Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH giải thích lý do đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Gần đây, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) thu hút sự quan tâm của dư luận, cùng nhiều ý kiến khác nhau.
Ngày 28.10, trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng LĐ, TB &XH cho biết, dự kiến có hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ.
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động trình Quốc hội năm 2017.
Thứ trưởng Huân cho hay, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra bàn thảo. Từ năm 2008, Bộ LĐTB&XH cũng đã bắt đầu nghiên cứu và được đề cập năm 2012, năm 2014.
“Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có tác động lớn tới đông đảo người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam đang trong giai đoạn giữa của dân số vàng và già hóa. Quá trình chuyển hoá thành già hoá dân số của các nước phát triển có thể lâu nhưng ở VN sẽ chỉ khoảng dưới 20 năm.
Chính vì vậy, việc tăng tuổi hưu để tận dụng nguồn lực là thực tiễn mà chúng ta không thể né tránh”, ông Huân nói.
Theo ông Huân, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được lực lượng lao động có kinh nghiệm, chuyên môn cao vẫn đủ sức khỏe làm việc.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi hưu còn liên quan đến tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội.
“Qua 3 lần dự báo, mô hình của quỹ BHXH đang ở trong tình trạng nếu không điều chỉnh cách đóng - hưởng sẽ có nguy cơ mất cân đối trong vài chục năm tới”, ông Huân cho hay.
Thứ trưởng Bộ LĐTB &XH dẫn chứng ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc quy định mức tuổi hưu cho nam và nữ là 65 tuổi. Ở Lào, Campuchia, Thái Lan đều quy định tuổi hưu ở mức 60 tuổi cho cả nam và nữ.
“Tăng tuổi nghỉ hưu mang tính chất toàn cầu, Việt Nam đang tham gia nhiều công ước quốc tế về lao động, việc làm cũng như quyền con người. Chính vì vậy, việc đảm bảo bình đẳng nam nữ cần phải tăng cường, trong đó có cả điều chỉnh tuổi hưu của nữ giới lên sát với nam giới hơn”, Thứ trưởng Huân nói.