Tổ hợp S-500 Nga sẽ có những đặc tính chiến đấu vượt trội hơn hẳn S-400 và S-300.
Theo National Interest, Nga từ lâu luôn bày tỏ quan ngại về sức mạnh không quân NATO và đã chế tạo những hệ thống phòng không tầm xa như S-300 hay S-400.
Nguyên mẫu S-500 mới nhất có thể không tập trung vào năng lực bắn rơi máy bay chiến đấu đối phương. Thay vào đó, đây được coi là tấm lá chắn hữu hiệu ngăn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Moscow từng tuyên bố hệ thống S-500 sẽ đi vào hoạt động năm 2016 hoặc 2017 với những tính năng ấn tượng. S-500 “Prometey” được cho là có khả năng bắn rơi mục tiêu ở tầm cao 185-200 km. Tên lửa đạn đạo hoặc vệ tinh quân sự tầm thấp đều nằm trong tầm bắn của loại vũ khí phòng không mới nhất của Nga.
Tầm bắn S-500 cũng được mở rộng tối đa lên 600 km, xa hơn mức 400 km của hệ thống S-400. Chỉ huy lực lượng không quân Nga, Thượng tướng nói S-500 có khả năng ngắm bắn 10 mục tiêu đồng thời. Tên lửa phòng không chỉ cần 3-4 giây để khóa mục tiêu, thay vì khả năng bắn 6 tên lửa đồng thời và 9 giây khóa mục tiêu như S-400.
Giống như Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD), S-500 được trang bị tên lửa đánh chặn 776N-N và 776N-N1 với cơ chế sử dụng động năng để phá hủy mục tiêu thay vì đầu đạn nổ. 776N đạt tốc độ siêu thanh, 5-7 km/giây và đủ sức đánh chặn các tên lửa hành trình siêu thanh của đối phương.
Hiện chưa rõ hiệu quả trong những lần Nga thử nghiệm hệ thống S-500. Ngay cả Mỹ hơn một thập kỷ qua cũng gặp không ít thất bại khi thử nghiệm THAAD đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo giả định.
Hệ thống S-400 trực chiến tại căn cứ không quân Hmeymim, Syria.
National Interest nhận định, tên lửa S-500 có kích thước nhỏ gọn hơn, là một cuộc cách mạng trong thiết kế so với S-400. S-500 có thể vận hành linh hoạt, sau khi khai hỏa nhanh chóng rời khỏi khu vực trước sự truy lùng của máy bay đối phương.
S-500 cũng được cho là có thể tấn công máy bay tàng hình. Nhưng xét theo mô tả các đặc tính sẵn có của hệ thống này thì việc đối đầu với các dạng máy bay tương tự như vậy không phải là nhiệm vụ chính. Những mục tiêu lớn và ít có khả năng tàng hình như các máy bay tác chiến điện tử, cảnh báo sớm sẽ buộc phải hoạt động ngoài phạm vi của S-500.
Hiện tại, các tổ hợp S-300 và S-400 đóng vai trò phòng không ở Kaliningrad có thể khống chế vùng trời các nước vùng Baltic. Sự xuất hiện của S-500 có thể mở rộng vùng cấm bay này xa hơn nữa.
Tên lửa phòng không S-500 hiện đại nhất cũng sẽ được ưu tiên đưa đến trực chiến ở Moscow và khu vực miền trung nước Nga, phản ánh vai trò phòng thủ chiến lược. Phiên bản S-500F lắp đặt trên tàu khu trục dự kiến sẽ xuất hiện vào năm 2023-2025.
S-500 sẽ dần thay thế cho các tổ hợp S-300 và S-400 ở Nga trong vai trò phòng thủ đa lớp. Nga hiện có kế hoạch chế tạo 10 tiểu đoàn tên lửa S-500 nhưng dự kiến, sẽ chỉ có 5 tiểu đoàn sẵn sàng trực chiến vào năm 2020. Điều này cho thấy những khó khăn khi chế tạo siêu vũ khí phòng không
S-500 do tập đoàn Almaz Antey chế tạo, sẽ trở thành hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.
Các quan chức quốc phòng Mỹ từng nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng hệ thống phòng không S-500 mới nhất của Nga sẽ tạo ra mối đe dọa tiềm tàng với cả các chiến đấu cơ tàng hình hay tên lửa hành trình hiện đại nhất của Mỹ.