Òa khóc ngày trở về
Chiều 25.10, anh Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, ở Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ở Nghệ An), 3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc hồi tháng 3.2012 đã trở về tới sân bay Nội Bài.
Nhìn thấy các thuyền viên bước ra sảnh nhà ga T2 Nội Bài, nhiều người thân đã lao tới ôm chầm lấy các anh sau nhiều năm xa cách không biết khi nào gặp lại. Giây phút đoàn tụ, các thuyền viên và nhiều người thân đã không kìm được xúc động, nhiều người bật khóc nức nở.
Anh Nguyễn Văn Xuân, anh Nguyễn Văn Hạ và Phan Xuân Phương (từ trái qua), 3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc trở về nước.
“Từ ngày biết tin cậu Xuân bị cướp biển Somalia bắt cóc, cả gia đình tôi không ngày nào không lo lắng hy vọng, tưởng chừng không còn cơ hội gặp lại cậu. Nay đợi cậu về, tôi thấy nóng ruột vô cùng. Đến khi cậu bước ra, chúng tôi mới tin cậu đã về, ai cũng không kìm được xúc động”, anh Dự, anh rể thuyền viên Nguyễn Văn Xuân chia sẻ.
Gặp gia đình vài phút, 3 thuyền viên nhanh chóng lên ô tô về Bệnh viện Tràng An khám sức khỏe.
Nhìn bóng dáng chồng bước ra từ sân bay sau 6 năm xa cách, chị Lệ (vợ anh Nguyễn Văn Hạ) đã khóc nức nở. Chị Lệ chia sẻ, chị và anh Hạ đã có 3 con, ngày anh Hạ đi xuất khẩu lao động, chị vẫn còn đang mang thai đứa con thứ 3. Trong thời gian chồng bị bắt cóc, chị phải một mình chăm lo cho ba con.
“Nghe tin anh Hạ bị bắt cóc tôi rất lo lắng nhưng chưa bao giờ hết hy vọng một ngày chồng trở về. Nay anh trở về trông gầy hơn, đen hơn khi rời gia đình đi xuất khẩu lao động. Giờ mẹ con tôi không mong muốn gì hơn là mong anh ấy khỏe mạnh”, chị Lệ xúc động chia sẻ.
Cuộc tấn công bằng “mưa đạn” của cướp biển
Chia sẻ với PV sau khi trở về nước đoàn tụ với gia đình, bạn bè, 3 thuyền viên bị cướp biển Somalia đều cho biết, họ rất xúc động. Trong thời gian bị cướp biển Somalia giam giữ họ sống rất cực khổ, có những lúc thiếu ăn nhưng may mắn không bị chúng đánh đập.
“Khi bị cướp biển bắt cóc, tôi không nghĩ mình có ngày trở về. Khi giam giữ chúng tôi, nhóm cướp biển không đánh đập hay hành hạ, tuy nhiên cuộc sống rất khó khăn, nhiều hôm thiếu ăn. Những lúc ốm đau phải đến khi mình bị nặng chúng nó mới cho thuốc.
Nay gặp nhìn thấy bố mẹ, anh rể và bạn bè ra sân bay đón, tôi có cảm giác nghẹn ngào khó tả”, anh Xuân chia sẻ.
Anh Phan Xuân Phương rất vui vẻ khi được đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè.
Khi được hỏi về cuộc tấn công cướp biển Somalia vào tàu FV Naham 3, anh Hạ và Phương vẫn nhớ như in, ngày 26.3.2012, chiếc tàu FV Naham 3 đang đánh cá trên biển bất ngờ bị cướp biển Somalia tấn công. Những tên cướp biển liên tục bắn đạn vào thuyền trước khi dùng thang đột nhập.
Sau cuộc tấn công, thuyền trưởng tàu FV Naham 3 tử vong, còn 26 thuyền viên trên (toàn bộ là người châu Á) trên tàu bị những tên cướp biển bịt mắt đưa về một nơi hoang vắng giam giữ suốt hơn 4 năm.
Trước đó, Reuters đưa tin cướp biển Somalia đã thả 26 thủy thủ (toàn bộ là người châu Á) sau khi giam giữ họ hơn 4 năm kể từ vụ cướp tàu FV Naham 3 tại một vùng biển gần quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương) hồi tháng 3.2012. Các thuyền viên này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.
Ông John Steed, điều phối viên của tổ chức Hostage Support Partners (tổ chức Các đối tác hỗ trợ con tin) tham gia vụ thương lượng thả 26 con tin, cho biết, sau khi được thả tự do, nhóm thuyền viên đã ở một đêm tại thành phố Galkayo (Somalia) trước khi được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya.