Dân Việt

Vụ án hy hữu ở Bình Chánh và suy đoán vô tội

Nguyễn Quang Thân 26/10/2016 06:15 GMT+7
Ngày 24.10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) đã tẩy được một vết chàm trong hồ sơ của mình. Đó là quyết định đình chỉ điều tra một vụ án có thể nói là hy hữu và cũng rất quái dị không kém gì vụ “Cà Phê Xin Chào” đã làm ông trưởng công an huyện này bị cách chức mới đây.

img

Hoan nghênh công an Bình Chánh đã phục thiện, giải quyết dứt điểm một vụ án đã từng bị viện trưởng VKSND TP HCM kháng nghị, “đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.

Ông Văn Công Bình, một người khuyết tật đứng tuổi, cụt cả hai chân đến bẹn, suốt đời ngồi xe lăn, đi vệ sinh cũng phải có người bế, bị Công an huyện Bình Chánh TPHCM khởi tố tội chống người thi hành công vụ vì đã đánh anh cảnh sát khu vực tên là Nguyễn Nhật Bình, to khỏe lành lặn, võ thuật cùng mình “làm cả hai lăn xuống sông”! Đó là năm 2014 dưới thời ông Quý trưởng công an và ông Phòng Viện phó Viện Kiểm Sát, hai ông này khá nổi tiếng, cùng bị cách chức về vụ Cà Phê Xin Chào mới đây.

Phiên tòa sơ thẩm “hai ông Bình” này  tuy rất kỳ lạ rồi cũng được khai mở. Kỳ lạ bởi nó 4 không. Không có bị cáo, bị cáo không nhận tội như cáo trạng truy tố, không có bị hại và cũng không có nhân chứng, tất cả vắng mặt. Còn thêm một cái không nữa. Anh cảnh sát chẳng có “công vụ” gì sất với ông Bình, chỉ gặp ông này ở quán nhậu rồi cãi nhau chút xíu thôi mà sao gọi được ông này “chống người thi hành công vụ”. Dù vậy, TAND huyện Bình Chánh vẫn tuyên phạt ông Bình 6 tháng tù, cho hưởng án treo. “Chống người thi hành công vụ” mà xử thế cũng là khoan hồng lắm lắm, chắc mấy ông tòa Bình Chánh nghĩ thế.

Vụ án này và vụ Cà Phê Xin Chào, vụ làm chòi nuôi ngỗng bị khởi tố, tất cả đều “nên tội” (cấu thành tội phạm) ở Bình Chánh, đều do một tay ông đại tá Quý ký lệnh, làm chúng ta nhớ lại một số vụ án cũng rất lạ trước đây ở những nơi khác. Như vụ mất cái phích mà bốn cựu chiến binh vướng vòng lao lý 22 năm trời hay vụ mất có 48 ngàn mà hiệu trưởng rồi công an xã xúm vào hỏi cung, bức cung, đẩy một em bé gái nhà nghèo 10 tuổi vào vòng hoảng loạn phải bỏ học. Đó là chưa nói những vụ có thể tầy đình hơn mà không ai hay biết.

Ai cũng biết rằng, sở dĩ có những vụ án kỳ quái trên là do một số người có trách nhiệm kiểu như mấy ông ở Bình Chánh, có cảm hứng và sở thích điệu dân ra tòa. Có vẻ như họ muốn chứng minh rằng mình công bằng, mình mẫn cán, mình Bao công “mặt sắt đen sì”, không nể nang ai, xí xóa cho ai, không ai mua chuộc nổi. Tóm lại mình là quan mẫu mực! Mẫu mực hay không, công bằng hay không dân biết thừa. Vì sao họ cứ lôi những người nghèo khổ, thân cô thế cô, với những người này thì bé cứ xé ra to, phải xách cổ họ ra tòa mới đi ngủ được. Còn những người khác, hay chính bản thân các ông ( một bộ phận không nhỏ cơ đấy) thì to cũng thành bé, tội ác cũng chỉ là “sa sẩy”, rút kinh nghiệm để tạo cho các anh chị ấy một cơ hội sửa mình mà thôi. Con chuột nhắt tha hạt lạc thì đập bằng chết, con cọp khiêng cả con bò thì “rút kinh nghiệm” để sửa mình.

Khoa học tội phạm hiện đại đủ cơ sở chứng minh rằng, hình phạt càng khắc nghiệt thì tội ác càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Như là một quy luật của phản lực. Rất nhiều nước đã xóa án tử hình và chưa nước nào thấy hối hận vì bỏ án tử hình thì tội ác giết người tăng lên! Mà đâu xa, ngay Nguyễn Trãi cũng đã cảnh báo: “chính sự phiền hà thì lòng dân oán hận”. Cho nên câu cửa miệng xưa nay của mọi người là “pháp luật nghiêm minh”. Nghiêm còn phải minh chứ không chỉ nghiêm là đủ! Bỏ tù hay bắn bỏ một người là điều bất đắc dĩ phải làm vì thượng tôn pháp luật. Bỏ tù người ta đâu có gì hay mà đầy cảm hứng như thế? Đưa một người cụt cả hai chân hay một ông chủ quán cà phê, một ông chăn mấy con ngỗng phải bới móc kiếm sống ra tòa nếu họ không oan như ông Bình hay ông Tấn đi nữa thì vui sao?

Chính vì thế mà trong các bộ luật hình của nhiều nước luôn có điều khoản “suy đoán vô tội”. Thực ra khái niệm này đã manh nha từ thời La Mã cổ đại. Nó được nhấn mạnh và hoàn chỉnh trong cuộc cách mạng Pháp và các tuyên bố về nhân quyền, dân quyền về sau. Điều 13 BLTTHS 2015 của ta có quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Lần đầu tiên “suy đoán vô tội” được áp dụng cho người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được đưa vào luật của nước ta. Cùng với luật “im lặng” đây là một điểm son rất đáng khích lệ của nền tư pháp nước nhà.

Có thể tin hay không tin luật nhân quả nhưng quyết định đình chỉ mấy vụ án ruồi bu và cách chức mấy vị ở Bình Chánh được dân hoan nghênh, trước hết vì dân tin nhà nước đang “thượng tôn pháp luật”. Tòa án và cơ quan điều tra đang áp dụng điều luật “suy đoán vô tội”, khi tòa không chứng minh được ai đó có tội thì đương nhiên họ vô tội. Bản thân họ không có nhiệm vụ chứng minh sự vô tội của mình. Con người và sinh mạng xã hội của họ đang được luật pháp coi trọng, những bước khó khăn đầu tiên để giảm bớt án oan.