Dân Việt

"Soái ca" Nội Bài và câu chuyện những hành động không vô ích

Hà Quang Minh 23/10/2016 06:30 GMT+7
Phải chăng, có quá nhiều lần, chúng ta lướt qua những sự việc một cách nhẹ như không, bởi vì chúng ta nghĩ rằng “nó vô ích” hoặc “nó không cần thiết”...

Tôi có xem một phóng sự video ngắn, mới được tung ra gần đây, kể lại câu chuyện cậu bé 14 tuổi Emmanuel Masmejan, người được coi là CĐV “cô đơn” nhất trong làng bóng đá. Một mình cậu một khán đài, đánh trống, hò hét, hát… cổ vũ cho đội bóng quê nhà Le Mont của mình. Đối diện cậu là tám ngàn rưởi cổ động viên của đối thủ, FC Zurich.

Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1, một kết quả khả quan với FC Le Mont. Và ở cuối trận, Emmanuel leo lên hàng rào ăn mừng 1 điểm quý giá có được trên sân khách. Vẫn chỉ một mình cậu, nhưng cậu không còn cô đơn nữa. Đơn giản, ở dưới đường piste, đầy đủ các cầu thủ của FC Le Mont cùng reo hò chung với cậu. Họ cũng thực hiện những động tác chào tạm biệt khán giả, tất nhiên là hướng về phía Emmanuel, không khác gì trước mặt họ là khán đài kín người.

Hành động của họ khiến tôi bật ra một câu hỏi: “Họ có làm một ‘thủ tục’ vô ích hay không, khi trước mặt họ chỉ có 1 khán giả duy nhất, 1 cậu bé?”. Và rất nhanh, tôi nghĩ ngay đến đáp án: Họ hành động không hề vô ích.

Câu chuyện của Emmanuel và FC Le Mont gợi nhắc chúng ta điều gì? Phải chăng, có quá nhiều lần, chúng ta lướt qua những sự việc một cách nhẹ như không, bởi vì chúng ta nghĩ rằng “nó vô ích” hoặc “nó không cần thiết”. Cả đội bóng dừng lại chào thủ tục trước một khán đài trống, chỉ có 1 cậu bé, điều đó tưởng như cũng không cần thiết. Nhưng thực tế, đối với một hình ảnh của một CLB trong cộng đồng; đối với tâm hồn của một cậu bé đang tuổi lớn, nó vô cùng cần thiết, và hữu ích.

Khi cô gái hàng không bị một người đàn ông siết cổ áo và một người đàn ông  khác đánh vào đầu, chắc chắn có những người sẽ lướt qua coi như không phải việc của mình, không phải chuyện cần thiết phải can thiệp, không phải chuyện “có ích” để can dự. Điều đó đã tạo ra thói thờ ơ trong xã hội này, thói thờ ơ mà chúng ta vẫn cứ lên án bất chấp việc chính tôi, chính các bạn, đã luôn sống với thái độ “không cần thiết” hay “không có ích” trước một sự việc nào đó. Và đến khi có một người đàn ông lao vào can thiệp, bằng sức mạnh của đàn ông, khiến kẻ hành hung cô gái kia phải đo ván, chúng ta lại phấn khích tột cùng với một hình tượng “anh hùng” “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”.

Chúng ta đã ở đâu trong tất cả những câu chuyện tương tự? Nỗi sợ hãi cụ thể nào đó; suy nghĩ thực dụng “không phải việc của mình” nên chẳng lợi lộc gì; thái độ bàng quan mặc kệ thời cuộc…, tất cả đã tạo nên những con-người-bức-tượng, không quan tâm, không can dự, không hành động. Ở sân bay Nội Bài hôm 19.10 có bao nhiêu người đàn ông chứng kiến cảnh tượng bất nhẫn kia? Và nếu không có sự can thiệp mạnh tay của người đàn ông nọ, câu chuyện sẽ đi tới đâu? Sẽ ra sao nếu có rủi ro đến tính mạng cô gái? Chúng ta sẽ căm phẫn phải không nào? Và chúng ta sẽ không chỉ căm phẫn với hai kẻ côn đồ nọ, mà chúng ta còn căm phẫn với đám đông còn lại, những người thờ ơ với suy nghĩ mặc định đeo mang “can thiệp vào thì có ích gì?”.

Cuộc sống là thế. Cuộc sống vốn dĩ tồn tại những sự kiện mà chúng ta cứ nghĩ rằng nếu mình tham gia vào nó thì chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng thực chất, nó không hề vô bổ, không hề “không cần thiết” như chúng ta đã nghĩ. Có những hành động tưởng như nhỏ thôi, nhưng nó lại có tác động tích cực rất lớn lao ở phần tương lai phía trước.

Nói đi nói lại, chúng ta sợ hãi, và thờ ơ, cùng với định kiến “việc nọ việc kia chỉ là việc vô ích” bởi vì những người lẽ ra phải để chúng ta đặt niềm tin đã luôn chọn không làm những việc hữu ích mà họ cần làm, thay vào đó, họ chọn lựa những việc vô cùng vô ích.

Sự kiện Nội Bài, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không phía Bắc, cho rằng người hùng giải cứu cô gái hàng không có thể bị xem xét xử lý vì tội gây rối loạn trật tự công cộng. Lý giải của ông Phương nghe có vẻ có lý lắm. Ông bảo “Nếu lực lượng an ninh sân bay không vào xử lý kịp có thể dẫn tới đánh nhau to, điều này không phù hợp với quy định về an ninh tại sân bay”.

img

Hình ảnh cho thấy một người đàn ông lao vào đánh trả người hành hung nữ nhân viên hàng không (ảnh cắt từ clip).

Vâng, đúng là trong video chúng ta nhìn thấy cảnh sau khi can thiệp giải cứu cô gái, "soái ca" kia liền bị kẻ côn đồ đe doạ, và tất nhiên, người hùng tạo cảm hứng cũng chẳng phải người sống trong sợ hãi, nên cũng tỏ thái độ sẵn sàng đối đầu nếu cần. Và an ninh sân bay đã tới can họ ra, để không còn xô xát.

Nhưng có ai đặt ra câu hỏi rằng những người trong đồng phục an ninh sân bay đã làm gì, trong suốt khoảng thời gian cô gái bị đánh? Họ, với dùi cui trong tay, còng số 8 sẵn có, nếu can thiệp mạnh tay và trấn áp côn đồ kia thì liệu người hùng có phải ra tay can thiệp không? Họ thậm chí còn can ngăn côn đồ như thể không phải những kẻ hành hung người khác, trong khi trên thực tế, họ hoàn toàn có quyền mạnh tay trấn áp để tránh hỗn loạn có thể xảy ra.

Rõ ràng, họ đã thờ ơ trước hết, và chọn lựa cách ứng xử theo kiểu “không cần thiết phải can thiệp” trước nhất. Hành động của họ trong sự việc ấy, có thể nói mới là hành động không có ích.

Rồi ông Phương, với tuyên bố xử lý người hùng sân bay, ở thời điểm không phù hợp cùng cách diễn ngôn không thoát ý, đã khiến cộng đồng ngờ vực vào cái gọi là công lý. Ông cũng đã chọn một hành động hoàn toàn không có ích. Và từ hành động không có ích của họ, cộng đồng cảm nhận rằng họ cũng hoàn toàn có quyền thờ ơ, có quyền không can thiệp. Đơn giản, họ có nhận được sự bảo vệ hay không từ những người có nhiệm vụ bảo vệ họ? Và hơn nữa họ can thiệp thì có ích gì, hay là lại bị đe doạ xử lý như hình mẫu tiêu biểu ở sân bay Nội Bài?

Và chúng ta sẽ lặp lại điệp khúc cũ, trách cứ cộng đồng quá thờ ơ, mà chúng ta quên mất rằng, có những người chịu trách nhiệm trong cả một bộ máy đã khiến người dân tin rằng họ chỉ là những người không cần thiết và can dự vào các sự kiện xã hội chỉ là vô ích…