Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf của Mỹ.
Theo National Interest, trong giai đoạn những năm 1980, Liên Xô đã nhận được thông tin tình báo rằng hải quân Mỹ có thể theo dõi tàu ngầm thông qua tiếng ồn của động cơ chân vịt.
Nhờ vào công nghệ mua từ công ty Toshiba của Nhật Bản, Liên Xô đã có thể chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân hoạt động siêu yên tĩnh vào năm 1986. Không chỉ chiếm ưu thế về độ yên tĩnh, các tàu ngầm lớp Akula còn lặn sâu tới 600 mét trong khi tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ khi đó chỉ lặn sâu 198 mét.
Đối trọng với mối đe dọa từ tàu ngầm lớp Akula, hải quân Mỹ đã chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf. Tàu ngầm Seawolf được trang bị lớp vỏ hợp kim thép dày 5 cm, giúp chịu được áp lực nước mạnh hơn khi lặn sâu. Nhờ vậy mà các tàu ngầm Seawolf có thể lặn sâu tương tự như tàu ngầm Liên Xô.
Dài 107 mét, tàu ngầm Seawolf ngắn hơn một chút so với thế hệ tàu ngầm hạt nhân tấn công trước đó nhưng lại rộng hơn tới 20%, khoảng 12 mét. Đây là lý do khiến cho các tàu ngầm Seawolf nặng hơn, lượng giãn lưỡng 12.158 tấn.
Tàu ngầm Seawolf trang bị một lò phản ứng hạt nhân S6W (công suất 52.000 mã lực), cùng với hai turbine khí kết nối với một trục duy nhất. Nhờ đó, tàu có thể đạt vận tốc tối đa 35 hải lý/giờ hoặc hoạt động hoàn toàn yên tĩnh ở mức 20 hải lý/giờ. Cơ chế này ngày nay vẫn được Mỹ sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula của Nga.
Để trinh sát tàu ngầm đối phương, Seawolf sử dụng hệ thống định vị thủy âm trinh sát rải rộng BQQ-5 hoặc loại chủ động BQS-24 để theo dõi mục tiêu ở cự ly gần như mìn. Ngoài ra tàu ngầm còn có thể gắn hệ thống thủy âm TB-16, TB-29.
Tàu sử dụng hệ thống xử lí dữ liệu chiến đấu BSY-2 của hãng Lockeet Martin với một mạng lưới khoảng 70 bộ vi xử lý Motorola 68030. Hiện nay, hệ thống này đang được thay thế bằng hệ thống vũ khí chiến đấu AN/BYG-1 hiện đại hơn do Raytheon sản xuất.
Chế tạo phục vụ mục đích săn tàu ngầm đối phương, tàu ngầm lớp Seawolf trang bị 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi so với các tàu ngầm trước đó. Tàu có thể mang theo 50 quả tên lửa hoặc ngư lôi tùy theo mục đích sử dụng, bao gồm ngư lôi hạng nặng Mark 48, tên lửa chống hạm Harpoon phiên bản gắn trên tàu ngầm và tên lửa Tomahawk. Ngoài ra, các tàu Seawolf có thể làm nhiệm vụ rải mìn nếu cần thiết.
So với thế hệ tàu ngầm trước đây, các tàu lớp Seawolf hoạt động yên tĩnh gấp 70 lần so với thế hệ đầu tiên của tàu ngầm lớp Los Angeles. Trong khi đảm bảo độ yên tĩnh, tàu ngầm vẫn hoạt động nhanh gấp đôi so với thế hệ trước đó.
Tên lửa hành trình Tomahawk phóng đi từ tàu ngầm.
Hải quân Mỹ ban đầu lên kế hoạch sở hữu 12 tàu ngầm loại này với chi phí lên tới 33 tỷ USD. Nhưng thời điểm Liên Xô sụp đổ cũng như mối đe dọa từ các tàu ngầm Akula giảm xuống nên dự án này kết thúc chỉ với 3 tàu ngầm và chi phí 3 tỷ USD mỗi chiếc.
Gần đây, tàu ngầm lớp Seawolf, USS Jimmy Carter đã được nâng cấp và lắp đặt thêm thiết bị dài 30 mét ở thân tàu. Thiết bị này giúp USS Jimmy Carter gửi và thu thập phương tiện do thám không người lái dưới nước hoặc mang theo 50 đặc nhiệm SEAL, phục vụ mục đích đặc biệt. Tàu cũng được cải tiến khả năng gián điệp như thu thập thông tin từ các đường cáp ngầm.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf có thể coi là mẫu tàu ngầm tốt nhất thế giới từng được chế tạo, theo National Interest. Tàu ngầm Seawolf ra đời trong giai đoạn Chiến tranh lạnh với yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí khổng lồ để đáp ứng mối đe dọa đáng gờm từ tàu ngầm Liên Xô.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã phải mất hàng chục năm trời để phát triển thế hệ tàu ngầm Virginia với chi phí rẻ hơn nhưng sức mạnh chưa thể sánh bằng với 3 tàu ngầm Seawolf.