Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, với doanh thu đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Lãi gộp của tập đoàn đạt 36.247 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do chi phí tài chính lên tới 19.563 tỷ đồng cùng với chi phí bán hàng, chi phí doanh nghiệp đều tăng mạnh, nên lợi nhuận sau thuế tập đoàn giảm 12,8% so với năm trước đó, đạt 3.699 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, EVN có tổng tài sản 641.040 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 454.760 tỷ đồng. Nợ vay nước ngoài và trong nước lên tới 370.151 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm.
Năm 2015 EVN chi 75.244 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi vay
Cơ cấu nợ vay lớn khiến áp lực trả nợ rất lớn. Riêng trong năm 2015, tập đoàn đã chi tới 12.124 tỷ đồng trả lãi và 63.120 tỷ đồng trả nợ gốc. Như vậy, mỗi ngày EVN chi khoảng 33 tỷ đồng trả lãi vay năm 2015.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2015, lượng tiền của EVN đạt 44.227 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn đạt trên 26.867 tỷ đồng
Hoạt động đầu tư của EVN thua lỗ 1.802 tỷ đồng. Đây cũng là năm EVN đã thực hiện mạnh mẽ thoái vốn ngoài ngành như thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình cho đối tác, giảm sở hữu tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực xuống còn 14,99%, bán vốn tại Công ty Cơ khí Điện lực...
Trong lĩnh vực ngân hàng, EVN đã bán 35,3 triệu cổ phần tại Ngân hàng An Bình và giảm sở hữu xuống còn 8,67%.
Như vậy, so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác như PVN, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Vinachem,... EVN giữ vị trí quán quân về nợ vay. Số vay nợ lớn là do nhu cầu đầu tư ngành điện lực phục vụ kinh tế, sản xuất, mục tiêu sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư cho các dự án điện lực có quy mô vốn rất lớn.
Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.
Cuối năm 2015 nợ vay được Chính phủ bảo lãnh đạt khoảng 26 tỷ đồng, trong đó EVN đã chiếm tới 37,3%.
Do đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc EVN và các công ty điện lực phải xử lý vấn đề lỗ chênh lệch tỷ giá hằng năm do nguồn thu bán điện đến từ nội tệ trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần xem xét các khoản lỗ này có phải do chính sách hay không, để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Ngoài ra, nếu EVN có các dự án triển khai, huy động vốn lớn, cần phải được Quốc hội phê duyệt bảo lãnh vì liên quan đến an ninh tài chính quốc gia.
Mới đây, dự thảo quy định của Bộ Công Thương đã trao cho EVN quyền được tăng giá điện tối đa tới 20%/năm, thời gian điều chỉnh giá điện giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng.