Làm sạch vì sức khoẻ gia đình
Chúng tôi gặp Võ Văn Tiếng (sinh năm 1991, ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) những ngày tham gia Phiên chợ Xanh tử tế diễn ra ở Hà Nội đầu tháng 10 khi anh chàng nông dân đen nhẻm tất bật giới thiệu và bán sản phẩm gạo Tâm Việt do mình làm ra. Tiến chia sẻ, việc đến với sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc BVTV và dùng các loại phân bón vô cơ rất đơn giản. Tiếng là con nhà nông chính hiệu, mấy đời gia đình Tiếng đã trồng lúa ở mảnh đất ấy. Nhưng Tiếng thấy, để nâng cao năng suất cây lúa, bố mẹ và bà con sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, ảnh hưởng tới sản phẩm, môi trường cũng như sức khoẻ. Vậy là Tiếng về mượn bố mẹ 2ha đất để trồng lúa theo cách của mình để gia đình và bà con có thể sử dụng sản phẩm gạo sạch.
Võ Văn Tiếng (ảnh) giới thiệu sản phẩm gạo Tâm Việt tới tay người tiêu dùng. Ảnh: S.N
Sản xuất theo kiểu sinh thái, hữu cơ là mơ ước của tôi, vì tôi luôn muốn hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Hiện nay, diện tích cam sinh thái của mình chưa cho thu hoạch, nhưng đã có rất nhiều người đến đặt mua trước toàn bộ cả cây. Khi tôi sản xuất nghiêm túc, người tiêu dùng sẽ luôn ủng hộ”. Nguyễn Thị Lê Na |
Tiếng vay mượn đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo đất đai, lên ô bờ bao cao, dẫn nước và dùng giống lúa thuần chủng, tận dụng các loại thiên địch, không sử dụng phân bón hay bất cứ loại thuốc nào. Cuối cùng, chỉ lấy hạt gạo ra từ đất và trả lại tất cả cho đất để tái sinh độ dinh dưỡng của đất. Vụ đầu tiên, do mới cải tạo đất và không sử dụng phân bón cũng như thuốc BVTV nên năng suất kém hơn rất nhiều, Tiếng lỗ khoảng 40 triệu đồng. Nhưng từ vụ thứ hai, năng suất đã tăng lên, nhiều người biết đến hơn. Tiếng cũng đã liên kết với đối tác tại TP.HCM để làm đầu mối kinh doanh với nhãn hiệu gạo sạch Tâm Việt. Với giá bán 28.000 đồng/kg, gạo Tâm Việt của nông dân Võ Văn Tiếng đã được đóng gói, xuất bán trong 2 vụ vừa qua và luôn thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu.
Năm nay, Tiếng chuyển đổi toàn bộ diện tích đang sản xuất của bố mẹ sang trồng lúa sạch theo cách của mình. Tiếng cũng muốn mở rộng, chia sẻ cách làm của mình với bà con xung quanh, để cùng nhau theo đuổi mô hình nông nghiệp bền vững, hướng tới các sản phẩm xanh, sạch.
Nâng cao giá trị quả cam Vinh
Cùng chung ý tưởng với Tiếng là chị Nguyễn Thị Lê Na, ở xã Minh Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An với thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến. Nhiều năm trước, bố mẹ của Na cũng trồng cam Vinh, nhưng không ít lần phải đổ bỏ đi vì không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và chưa có thương hiệu. Trăn trở trước những nghịch lý, người nông dân một nắng, hai sương mới làm ra quả cam, nhưng phải chật vật mới bán được. Na đã bỏ việc làm văn phòng để quay về nhà xây dựng thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến.
Lê Na cho hay: “Năm 2013, tôi bắt đầu phát triển thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến bằng cách mở Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ và rất thành công với tư cách là đơn vị đầu tiên đưa cam Vinh có mặt chính thống tại thị trường ngoại tỉnh gồm Hà Nội, TP.HCM... Năm đó, nhà tôi đã bán hết trang trại hiện có để tập trung làm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Nhưng khi cam Vinh có thương hiệu rồi, lại rất khó trong việc thu mua để cung ứng ra thị trường vì không có đầu mối, mạnh ai nấy bán. Tôi đã nhận thấy một sự phát triển không bền vững, công ty đã phải cải tổ lại cách làm và quay về với sản xuất. Tôi đã bắt đầu bằng việc trồng cam theo mô hình an toàn VietGAP, kết hợp với các hộ nông dân để mở rộng mô hình”.
Đến nay, cam Vinh Kỳ Yến đã trở thành mô hình hợp tác với nông dân trồng cam đầu tiên tại huyện Quỳ Hợp. Trong đó Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ là nòng cốt để cung ứng giống tốt, chất lượng; đội ngũ kỹ thuật của công ty cam kết đồng hành cùng nông dân để tư vấn kỹ thuật một cách chi tiết và cụ thể nhất. Công ty đảm bảo bao tiêu đầu ra cho người nông dân thực hiện đúng quy trình và đạt tiêu chuẩn của thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến. Công ty trở thành đại diện thương mại cho người nông dân trồng cam theo tiêu chuẩn cam Vinh Kỳ Yến và giám sát để các đối tác, đại lý, đơn vị bán lẻ phải đảm bảo cung cấp sản phẩm thật, đúng giá trị tới tay người tiêu dùng.
Song song với phát triển cam Vinh VietGAP, Na đã chuyển 2ha cam VietGAP sang trồng theo hướng hữu cơ. “Vì từ “hữu cơ” đang bị lạm dụng và đội lốt để dễ bán hàng nên tôi gọi đây là làm cam sinh thái. Tôi không sử dụng bất cứ loại thuốc BVTV nào, đất đai cũng phải được cải tạo bằng cách sử dụng các phân ủ mục, dùng các chế phẩm sinh học để diệt sâu bọ” – Na chia sẻ.