Cảnh sát PCCC nỗ lực chữa cháy tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội)
Hỏa hoạn thường do chập điện
Sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, vấn đề PCCC đã nóng nay càng trở nên nóng hơn. Ở TP.HCM, lực lượng PCCC cũng đã lên các phương án đảm bảo công tác PCCC trong dịp giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô, và bảo vệ dịp lễ tết sắp đến.
Trao đổi với PV chiều 2.11, đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, các dịch vụ karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường và bảng quảng cáo ngoài trời là những lĩnh vực, loại hình tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao mà đơn vị này luôn đặc biệt quan tâm.
Qua kiểm tra, Sở đã phát hiện một số nơi để xảy ra sai sót, đặc biệt là các vi phạm về điều kiện thoát nạn: Có nơi xây dựng lối thoát hiểm không đảm khả năng thoát nạn trong trường hợp đông người, có nơi câu mắc hệ thống điện không đảm bảo an toàn, có nơi vi phạm các giải pháp xây dựng hệ thống ngăn cháy, chống cháy lan,...
“Đa phần các sự cố hỏa hoạn đã xảy ra đều có liên quan tới vấn đề câu mắc điện dẫn tới chập điện, một phần do nhiều đường dây điện lâu ngày không còn đảm bảo nhưng lại nằm trong các góc khuất. Cháy nổ biển quảng cáo là một thực tế trong việc câu mắc điện. Sau khi bảng quảng cáo ngoài trời bị cháy nổ thì lửa có thể tiếp tục lan vào bên trong tòa nhà”, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM nói.
Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Trước đó, việc cháy biển quảng cáo rồi lan vào bên trong từng xảy ra ở TP.HCM, như vụ cháy quán karaoke New tại địa chỉ 180 Trần Quốc Thảo (Q.3) khiến 1 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Không nên nhảy khỏi nhà từ lầu cao
“Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, kỹ năng sống còn của mỗi con người sẽ nổi lên. Chúng ta phải bình tĩnh để tìm sự sống trong cái chết. Tôi cho rằng bình tĩnh là yếu tố cực kỳ quan trọng để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm trong thời gian nhanh nhất có thể. Chúng ta phải dùng mọi cách, tận dụng bất kỳ vật dụng nào trên đường, chẳng hạn sử dụng dẻ lau, khăn,... nhúng nước để bịt miệng thoát ra ngoài”, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM chia sẻ.
Ngoài ra, theo đại tá Bửu, khói thường bay lên cao nên khi thoát thân, người gặp nạn phải cúi rạp người xuống. Trong điều kiện có thể, người gặp nạn nên thoát lên mái nhà hoặc thoát qua nhà bên cạnh. Nếu đang ở trên lầu, có thể leo ống nước xuống dưới theo sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
“Chúng tôi khuyến cáo việc nhảy khỏi nhà từ trên lầu cao là không nên khi mà còn có những giải pháp khác tối ưu hơn. Tốt nhất chúng ta phải tìm mọi cách thoát ra theo một đường liên tục”, đại tá Bửu nhấn mạnh.
Giải pháp nào để phòng và chữa cháy?
Theo đại tá Bửu, có nhiều giải pháp đồng bộ để phòng cháy và chữa cháy nhưng hơn hết là ý thức của mỗi người. Trong đó, người đứng đầu các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC, theo đúng hướng dẫn từ khâu thiết kế đến thi công, lắp đặt, bố trí các thiết bị, hàng hóa sao cho đảm bảo PCCC. Bên cạnh đó, phải thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn cho lực lượng tại chỗ về kỹ năng xử lý các tình huống thoát nạn và chữa cháy.
“Đối với Cảnh sát PCCC, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, đã lên sẵn các chiến thuật, phương án cứu hộ, như đám cháy có nhiều người kẹt ở trong, chữa cháy trong điều kiện thiếu nước, đám cháy có quá nhiều khói, cháy với nhiệt độ cao,...”, ông Bửu nói.
Theo ông Bửu, khi phát hiện cháy, nếu lực lượng tại chỗ cố gắng tự dập lửa, không thông báo cho lực lượng PCCC mà sau đó lửa cháy lớn, lan nhanh thì công tác chứa cháy sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, bên cạnh việc lực lượng tại chỗ phải xử lý nhanh thì đồng thời phải cấp báo cho lực lượng PCCC theo số 114.
Phạt 9.680 trường hợp vi phạm với số tiền gần 9,2 tỉ đồng Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, tính từ ngày 16.11.2015 đến ngày 15.10.2016, đơn vị này đã xử phạt 9.680 trường hợp vi phạm trong công tác PCCC trên địa bàn thành phố, với tổng số tiền phạt gần 9,2 tỉ đồng.` Đáng chú ý là 1.610 trường hợp vi phạm liên quan tới việc trang bị các thiết bị PCCC, 989 trường hợp vi phạm về hệ thống thoát nạn, 680 trường hợp vi phạm liên quan tới việc sử dụng điện có khả năng gây cháy nổ,... |