Từ 0 đến 6 tuổi là khoảng thời gian quan trọng giúp trẻ em hình thành nhân cách. Tuy vậy, không ít cha mẹ Việt vì quá chiều chuộng hoặc thiếu thốn thời gian nên lơ là việc dạy con ở độ tuổi này. Bên cạnh đó, quan điểm giáo dục sai lầm của họ cũng khiến con trẻ thiếu kỹ năng sống, khó tránh khỏi va vấp khi rời vòng tay cha mẹ. Dạy dỗ con cái đúng cách theo từng độ tuổi là điều quan trọng các bậc phụ huynh cần học hỏi. |
Câu chuyện bé gái Trung Quốc, mới 4 tuổi đã được mẹ dạy cách cầm dao, nấu ăn, rửa bát… từng khiến dân mạng xúc động mạnh. Lý do người mẹ mắc căn bệnh ung thư đưa ra là:
“Việc nấu cơm liên quan rất lớn đến cuộc sống. Mẹ muốn dạy con làm thế nào để cầm dao, làm thế nào để làm việc nhà. Học hành con có thể xếp xuống hàng thứ hai, chỉ cần con có sức khỏe, tự nuôi sống được bản thân thì bất kể tương lai có đi đến đâu, làm gì thì đều có thể sống tốt”.
Bé gái Trung Quốc được mẹ dạy cầm dao thái rau từ lúc 4 tuổi
Không phải ai cũng đủ mạnh dạn để dạy con “cầm dao” như bà mẹ này bởi, phần nhiều quan niệm rằng, trẻ con đáng được nâng niu, chiều chuộng.
Con 6 tuổi vẫn phải đút cơm, bón cháo
Sinh ra trong gia đình nhà nông nên chị N. L. (làm nghề kinh doanh, Bắc Giang) luôn ý thức được vai trò của sự tự lập. Chị quan niệm, muốn con có cuộc sống tốt thì trước khi dạy chữ phải dạy con tự chăm sóc bản thân
Chị L. là mẹ đơn thân của hai người con, bé trai 6 tuổi, bé gái 4 tuổi. Dù một lúc gánh trên vai trách nhiệm làm cha lẫn làm mẹ nhưng chị vẫn thấy nhàn… bởi ngay từ nhỏ, chị đã huấn luyện con tự làm mọi việc.
“Con tôi, 19 tháng tuổi đã tự xúc ăn được rồi, mẹ không bao giờ phải bón hay ép ăn. Sáng dậy đi học, đứa nào vào việc ấy, tự đánh răng, rửa mặt, soạn sách vở, lấy quần áo rồi ăn sáng và lên xe”, chị chia sẻ.
Bởi vậy, khi nhìn các bà mẹ chật vật nuôi con chị thấy… thương thay. Chị kể, hàng xóm nhà chị, con trai lên 6 tuổi vẫn phải đút cháo, bón cơm vì nếu để tự xúc thì không chịu ăn. Lo con đói, họ phải một tay cầm ipad cho con xem hình, một tay cầm thìa xúc cơm dỗ dành con từng miếng.
Nhiều ông bố, bà mẹ Việt quá nuông chiều con cái (ảnh: Thủy Đặng)
Nhà chị và hàng xóm thay phiên nhau đưa trẻ con đi học. Cứ hôm nào đến lượt mình, chị lại sốt ruột khi chứng kiến cảnh nhà họ giục cậu “quý tử” 6 tuổi đánh răng, thay quần áo, ăn sáng… Có lần, thấy bà mẹ đôn đáo chuẩn bị mọi thứ cho con chị thắc mắc: “Sao mày vất thế, không có cách nào khác à?”, thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ: “Nó còn nhỏ thế, tự làm sao được. Tao làm luôn cho nhanh”.
Nhìn đứa con gái 4 tuổi của mình ngơ ngác ngồi ngóng đợi bạn đi học, chị L. quyết định, từ sau sẽ tự đưa con đi học.
“Xung quanh tôi có vô số trường hợp tương tự. Bà chị họ, con 4 tuổi rồi vẫn không dám cho nó cầm cái cốc hay cái bát vì sợ rơi vỡ đâm vào người. Cô bạn cùng tuổi, không dám cho con ra ngoài chơi với trẻ hàng xóm vì sợ lạc, ngã, lây bệnh… Mà cứ cho 4 tuổi vẫn nhỏ đi nhưng nhiều đứa mười tám, đôi mươi rồi vẫn chỉ biết ăn và học, ngoài ra không làm nổi thứ gì. Do bố mẹ quá chiều chuộng thôi”, chị L. nói.
Lo con tương lai không thể tự lập, chị L. tranh thủ mọi lúc dạy con làm việc nhà. Bé trai 6 tuổi, chị giao việc xách nước tưới cây, thi thoảng xếp hàng cùng mẹ. Bé gái 4 tuổi chị dạy cách xếp bát đũa, lấy gia vị giúp mẹ trong lúc nấu ăn… Làm bất cứ việc gì chị cũng lôi con vào làm cùng.
"Chỉ cần con tôi an toàn và tăng cân"
Chị Nguyễn Thảo (làm nghề trang điểm, Hà Nội) cũng từng “choáng váng” khi chứng kiến cách dạy con của nhiều người. Trong đó, phần lớn đều chăm chăm nhồi nhét chữ vào đầu con thay vì dạy kỹ năng sống.
Trẻ em 4, 5 tuổi cả ngày học chữ ở trường, tối về vẫn bị bố mẹ “nhồi nhét” tiếp. Họ không sợ con mình không biết đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, không biết mở miệng chào người lớn, sang đường đúng cách… mà chỉ sợ con không biết viết đẹp, tính toán giỏi như bạn bè.
Đến lúc lớn hơn, trẻ lại được bố mẹ hối thúc sáng học, tối học để thi vào trường điểm, trường đại học top đầu… Vừa ăn cơm xong, con chưa kịp đề nghị giúp mẹ dọn mâm, rửa bát đã bị đuổi lên phòng học bài… dần dần tạo nên thói quen ỷ lại và hình thành suy nghĩ: “Chỉ cần học, còn lại để bố mẹ lo”.
Những điều đầu tiên chị Thảo dạy con là phải chào người lớn, không tự tiện dùng đồ người khác...
Đó là những gì chị Thảo nhìn thấy trong cách dạy con của nhiều ông bố, bà mẹ Việt.
“Vì thế nên mới có cảnh mẹ khom lưng lau nhà, con ngồi nghịch điện thoại. Đến bữa, mẹ tất bật sắp mâm, còn con ngồi im chờ bát cơm để trước mặt. Tôi thấy nhiều cảnh chướng tai gai mắt như thế lắm rồi, trước khi trách bọn trẻ vô ý thức, hãy thử hỏi xem, chúng từng được dạy dỗ thế nào”, chị Thảo chia sẻ.
Theo chị, bố mẹ yêu thương, chiều chuộng con cái không sai nhưng hãy nghĩ, khi không có bố mẹ con sẽ sống thế nào.
“Một đứa trẻ hư có hai trường hợp: một là được bố mẹ quá nuông chiều, hai là bị gia đình hành hạ quá nhiều. Tôi khỏe mạnh và kiếm ra tiền nhưng vẫn bắt con tự làm mọi việc. Học giỏi hay dốt không quan trọng, cái đầu tiên nó phải học là cách đối nhân xử thế và tự biết chăm sóc bản thân”, chị Thảo chia sẻ.
Trong một năm làm giáo viên mầm non, chị N. cũng nhiều lần "giật mình" khi chứng kiến cảnh bố mẹ Việt dạy dỗ con. Chị N. kể, có vị phụ huynh gửi con trai hơn 3 tuổi đến trường với yêu cầu duy nhất: "Chỉ cần con tôi được an toàn và tăng cân. Nếu sau ba tháng, nó không tăng được cân nào tôi sẽ chuyển trường". Vị phụ huynh này cũng từ chối mọi hoạt động vui chơi trường tổ chức cho con trẻ.
Chị N. kể, đứa trẻ vốn đã ít nói, bố mẹ lại cấm không cho chơi đùa với bạn bè nên ngày càng lầm lì, ít nói. Cô giáo đã nhiều lần phân tích cho ông bố về việc dạy con kỹ năng sống nhưng chỉ nhận được câu trả lời duy nhất: "Đừng để con tôi có vết xước nhỏ nào".
"Trẻ ở đây 2 tuổi đã biết xúc cơm ăn, còn con ông ấy hơn 3 tuổi rồi vẫn phải bón. Một lần, ông đến trường vui chơi cùng con theo chương trình của trường, nhìn cách ông ấy dỗ con mà phát mệt. "Tít há miệng ra bố xem nào, Tít ăn ngoan đi rồi bố cho chơi điện thoại...". Kết quả, cậu bé ấy cân nặng tăng nhưng ngày càng ì ạch", chị.N chia sẻ.