Dân Việt

Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có bị cách chức Bộ trưởng?

Lê Chiên (thực hiện) 05/11/2016 09:45 GMT+7
Sau khi Ban Bí thư có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ (2011 – 2016) đối với nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhiều người thắc mắc liệu chức danh Bộ trưởng có bị cắt… Xoay quanh vấn đề này Dân Việt đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ - luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn Luật sư Việt Nam).

img

Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn Luật sư Việt Nam).

Thưa luật sư, ông Vũ Huy Hoàng khi đã nghỉ hưu mà vẫn bị cách chức Bí thư  là dựa trên quy định định nào?

Thắc mắc của bạn đọc là ông Hoàng còn chức đâu mà “cách” đã được PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng giải thích trên báo chí. Ở đây tôi chỉ bàn đến những căn cứ để ra quyết định này.

Ngày 30 tháng 3 năm 2013, Ban Chấp hành trung ương ban hành Quy định số 181-QĐ/TW “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.  Theo đó việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm trước đây nay đã nghỉ hưu được quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Quy định này và được hướng dẫn tại Điểm 1, Chương II, Hướng dẫn 09 –HD/UBKTTW  ngày 6 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban Kiểm tra “Hướng dẫn thực hiện một số điều của quy định số 181 – QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” . Quy định nêu rõ: Đảng viên vi phạm trước đây, nhưng sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước ; đối với đảng viên là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu có vi phạm kỷ luật khi đang công tác, nay mới phát hiện thì thẩm quyền thi hành kỷ luật được thực hiện như đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đang đương chức; vi phạm kỷ luật khi đã nghỉ hưu thì việc xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu theo quy định của Bộ Chính trị và cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

Như vậy Quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng thực hiện dựa trên những quy định đó.

- Vậy sau khi bị xử lý kỷ luật về Đảng, ông Vũ Huy Hoàng có bị xử lý kỷ luật về chính quyền? Nếu bị xử lý thì dựa trên quy định nào?

Nhiều quy định về nhiệm vụ của đảng viên tương đồng với quy định về nhiệm vụ của cán bộ công chức. Dù là đảng viên hay không phải là đảng viên thì vẫn phải gương mẫu, trung thực, chấp hành pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Anh vừa là đảng viên, vừa là cán bộ công chức thì khi vi phạm nhiệm vụ, kỷ luật của đảng cũng là vi phạm nghĩa vụ, kỷ luật của công chức. Do đó khi đã bị xử kỷ luật về đảng thì tất nhiên sẽ bị xử lý kỷ luật về chính quyền- Đó là vấn đề mang tính logic. Bởi vậy tại khoản 6, Điều 2 Quy định số 181-QĐ/TW và Tiết đ, Điểm 2, , Chương II, Hướng dẫn 09 –HD/UBKTTW  đã quy định rõ:  Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỳ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Căn cứ quy định nêu trên thì ông Vũ Huy Hoàng ngoài việc xử lý kỷ luật về Đảng thì còn bị xử lý kỷ luật về chính quyền. Qua thông tin trên báo chí, được biết Ban Bí thư đã đề nghị Ban Cán sự đảng chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đao thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.

imgNguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

- Theo Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Quốc Vượng "Đã xử lý về mặt Đảng thì mặt chính quyền và đoàn thể phải xử lý tương ứng".  Vậy  nếu ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật băng hình thức cách chức Bộ trưởng thì  hậu quả pháp lý của những văn bản mà ông Vũ Huy Hoàng đã ký với cương vị là Bộ trưởng sẽ giải quyết ra sao?

Một trong những  nguyên tắc đảm bảo giá trị hiệu lực của văn bản là văn bản đó phải được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền. Nếu ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bộ trưởng thì rõ ràng những văn bản mà ông Vũ Huy Hoàng ký là vô hiệu, và việc xử lý là vô cùng phức tạp. Việc này, chưa có tiền lệ, nên chưa thể đánh giá được hết những vấn đề nảy sinh cũng như phải giải quyết thế nào. Cần phải có sự bàn bạc thống nhất của các cơ quan tư pháp và các chuyên gia pháp lý để tham mưu cho Chính phủ xử lý vấn đề này.

Cảm ơn luật sư!