, dẫn tới chất lượng đương nhiên là không có. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì gạo Việt sẽ thua đau Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan…”.
Theo nhiều chuyên gia khác, hiện nay nông dân ĐBSCL “bán thứ đang có chứ không phải bán cái người ta cần”. Trong khi đó, sản phẩm bán ra lại không chất lượng bằng đối thủ cạnh tranh nên giá gạo Việt luôn bị đánh ở mức thấp trên thị trường xuất khẩu.
Giảm lượng để tăng chất
Nông dân huyện Châu Thành (Trà Vinh) thăm đồng. Ảnh: H.X
Khi được hỏi làm gì để gạo Việt cạnh tranh được với gạo Campuchia, ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Tới đây, chúng ta không cần sản xuất quá nhiều lúa. Ở những vùng điều kiện canh tác khó khăn, thường xuyên có thiên tai thì nên chuyển sang trồng cây khác để có thể tập trung lo nâng cao chất lượng lúa gạo cho xuất khẩu”.
Cũng theo ông Thạch, việc nâng cao chất lượng lúa gạo sẽ rất thuận lợi vì người dân đã có nền tảng kỹ thuật sản xuất hiện đại như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, VietGAP và cánh đồng lớn. Ngoài ra, cần phải tổ chức lại khâu mua bán của doanh nghiệp sao cho hợp lý, bài bản hơn. Viện Lúa ĐBSCL cũng đang nỗ lực nghiên cứu những giống cho chất lượng gạo tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp, ở 2 huyện Thanh Bình và Hồng Ngự, bà con đã bắt đầu làm lúa 1 vụ và cho hiệu quả rõ rệt: “Rất nhiều mô hình làm 1 vụ lúa mùa (nàng thơm, nàng hoa 9) rồi làm 1 vụ màu sau đó. Bà con cho biết, lúa này bán được giá gấp đôi lúa dưới 100 ngày, lại ít phải bón phân, đất có thời gian nghỉ ngơi”.
Bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là làm sao sản xuất vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong các vùng nguyên liệu lớn cần bố trí thêm giống lúa đặc sản, lúa thơm và nêu cao vai trò doanh nghiệp trong việc đảm bảo uy tín khi hợp tác với nông dân cũng như xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để có được sản phẩm gạo cạnh tranh hơn Campuchia, Nhà nước phải có quyết tâm rất lớn. “Các nghị quyết mới của Chính phủ yêu cầu các ban, ngành ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu, kế đó là kêu gọi nông dân tham gia HTX kiểu mới. Ngoài ra, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng được ban hành cũng giúp bớt một số diện tích lúa kém hiệu quả, bớt lúa 3 vụ để tập trung lo chất lượng. Làm cách này, cho dù gạo Việt không thơm nhưng sẽ đẹp, đồng nhất một giống và sẽ bán được giá cao hơn” – GS Xuân ghi nhận.
Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: “Trợ lực” bằng chính sách bài bản Một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua là gạo Việt chưa có tên trên bản đồ thế giới. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung “vô cảm” là gạo 5%, 25% tấm hoặc phải “mặc áo” các loại gạo nước ngoài. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh, nâng cao sự nhận biết của nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong, ngoài nước; nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh các sản phẩm gạo của Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh. Nhưng thương hiệu chỉ là một “công cụ” để tái cấu trúc lại ngành lúa gạo, tự thân nó không thể giải bài toán kinh tế của ngành, mà rất cần “trợ lực” bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành. |