Dân Việt

Vì sao Thủ tướng Nhật liều lĩnh qua mặt Mỹ, bắt tay với Nga

Ngọc Việt 24/10/2016 20:00 GMT+7
Tokyo - đồng minh ruột của Washington ở Đông Á gần đây có nhiều động thái được xem là vượt rào, phá vỡ vòng vây cấm vận, cứu nguy cho Moscow.

img

Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm và liều lĩnh khi tìm cách tăng cường quan hệ Tokyo – Moscow, giúp Putin gỡ cấm vận, đồng thời cũng tìm lối thoát cho nước Nhật. Ảnh : Japan Times

Có một điều rõ ràng rằng, Tổng thống Nga Putin gần đây nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với cả đồng minh lẫn kẻ thù của Mỹ ờ Trung Đông cũng như xây dựng liên minh chiến lược với Trung Quốc – đối thủ đáng gờm nhất của Washinhton hiện nay, tất cả đều nhằm mục đích là tìm lối thoát cho nước Nga khỏi vòng vây cấm vận.

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin vừa có thêm một đối tác mới ngày càng gây chú ý hơn đó là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Gần đây, Tokyo - đồng minh ruột của Washington ở Đông Á có nhiều động thái được xem là vượt rào, phá vỡ vòng vây cấm vận, cứu nguy cho Moscow.

Tháng 5.2016 Thủ tướng Abe đã mạnh dạn tới thăm Moscow, ngay trược hội nghị G-7.

Khi đó, Giáo sư James Brown từ Đại học Temple ở Tokyo nhận định Abe đối diện với một rủi ro rất lớn vì các thành viên G-7 khác đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng. Tổng thống Mỹ Obama đã trực tiếp điện thoại cho ông Abe cảnh báo rằng, việc ông thăm Nga là chưa thích hợp.

Song người đứng đầu chính phủ Nhật vẫn không từ bỏ ý định kết nối với Nga ngay trong thời cấm vận, phớt lờ cảnh báo của Washington.

Dự kiến tháng 12.2016, Tổng thống Putin sẽ thăm Nhật và hai bên đang chuẩn bị nhiều lợi ích có thể trao đổi trong khi Washington và đồng minh được cho là đang chuẩn bị gia tăng cấm vận Kremlin vì hành động ác liệt tại Syria.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao Thủ tướng Abe lại quyết tâm và liều lĩnh như vậy?

Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin đều tái cử vào năm 2012 và ông Abe được cho là đã tìm cách phá rào cản bởi xung đột lãnh thổ, từ đó hy vọng xây dựng một mối quan hệ vàng Tokyo – Moscow, nhằm đối phó với nguy cơ trỗi dậy từ Trung  Quốc. Theo kế hoạch thì Tổng thống Putin thăm Nhật vào năm 2014 để hiện thực hoá ý tưởng của Abe.

Tuy nhiên, chuyến thăm chưa kịp diễn ra thì “sự kiện Crimea” ập đến và lệnh cấm vận được Washington khởi phát trừng phạt nước Nga, buộc Tokyo phải tuân thủ. Thế là chuyến thăm của Putin phải bị hoãn lại, làm dở dang biết bao dự định quan trọng của Abe. Khi Tokyo tham gia phong toả Moscow thì Bắc Kinh thừa nước đục thả câu, quyến rũ Moscow bằng nhiều lợi ích.

Không những vậy, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho áp dụng chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế, khiến cho kinh tế Trung Quốc giảm đà tăng trưởng gây thiệt hại rất lớn cho Tokyo. Giá trị trao đổi thương mại giữa Nhật Bản với Trung Quốc – đối tác lớn nhất của Nhật – sụt giảm liên tục, khiến cho sự suy thoái của kinh tế Nhật càng tệ hại hơn.

Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Nhật với Mỹ và EU không những không bù đắp được thiệt hại do Trung Quốc giảm đà tăng trưởng, mà lại cũng giảm theo. Tệ hại hơn nữa là việc Washington còn sử dụng biện pháp bảo hộ mậu dịch với một số mặt hàng của Nhật, cụ thể là áp thuế chống bán phá giá với thép của Nhật lên tới 71,35%.

Thế là hơn 1/4 thế kỷ xì hơi của nền kinh tế bong bóng không biết khi nào mới hồi phục được. Hội nghị thượng đỉnh G-7 2016 vừa qua tại Ise Shima là cơ hội cho Shinzo Abe có thể chia sẻ với đồng minh về giải pháp cấp bách của nước chủ nhà. Abe hy vọng G-7 nới lỏng cấm vận Nga, dần tái lập G-8 nhằm khôi phục vị thế cho Moscow và cũng là mở lối thoát cho nước Nhật.

Tuy nhiên, tuyên bố chung G-7 Ise Shima 2016 lại tiếp tục lên án Nga, đẩy Moscow gần hơn với Bắc Kinh – một hành động chẳng khác gì tặng quà cho Tập Cận Bình. Còn những giải pháp kinh tế, tài chính cấp bách mà Abe chia sẻ thì G-7 không đồng thuận, kiên quyết nhất là Anh và Đức. Có lẽ không còn gì miêu tả được nỗi thất vọng của Tokyo với các đồng minh.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là cứu cánh cuối cùng cho Tokyo phục hồi kinh tế thì đang gặp trở ngại ngay tại chính nước Mỹ và có nguy cơ chết yểu. Trong khi đó thách thức từ liên minh chiến lược Moscow – Bắc Kinh liên tục gia tăng, điều đó khiến cho Tokyo ngày càng sốt ruột.

img

Abenomics – chiến lược cuộc đời của Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo đó, ông Abe quyết định liều mình chọn Nga để tìm kiếm lợi ích. Cả Tokyo lẫn Moscow đều nhận thức được rằng, nếu cứ mãi để rào cản xung đột ngăn lợi ích thì có thể cả hai cùng chết chìm và họ phải tự cứu mình.

Đặc biệt, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe liều lĩnh tìm cách kết nối với Moscow bởi nước Nhật đang cần nhanh chóng chặn đà suy thoái kéo dài đã quá lâu, trong khi Washington không chia sẻ mà còn cho đồng minh ngậm nhiều quả đắng. Bên cạnh đó, chiến lược cuộc đời của ông Abe – chính sách kinh tế Abenomics, có thể phá sản nếu Tokyo không tìm ra nguồn lực để phát huy.

Nếu Washington làm căng, tìm cách ngăn cản, Tokyo có thể thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hoà bình mà Mỹ soạn thảo cho nước Nhật hơn 70 năm qua, tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ Nhật – Mỹ. Bởi lẽ với 2/3 số ghế có được tại Thượng viện sau cuộc bầu cử tháng 7 vừa qua, Abe có đủ điều kiện làm việc ấy. Khi đó thì Washington sẽ phải nhận quả đắng từ Tokyo.

Tóm lại, cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đều vừa có những thắng lợi chính trị quan trọng trong các cuộc bầu cử, đảm bảo cho một nền tảng quyền lực vững vàng. Và đây là thuận lợi rất lớn cho việc nâng tầm quan hệ Tokyo – Moscow.