Khách mời của buổi giao lưu trực tuyến là ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản (Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NNPTNT), ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông quốc gia, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty CP Nước mắm Vạn Phần, ông Lê Anh - chủ cơ sở nước mắm Lê Gia.
Sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống tại Công ty CP nước mắm
Vạn Phần (Nghệ An). Ảnh: VP
Mệt mỏi vì thông tin vô căn cứ
Ngày 17.10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) sau một cuộc điều tra, khảo sát trên quy mô rộng đã công bố thông tin gây sốc với người tiêu dùng: Gần 70% mẫu trong 150 mẫu được kiểm tra có tổng hàm lượng asen (thạch tín) không đạt so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế, vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin này bị nhiều chuyên gia thủy sản và dư luận đánh giá là được đưa ra hết sức mập mờ do không nói rõ đó chỉ là asen hữu cơ (thực chất là vô hại và có sẵn trong cá) chứ không phải asen vô cơ (thứ có hại). Người tiêu dùng bất an, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, trong đó có nhiều nơi sản xuất theo phương thức gia truyền lao đao vì đơn hàng bị hủy bỏ, sản phẩm không tiêu thụ được.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty CP Nước mắm Vạn Phần cho hay: Chúng tôi là doanh nghiệp có sản phẩm nằm trong danh sách thông báo “không đạt” của Vinastas nên khách hàng quen thuộc của chúng tôi nghe thấy thông cáo từ Vinastas đã rất hoang mang, phản ứng bằng cách bỏ đơn hàng. Họ nói doanh nghiệp che giấu thông tin về sản phẩm không đảm bảo chất lượng, một số khách hàng có ý định ký kết hợp đồng mua hàng tạm dừng ký kết. Một số doanh nghiệp cá nhân đang bán, ngừng lấy hàng, chờ thông tin của chính thống mới nhận hàng tiếp.
Doanh nghiệp phải giải trình hồ sơ, tiếp đón các đoàn liên ngành về lấy mẫu kiểm tra chất lượng, bố trí lãnh đạo đi kiểm tra đánh giá lại thị trường. Những ngày qua, chúng tôi rất mệt mỏi. Nhiều cửa hàng, đại lý của công ty bị nhân viên của một hãng nước mắm công nghiệp đến rải tờ quảng cáo sản phẩm của họ, rải tờ A4 in danh sách đánh dấu sản phẩm công ty, tuyên truyền nói xấu sản phẩm chúng tôi không đảm bảo chất lượng. Thiệt hại chi phí hàng chục triệu, giảm doanh thu hàng trăm triệu trong mấy ngày qua, làm giảm sút uy tín của chúng tôi trong suốt 30 năm qua.
Liên quan tới thông tin Siêu thị Fivimart (Hà Nội) đã bỏ sản phẩm nước mắm truyền thống ra khỏi kệ hàng, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói: Siêu thị Fivimart có động thái như vậy là quá vội vàng. “Tôi hoan nghênh việc Fivimart nhập bán trở lại nước mắm truyền thống trong hệ thống của mình” - ông Phú nói.
Cần trung thành với phương thức truyền thống
Tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản (Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NNPTNT) nói: Việc có cuộc tranh cãi như hiện nay là do trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có văn bản nào định nghĩa nước mắm là gì. Trong tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 chỉ quy định phạm vi áp dụng là chỉ sản xuất từ cá và muối, còn trước đây không có khái niệm vì 10 năm trở về trước chưa có khái niệm “nước mắm công nghiệp”.
Theo ông Tú, nước mắm làm theo phương pháp truyền thống được làm từ nguyên liệu thiên nhiên cá, muối trong thời gian dài nên tạo ra một sản phẩm mặn nồng thơm ngon hết sức tinh túy và rất thân thiện với cơ thể con người. “Không phải ngẫu nhiên Ủy ban Tiêu chuẩn Codex quốc tế lại giao cho Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn về nước mắm cho cả thế giới sử dụng” – ông Ngô Quang Tú nói.
Ông Tú cũng cho rằng, để bảo tồn và phát triển nước mắm truyền thống thì cần có nhiều giải pháp căn cơ. Cụ thể, đối với nhà nước thì cần có chính sách ưu đãi về vốn, đất đai vì phần lớn cơ sở sản xuất đều là danh nghiệp cỡ nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực rất hữu hạn. Ngoài ra, cũng cần có chương trình gắn kết những địa phương sản xuất nước mắm truyền thống với phát triển làng nghề và gắn với du lịch cũng như xây dựng nông thôn mới.
Riêng đối với cơ sở sản xuất, ông Tú khuyến nghị rằng: Các cơ sở cần phải tiếp tục trung thành với phương pháp truyền thống gắn với việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngày 22.10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm. Kết quả là không phát hiện mẫu nước mắm nào được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau; không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế; kiểm nghiệm các kim loại nặng khác: Chì, thủy ngân và cadimi đều đạt theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. |