Theo đó, ông Tiết Văn Thành - Phó Tổng giám đốc Agribank VN - khẳng định: Agribank là một ngân hàng thương mại Nhà nước, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; vì vậy Agribank luôn hiểu và tuân thủ đúng quy định pháp luật nói chung và quy định về bảo lãnh ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng.
Agribank chi nhánh Phú Mỹ Hưng (TP.HCM).
Theo văn bản nói trên, vừa qua tại chi nhánh Agribank Phú Mỹ Hưng và An Sương đã xảy ra sự việc hai chi nhánh này có phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán hợp đồng mua bán simcard cho khách hàng, nhưng thực tế việc mua - bán này không diễn ra; và 2 công ty này cùng nhóm gia đình (vợ - chồng). Trong quá trình giao dịch, khách hàng không có khả năng thanh toán cho đối tác nhưng Agribank vẫn có thiện chí sẵn sàng thanh toán thay cho khách hàng đúng như những điều khoản cam kết trong chứng thư bảo lãnh thanh toán. Tuy nhiên, mối quan hệ bảo lãnh trở nên phức tạp khi bên nhận bảo lãnh đã chuyển nhượng quyền thụ hưởng bảo lãnh không đúng quy định pháp luật để vay vốn tại NHTMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Những “tranh chấp trong hợp đồng tín dụng” liên quan đến khách hàng của chi nhánh Agribank với Vietbank sau đó đã được tòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc giải quyết bằng bản án có hiệu lực, Agribank là đơn vị có “quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Song, trong quá trình xét xử, tòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc đã chưa xem xét kỹ những quy định trong quy chế bảo lãnh ngân hàng và nội dung chứng thư bảo lãnh cũng như các biên bản xác nhận nợ giữa đối tác và khách hàng của chúng tôi. Vì thế, bên cạnh việc phối hợp thực hiện thi hành bản án mà tòa án đã tuyên, Agribank cũng đã gửi đơn kháng nghị để cơ quan chức năng xem xét bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Agribank theo luật định. Mặc khác, trong quá trình thi hành án, giữa Agribank và cơ quan thi hành án đã có những trao đổi qua lại bằng văn bản để giải quyết những điều chưa hợp lý và chưa đúng với nội dung mà bản án của tòa đã tuyên nhằm tránh gây thiệt thòi cho bên được thi hành án và cả bên thi hành án.
Agribank khẳng định luôn tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng nội dung bản án mà tòa án đã tuyên. Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Agribank đã ban hành các nghị quyết và văn bản để chỉ đạo chi nhánh thực hiện thi hành bản án đúng quy định pháp luật.
“Sự việc này đang trong thời gian giải quyết giữa các đương sự và cơ quan thi hành án, nên không có chuyện chúng tôi trốn tránh trách nhiệm; chúng tôi đang cố gắng nỗ lực làm việc với cơ quan thi hành án để tìm hướng giải quyết nhanh chóng sự việc nên hoàn toàn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như một số tờ báo đã nêu. Việc thông tin như vậy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như hoạt động kinh doanh ngân hàng của chúng tôi” - ông Tiết Văn Thành khẳng định.
Kiến nghị của chi nhánh Agribank Phú Mỹ HưngCũng theo văn bản của Agribank, sau khi nhận được quyết định thi hành án của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, Agribank đã có văn bản đề nghị cơ quan này thi hành án theo trình tự:
1. Thẩm định giá các tài sản của Công ty CP giấy Minh Thắng và bên thứ 3 (nằm trong danh mục tài sản thế chấp được ghi nhận tại bản án số 42/KDTM-PT ngày 17.12.2012).
2. Tiến hành bán đấu giá các tài sản nói trên thông qua Trung tâm đấu giá tài sản để Vietbank thu hồi nợ.
3. Tạm thời không áp dụng biện pháp phong tỏa một phần tài sản (tương ứng với số tiền 50 tỷ đồng) của Agribank mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đồng thời xin được chuyển số tiền 50 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM. Sau khi phát mãi xong các tài sản thế chấp, nếu chưa đủ số tiền thực hiện nghĩa vụ đối với Vietbank thì sẽ trích số tiền tương ứng từ khoản 50 tỷ đồng đã được phong tỏa để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm của Agribank theo quy định.
Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chưa xem xét đề nghị của Agribank mà tiếp tục ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của Agribank mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đồng thời phong tỏa tài khoản của Agribank với số tiền 50 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án. Trong khi đó, nếu chiếu theo văn bản hướng dẫn thi hành bản án số 648/2013/TA-CV ngày 16.7.2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM thì Cục Thi hánh án dân sự TP.HCM phải tiến hành đồng thời hai biện pháp về tài sản là buộc Agribank phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thư bảo lãnh với số tiền nghĩa vụ bảo lãnh là 50 tỷ đồng và phát mãi các tài sản thế chấp được tuyên trong phần quyết định của bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chỉ kê biên một trong số 11 tài sản trong vụ án và phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản của Agribank như đã đề cập là chưa hợp lý theo tinh thần văn bản hướng dẫn của tòa. Vì thế, ngày 17.9.2013, Agribank đã làm đơn kiến nghị gửi Bộ Tư pháp có ý kiến chỉ đạo đối với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và chấp hành viên tạm dừng không thực hiện việc phong tỏa và khấu trừ tiền trong tài khoản của Agribank mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; Agribank sẽ chuyển số tiền 50 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và thanh toán số tiền còn lại mà Công ty Minh Thắng nợ đồng thời với việc phát mại tài sản thế chấp.
Từ kiến nghị của Agribank, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có văn bản chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM rà soát, kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của Agribank theo đúng quy định của pháp luật, tránh xảy ra khiếu nại, tố cáo sau này đồng thời không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Từ chỉ đạo này, ngày 24.9.2013, chấp hành viên đã ra quyết định thu hồi toàn bộ quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án đối với Agribank như đã ban hành trước đó với số tiền 50 tỷ đồng. Sau đó, chấp hành viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Agribank Phú Mỹ Hưng để ghi nhận ý kiến đồng thời tìm hướng giải quyết thi hành án.
Gần đây, Agribank đã nhận được Quyết định số 27/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 22.10.2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2011/KDTM-ST ngày 21.4.2011 về bảo lãnh tại Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh (có tình tiết tương tự vụ việc bảo lãnh tại Agribank Chi nhánh Phú Mỹ Hưng), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đề nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy phần thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội vì lý do: “Thư bảo lãnh ngày 23.6.2009 do ông Nguyễn Hữu Huấn - nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội ký để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi phát sinh của Công ty Hoàng Nga vay vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chi nhánh Bắc Ninh) là vượt quá thẩm quyền. Do đó, thư bảo lãnh ngày 23.6.2009 của Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội do ông Huấn ký là vô hiệu vì Tổng Giám đốc Agribank không có văn bản nào cho phép Giám đốc Chi nhánh Tây Hà Nội ký bảo lãnh ngày 23.6.2009”.
Đồng thời, cũng theo quyết định kháng nghị, vì khoản bảo lãnh trên không được Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội đưa vào hệ thống quản lý, không hạch toán theo quy định của Agribank, Ban Giám đốc Chi nhánh Tây Hà Nội không biết việc này, do đó không thể cho rằng Agribank biết việc bảo lãnh này của Chi nhánh Tây Hà Nội. Từ nhận định trên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy, những khoản bảo lãnh do Giám đốc chi nhánh tự ký phát hành vượt thẩm quyền, không hạch toán, không báo cáo theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng là vô hiệu và ngân hàng không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Tại chi nhánh Agribank An SươngTòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc đã tuyên buộc Chi nhánh Agribank An Sương phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không hợp lý số tiền 46.997.665.000 đồng cho Vietbank trong khi Công ty Đức Hòa xác nhận số tiền phải thu mà Vietbank còn được thụ hưởng theo chuyển nhượng quyền thụ hưởng chỉ là 4.380.015.762 đồng. Ngay cả khi Công ty Kim Ánh và Vietbank đều xác nhận số tiền phải thu mà Vietbank được thụ hưởng theo chuyển nhượng quyền thụ hưởng là 9.999.884.000 đồng nhưng tòa vẫn tuyên buộc Chi nhánh Agribank An Sương thực hiện nghĩa vụ thanh toán thêm số tiền 25.000.000.000 đồng cho Vietbank.
Mặt khác, theo thông báo bán đấu giá tài sản số 1125/TB-CTHA ngày 30.10.2013 của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, giá trị định giá tài sản của Công ty Đức Hòa là 93,5 tỷ đồng (bao gồm thuế), so với giá trị nợ gốc của công ty này tại VietBank là 113,9 tỷ đồng thì số nợ còn thiếu chỉ là 20,38 tỷ đồng, tuy nhiên Vietbank vẫn kiên quyết đòi Agribank phải thanh toán toàn bộ 46.997.665.000 đồng, do đó rất khó khăn trong việc xác định rõ số tiền Agribank An Sương phải thanh toán theo thư bảo lãnh là bao nhiêu.
Chi nhánh Agribank An Sương cũng đang nộp đơn kháng nghị đến cơ quan chức năng xem xét theo trình tự giám đốc thẩm vì trong quá trình xét xử, các cấp tòa án đã chưa xem xét kỹ yếu tố Chi nhánh Agribank An Sương chỉ phát hành bảo lãnh thanh toán, hoàn toàn không phát hành bảo lãnh vay vốn cho các đương sự là Công ty Kim Ánh và Công ty Đức Hòa. Agribank An Sương có làm giấy xác nhận chuyển nhượng cho các đương sự nhưng đó chỉ là chuyển nhượng quyền thụ hưởng các chứng thư bảo lãnh, hoàn toàn không phải xác nhận bảo lãnh nợ hay xác nhận cho các đương sự thế chấp chứng thư bảo lãnh này để vay vốn. Tuy nhiên, cả 2 bản án của tòa đều buộc Agribank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của tất cả các chứng thư nếu Công ty Kim Ánh và Công ty Đức Hòa không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay tại Vietbank.
Quá trình giải quyết thi hành án, Chi nhánh Agribank An Sương đã gửi đơn khiếu nại. Đến ngày 16.7.2013, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có văn bản gửi chấp hành viên về việc tạm dừng việc thực hiện quyết định thi hành án để giải quyết khiếu nại của Agribank liên quan đến Chi nhánh Agribank An Sương. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho rằng hiện nay Agribank có nhiều đơn khiếu nại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đang xem xét giải quyết. Xét thấy vụ việc thi hành án trên phức tạp do giá trị tài sản lớn, nếu bị khấu trừ sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại nên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM yêu cầu chấp hành viên tạm dừng thực hiện quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án trong thời gian giải quyết khiếu nại.
Ông Tiết Văn Thành khẳng định rằng, Agribank một mặt đang hợp tác với cơ quan thi hành án để thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, mặt khác đang tiếp tục gửi kháng nghị đến Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về phán quyết tại các bản án chưa phản ánh đúng bản chất khách quan của sự việc, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác khi giải quyết tranh chấp về bảo lãnh ngân hàng.
Theo văn bản mà Agribank VN thông tin, việc một số tờ báo đề cập Agribank trốn tránh trách nhiệm hoặc phớt lờ nghĩa vụ thanh toán, dây dưa để chiếm dụng vốn và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự là phiến diện, thiếu khách quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Agribank VN.