Ông Lại Xuân Môn đánh giá: "Nguồn tín dụng ngân hàng những năm qua đã giúp cho nông nghiệp phát triển, nông thôn ngày càng đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt"
Dân Việt xin giới thiệu bài phát biểu khai mạc của ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đồng chủ trì và Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt thực hiện diễn ra tại KS Melia (Hà Nội).
Những năm gần đây, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Song, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần có một lượng vốn lớn; trong đó nguồn vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp và thực tế các chính sách tín dụng đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách tín dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ và thấp so với nhu cầu. Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển, mở rộng sản xuất.
Nhằm tìm giải pháp khơi thông tín dụng ngân hàng giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay của ngân hàng, TƯ Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo quy mô toàn quốc với chủ đề: “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Hội thảo có nhiệm vụ: Đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm rõ thực tế tiếp cận tín dụng của nông dân, doanh nghiệp; hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn. Đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, chuyên gia và các Ngân hàng thương mại về những vướng mắc của từng doanh nghiệp, nông dân.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham gia của các nhà quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nhân, giới truyền thông và một số nông dân Việt Nam xuất sắc.
Trong sự phát triển kinh tế - xã hội, tín dụng ngân hàng thương mại là một yếu tố không thể thiếu, trước hết bởi chức năng cung cấp vốn cho nền kinh tế, là công cụ thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất đối với tất cả các ngành kinh tế.
Đối với khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đóng góp một vai trò rất quan trọng, giúp cho nông nghiệp phát triển, nông thôn ngày càng đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là định hướng của Chính phủ. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa thị trường tín dụng, đáp ứng lượng vốn lớn cho nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10.6.2013 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó, các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm khơi dòng vốn chảy vào khu vực này.
Điển hình là Nghị định Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã có nhiều đôi mới khi xác định cụ thể các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi, dòn chảy tín dụng ngân hàng đã tạo ra những cú hích quan trọng thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, cải thiện đời sống nhân dân.
Tính đến 30.9.2016, Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015.
Trong đó, tính đến hết tháng 6.2016, dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.
Lãi suất cho vay cũng giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện phổ biến ở mức 6 – 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9 – 10%/năm đôi với trung dài hạn, thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường.
Tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với nợ xấu toàn nền kinh tế. Còn riêng với người nông dân vay của ngân hàng Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân Việt Nam nợ quá hạn chỉ có trung bình 0,32%, đây là con số rất lý tưởng.
Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hiện nay còn một số vướng mắc, nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận được tín dụng. Theo điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình giai đoạn 2006 – 2012, có 50% hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay ngân hàng, nhưng chỉ chiếm 13,6% tổng khối lượng vay.
Nguyên nhân chính là do thủ tục cho vay còn một số bất cập. Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng còn quan ngại cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay.
Các tài sản đảm bảo khoản vay của nông dân chủ yếu là ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến ngân hàng gặp nhiều rắc rối. Các món vay trong lĩnh vực nông nghiệp thường là nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng thường không mặn mà cấp tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn.
Điều đó đã làm cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Vậy cần có giải pháp, chính sách gì để người dân, donah nghiệp, hợp tác xã dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn và để tín dụng ngân hàng thực sự là đòn bẩy để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn?
Đó chính là mục đích mà Hội thảo mong muốn tìm ra lời giải đáp để có cơ sở kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng của nông dân và các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp thành công.