Dân Việt

Đánh thuế cao, xổ số điện toán sẽ hết…"vị"

Thanh Xuân 05/11/2016 11:06 GMT+7
Với việc có tới 2 người trúng giải đặc biệt với trị giá lên tới 157 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng việc tính thuế của người trúng thường còn thấp. Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đánh thuế cao thì xổ số điện toán sẽ không còn hấp dẫn.

img

Quy định hiện hành xếp tiền từ trúng thưởng xổ số chỉ là thu nhập bất thường và chịu thuế 10%. Như trường hợp ông Thái ở Trà Vinh trúng giải đặc biệt xổ số điện toán hơn 92 tỷ đồng, sau khi trừ thuế vẫn “bỏ túi” 82 tỷ đồng. Hay với trường hợp trúng thưởng gần 65 tỷ đồng ngày 2.11, nếu trừ thuế vẫn còn 59 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia tài chính Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho biết: Thực tế cho thấy, số lượng người trúng giải đặc biệt khi tham gia vào các loại hình xổ số từ trước tới nay là rất hiếm. Để trúng được thưởng, có nhiều người có khi còn phải bỏ ra rất nhiều tiền để tham gia vào chơi các loại hình xổ số trong nhiều năm.

“Ở thời điểm hiện tại, nếu đánh thuế ở mức quá cao, giá trị thực của người trúng thưởng sẽ bị hạ thấp, làm cho lĩnh vực xổ số không còn hấp dẫn và không thu hút được người chơi tham gia nữa”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, ngay sau khi có 2 người trúng thưởng đặc biệt, một người 92 tỷ, một người 65 tỷ, vé xổ số của Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã tràn về nông thôn. Do đó, việc quản lý của Nhà nước cũng cần có những tính toán cho hợp lý, vì lĩnh vực xổ số đang đóng góp cho ngân sách Nhà nước rất tốt nhưng nếu để người dân lạm dụng thì lại trở thành nghiện ngập như nghiện “cờ bạc”.

Nói về lĩnh vực xổ số, ông Hải cũng cho biết, lĩnh vực này vẫn do Nhà nước chi phối, một số doanh nghiệp có trình độ quả trị rất kém nhưng kết quả kinh doanh lại siêu lợi nhuận do đặc thù của lĩnh vực kinh doanh này.

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, may mắn mới có một vài người trúng thưởng và thực chất cá nhân của người trúng thưởng thì cả đời họ chắc cũng chỉ có một lần.

“Ở một số nước, lĩnh vực thuế xổ số được đưa ra rất cao, như Mỹ là 40% nhưng tất nhiên họ có cách quản lý chuyên nghiệp hơn với cách bù, trừ khác nên Việt Nam cũng phải hướng tới quản lý theo kinh nghiệm của thế giới”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết, từ khi có Đề án về xổ số điện toán của Vietlott ông đã đọc và thấy đã có đẩy đủ phương án đóng thuế của doanh nghiệp và các chi phí dành cho chi trả người trúng thưởng. Do đó, khi chưa có những tính toán bù trừ cụ thể thỉ không nên tăng thuế của người trúng thưởng.

Trước đó, xổ số điện toán chính thức có mặt tại Việt Nam từ ngày 18.7.2016, và  đến nay đã có 2 người trúng giải đặc biệt (Jackpot), với tổng giá trị tiền thưởng gần 157 tỷ đồng (chưa tính tiền thưởng cho các giải Nhất, Nhì, Ba). Số tiền trúng thưởng lớn, nhưng không ảnh hưởng tới nguồn thu nhà cung cấp, thậm chí còn giúp quảng bá sản phẩm và thu hút nhiều người chơi hơn.

Theo Vietlott, ngay sau ngày quay số có người trúng giải đặc biệt đầu tiên (sau ngày 16.10), doanh số bán vé của công ty đã tăng nhanh chóng. Cụ thể, hết ngày 18.10, tổng doanh số bán vé xổ số Mega 6/45 của công ty này tăng tới 67% so với tuần trước đó. Cụ thể, doanh số tại TPHCM tăng gần 230%, Bình Dương tăng 170%, Cần Thơ tăng hơn 117%...

Với lĩnh vực xổ số truyền thống, trong 9 tháng đầu năm 2016, chỉ tính riêng doanh số phát hành của các công ty xổ số kiến thiết thuộc Hội đồng Xổ số Kiến thiết khu vực miền Nam đã đạt trên 63.000 tỷ đồng (vượt 4,8% so với kế hoạch năm); doanh thu tiêu thụ đạt hơn 50.600 tỷ đồng (tăng 9,78% so với cùng kỳ năm 2015); nộp ngân sách nhà nước hơn 17.200 tỷ đồng (tăng 4,49% so với cùng kỳ năm trước), chi phí trả thưởng hơn 24.500 tỷ đồng.

Theo tính toán dựa trên số tiền trả thưởng (với quy định 55% kinh phí thu được từ bán vé dùng trả thưởng cho người chơi), doanh số bán vé của Vietlott tới nay khoảng 250 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng phát hành. Dự kiến vào cuối năm nay, Vietlott sẽ triển khai ở 6 tỉnh tiếp theo, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015, ngành xổ số có doanh thu khoảng 3 tỷ USD và nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ USD. Với nhiều địa phương, nguồn thu từ xổ số chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu ngân sách địa phương.