Dân Việt

Nguồn lực tín dụng hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

PV 29/10/2016 08:31 GMT+7
Ý kiến của Ngân hàng Nhà nước tham luận tại Hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp vào ngày mai, 30.10 cho biết: Nếu như trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thì đến nay hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm và triển khai cho vay đối với lĩnh vực này.

Các TCTD cùng vào cuộc

Một số ngân hàng thương mại khác cũng đã xây dựng chiến lược hướng về cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai cho vay trong thời gian vừa qua như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (có tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ); Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (có tỷ trọng chiếm trên 40%); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt...

Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP đã kết thúc ngày 28.5.2016 và NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay các doanh nghiệp tham gia chương trình theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Sau 02 năm triển khai, chương trình thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay 22/28 doanh nghiệp để thực hiện 22/31 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình với số tiền đạt 7.333,73 tỷ đồng.

img

Qua đó, các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết, ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định về nguồn nguyên liệu, thị trường và lợi nhuận; được xem xét vay vốn không cần tài sản bảo đảm với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường. Các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được đầu tư khoa học công nghệ để hình thành những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP giúp giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Vốn tín dụng đã góp phần hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang; mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH SX TM DV Thuận An (Công ty Thuận An) tỉnh An Giang; mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá tỉnh Đồng Tháp; mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Công ty TNHH Thương Mại - Dịch vụ Trường Hoàng tỉnh Lâm Đồng...

Các tổ chức Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ từ trung ương đến địa phương đã cùng với hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm cầu nối đưa vốn vay đến các hội viên để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai cho vay thông qua tổ vay vốn tại khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả. Đến nay, Agribank đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thành lập 37 nghìn tổ vay vốn với gần 1 triệu hội viên, tổng dư nợ cho vay thông qua các tổ vay vốn quản lý là 44.000 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng khi cho vay thông qua Tổ vay vốn tại Agribank khá tốt (tỷ lệ nợ xấu là 0,25%).

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Đến 30.9.2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 31/12/2015 với gần 2 triệu hộ nghèo còn dư nợ, tập trung ở một số chương trình tín dụng lớn như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới qua 5 năm triển khai trên toàn quốc đã đạt được kết quả đáng khích lệ không thể không kể đến vai trò của nguồn vốn tín dụng (chiếm khoảng 50% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015). Dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đến hết tháng 6.2016 đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015. Rất nhiều hộ dân và các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Nhận diện những rào cản

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc làm hạn chế nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực này.

Sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ; quy định về hạn điền trong nông nghiệp thấp.Vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều khó khăn; tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

img

Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Khu vực kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã, hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế và thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương trong việc phát triển kinh tế còn hạn chế, tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ, chưa có nhiều mô hình sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, dẫn đến các TCTD rất khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của khách hàng gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư của các TCTD.

Việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn thấp do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít (Bộ NN&PTNT mới cấp giấy chứng nhận cho hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc);

Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi,...) có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm.