Dân Việt

Những điều ác nối tiếp nhau, bao giờ cho hết tháng Mười

Hà Quang Minh 30/10/2016 13:45 GMT+7
Tôi sinh ra ở thập niên bảy mươi, thế nên với tôi, Trung Thu vẫn là cái dịp đáng nhớ của thuở thiếu thời, với những mặt nạ, đèn lồng, trông trăng phá cỗ lúc còn con trẻ và với những đêm nhong nhong “tuần” khắp phố cùng chúng bạn, hoặc cố hò hẹn một cô bạn nào đó mình để ý lúc đã bắt đầu “trẻ trâu”.

img

Halloween ở Việt Nam giờ đây đã thực sự trở thành một lễ hội hóa trang đặc biệt được mong đợi.

Rồi tôi bắt đầu nhiều tuổi hơn, nhàn nhạt hẳn với những dịp như thế, nhàn nhạt đứng ra bên ngoài để thấy, lớp trẻ bây giờ chơi Halloween cũng chẳng khác gì một dịp lễ truyền thống Á đông ngàn đời.

Halloween, cũng như Valentine, Giáng sinh…, những ngày ấy đã bắt đầu thấm vào lớp trẻ Việt Nam, thành một thứ văn hoá. Đó là cái thấm tôi cho là tích cực. Giới trẻ được mở cánh cửa ra với thế giới, nghe nhạc Mỹ, đọc sách Anh, uống rượu vang Pháp và mê phim Hollywood. Thế thì chẳng có lý do gì để chê bai họ vọng ngoại (như vài ý kiến yếu ớt nhiều năm nay) khi họ lao ra phố trong bộ đồ hoá trang như ma qủy hay bất kỳ hình tượng nào, trong đêm Halloween.

Tôi vẫn nhớ, khi còn độc thân, đã từng ngồi trong những quán bar Sài Gòn, hay những club thâu đêm, uống với bạn và thích thú ngắm những người trẻ hơn mình trong các phục trang Halloween. Ước gì, cuộc đời họ cứ trôi đi trong những hân hoan như thế, bình thản, không âu lo gì về những vấn nạn ngoài đời.

Và bây giờ, lại cuối tháng Mười, đêm trước ngày Lễ Các Thánh, hai đêm trước ngày Lễ Các đẳng linh hồn (ngày 02.11, cũng na ná như lễ xá tội vong nhân rằm tháng Bảy của mình), những người trẻ lại vui Halloween, với mặt nạ của qủy, của ma, vừa để dọa người ta, vừa để làm trò vui, y như chúng tôi lúc còn nhỏ, với mặt nạ, đầu lân, đèn lồng trung thu.

Và nghĩ về những mặt nạ ngày thơ, nhìn những mặt nạ của lớp trẻ bây giờ, tôi bỗng sực nghĩ đến một câu hỏi: “Có phải, khi nấp sau một cái mặt nạ, thì người ta là ẩn danh, và mọi thứ chỉ là giả tạo hay không, y như chúng ta vẫn nói ‘mặt nạ giả tạo’?”. Rồi tôi tự trả lời: “Khi đeo mặt nạ vào, có khi là khi ta thật hơn cả”.

Hôm trước, một cậu em nhỏ của tôi chia sẻ trên facebook rằng “Hé hé, ngày xưa mình là mình thích vài diễn đàn chỉ vì đám ất của những diễn đàn ấy tự tin, độc đoán, chính kiến rõ ràng, không xuê xoa hiền lành với đám lâu nhâu. Mà để được như thế những anh ất ấy đa phần đều kiến thức uyên thâm, kiến văn rộng rãi và lắm chiêu trò”. Điều đó làm tôi cũng suy nghĩ, những suy nghĩ y như cái mặt nạ hôm nay.

Thời diễn đàn, đa số là ẩn danh, chẳng biết mặt mũi ất giáp của cái “nickname” kia là ai và bởi thế, trước đám đông không biết mình, họ mới dám nói thẳng hết những gì muốn nói.  Còn thời facebook này, nếu cái ảnh đại diện là chính khuôn mặt mình, cái tên “giao lưu” là họ và tên mình, của mẹ cha cho, mình không dám thẳng và thật hết mức như thế giữa cái chợ facebook. Những người mạnh miệng nhất, số hiếm là những người có gan, dám nói dám chịu. Còn lại đa phần, toàn những người đặt một cái “nickname” mơ hồ, với ảnh đại diện không rõ là ai, cái gì, hàm ý chi nữa.

Cái chữ Avatar (hình đại diện) mà facebook dùng vốn dĩ là tiếng Phạn. Nó có nghĩa là sự hiện thân cao đẹp của đấng thánh linh, giống như sự hiện thân của Vishnu trong thân thể Krisna ở Chí Tôn Ca. Nhưng vào thế giới facebook, nó là cái mặt nạ. Đeo mặt nạ vào, người ta dám nói tất cả những gì người ta suy nghĩ, kể cả là điều ngu dốt hay những lời khảng khái. Còn khi bỏ mặt nạ ra, biên ‘tút’ nào cũng cân nhắc, sợ đám đông dòm ngó, săm soi, bỉ bai, thậm chí là rủa xả.

Thế thì phải chăng, có cái mặt nạ vào, con người ta nghĩ rằng mình an toàn vì sự ẩn thân, nên bởi thế mới có hành vi đúng bản chất nhất? Hình như là thế, nhất là ở thời đại mọi thứ đều trôi rất nhanh như thế này, ở thời đại mà thông tin thu hút cứ như sóng sau đè sóng trước, để sự quên cũng nhanh như sự lên đồng.

Bây giờ lại là Halloween, đêm của lễ, của hội, của tiệc tùng mặt nạ, và cũng là ngày kết thúc tháng Mười. Tự nhiên tôi rùng mình nhớ lại cả một tháng Mười vừa trôi qua. Người mất đất bắn chết ba người cưỡng chế đất; cô gái ở sân bay bị một thanh niên to khỏe kẹp cổ cho một thanh niên khác  đập vào đầu; những kẻ cấu kết nhau trục lợi chơi trò truyền thông bẩn vu vạ cho nước mắm truyền thống là nhiễm thạch tín; những video clip tung lên mạng tràn lan cảnh đám học sinh nữ ở quận 8 TPHCM đánh bạn, bắt bạn liếm chân mới tha; cán bộ Ngân hàng ở Nghệ An cầm cò xăng đập vỡ đầu cô bán xăng; cướp lao vào nhà kề dao vào cổ cô bé con gái và bắt cha mẹ cô trả tiền … Tất cả những sự ác ấy dồn vào tháng Mười, như thể trong xã hội bây giờ toàn ma qủy thật hết thảy.

Và thật buồn, nếu chúng ta quay ngược thời gian, kiểm đếm những gì xảy ra trong quãng thời gian tháng Bảy âm lịch vừa rồi, tháng người ta gọi là tháng cô hồn, với ngày rằm cúng xá tội vong nhân. Chắc cũng cả ngàn sự ác diễn ra nối nhau như vậy. Để rồi còn buồn hơn, nếu 1 tháng nữa, đúng vào ngày cuối tháng 11, chúng ta tự kiểm đếm lại xem những sự ác nào đã diễn ra kể từ sau ngày Halloween cho đến ngày đó, chúng ta sẽ giật mình, ma qủy cõi trần đâu cứ phải có thời điểm mới nảy sinh, mà hoá ra, ngày nào, tháng nào cũng có.

Đêm 27.10, theo đúng mùa phim Halloween, HBO tự nhiên chiếu lại phim Legion với tài tử Paul Bettany. Xem phim ấy, với cảnh Tổng lãnh thiên thần Michael đánh nhau với Tổng lãnh thiên thần Gabriel để bảo vệ một đứa bé sơ sinh, được coi là hi vọng sót lại của loài người trong cơn thịnh nộ của Chúa, tôi chợt nghĩ đến Khải huyền. Có lẽ nào, Khải huyền không phải là một cuộc binh đao kinh hoàng, không phải là Lucifer trỗi dậy, không phải nước biển dâng lên hung dữ hay những qủa cầu lửa rơi xuống từ trời, mà từ chính những con qủy trong lốt người, cái lốt không khác gì cái mặt nạ…