Tổ vay vốn thực sự là kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp hàng triệu hộ gia đình và cá nhân trên cả nước từng bước xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ đồng vốn vay Ngân hàng. Với mục đích tăng cường hiệu quả cho vay hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn, mới đây, Agribank đã ban hành Đề án riêng về vấn đề này.
Chủ lực cho vay hộ gia đình và cá nhân
Trong hành trình cùng sự lớn mạnh và phát triển của nền kinh tế đất nước, trong đó nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu, Agribank đảm trách những nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn, khẳng định vai trò chủ đạo trong đầu tư cho lĩnh vực có nhiều đóng góp tích cực đối với thành tựu đổi mới kinh tế Việt Nam, quốc gia có đến 70% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, và nông nghiệp đóng góp khoảng 22% GDP, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu.
Gần 30 năm phát triển, Agribank tập trung vào lĩnh vực truyền thống, sở trường đó là “Tam nông” và các lĩnh vực ưu tiên của Đảng, Chính phủ, khẳng định vai trò tiên phong của Định chế tài chính lớn nhất Việt Nam trong cung ứng nguồn vốn và dịch vụ tài chính. Đến 30.9.2016, tổng tài sản của Agribank đạt 980.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 890.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 720.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 500.000 tỷ đồng, tỷ trọng trên 70% tổng dư nợ cho vay, chiếm hơn 50% thị phần dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Agribank hiện đang tích cực triển khai 7 chính sách tín dụng và 1 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.
Đáng chú ý, tín dụng đối với hộ gia đình và cá nhân chiếm tỷ trọng gần 70% trong tổng dư nợ của Agribank, tỷ lệ nợ xấu thấp chiếm khoảng 1%, với khoảng 4 triệu hộ gia đình và cá nhân hiện là khách hàng của Agribank…
Cho vay hộ gia đình và cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của Agribank
Thông qua dành nguồn vốn lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hộ gia đình và cá nhân, Agribank trực tiếp tạo “lực đẩy” để lĩnh vực quan trọng này của nước ta phát triển. Đơn cử như ở Hà Tĩnh. Tại Hà Tĩnh hiện nay đã thành lập được gần 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và không còn tình trạng "trắng" về mô hình kinh tế. Với sự đồng hành của Agribank (Chi nhánh Nghi Xuân- Hà Tĩnh) cùng các cấp Hội và chính quyền địa phương, từ năm 1993 đến nay, gia đình anh Lê Văn Bình (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân) xây dựng thành công trang trại tổng hợp trên diện tích 60 ha, trong đó có 50 ha trồng rừng. Gia đình anh Bình tiến hành san lấp diện tích hoang hóa trước đây để nuôi cá, tôm trên diện tích ao hồ rộng khoảng 2 ha và nuôi bò, lợn, gia cầm... đem lại năng suất cao và tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động trong xã. Mô hình trang trại của gia đình anh Bình là một trong những trường hợp điển hình về hiệu quả từ đầu tư tín dụng Agribank.
Nhiều mô hình kinh tế của các hộ gia đình và cá nhân trên cả nước "ăn nên làm ra" từ nguồn vốn vay Agribank
Không chỉ ở Hà Tĩnh, trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước, còn rất rất nhiều mô hình kinh tế như gia đình anh Lê Văn Bình ăn nên làm ra từ nguồn vốn Agribank. Tín dụng hộ gia đình và cá nhân luôn góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế đất nước, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động ở khu vực nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn nước ta.
Tổ vay vốn – kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả
Thực hiện Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, trong nhiều năm qua, từ năm 1997, Agribank đã chủ động quan hệ hợp tác với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, triển khai hệ thống tổ vay vốn nhằm tạo ra kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả cho nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo và có cơ hội làm giàu trên quê hương.
Trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank là Ngân hàng Thương mại triển khai cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất. Đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ đang hoạt động và trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,2%.
Bình quân mỗi tổ có 23 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý 995 triệu đồng. Một số chi nhánh cho vay qua tổ đạt rất tốt, đã tạo ra nhiều cơ hội, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện hiểu biết về ngân hàng, là kênh dẫn vốn có hiệu quả, tốt nhất đến với các hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu vốn vay.
Qua đó, các hộ gia đình và cá nhân trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Agribank Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị, Thái Nguyên, Đông Anh…
Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng tín dụng “đen” ở nông thôn. Tổ vay vốn còn là nơi để các thành viên gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.
Có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân. Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách phát triển “Tam nông” của Đảng, Chính phủ.
Nâng cao hiệu quả cho vay hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn– Tổ cho vay lưu động
Thực tế triển khai cho vay hộ gia đình và cá nhân ở nước ta đã cho thấy hiệu quả, lợi ích không nhỏ từ mô hình này đem lại. Tuy nhiên, tiềm năng về tín dụng hộ gia đình và cá nhân của nước ta còn rất lớn, khi nước ta có đến gần 24 triệu hộ gia đình, trong đó hơn 15 triệu hộ sinh sống ở khu vực nông thôn, bên cạnh đó trên thị trường hiện có 19 triệu cán bộ, viên chức, lao động có thu nhập bằng lương, có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, cho vay hộ gia đình và cá nhân được triển khai trên phạm vi không gian rộng lớn, món vay nhỏ lẻ… đã phần nào tạo áp lực đối với cán bộ tín dụng Agribank. Nếu vào thời điểm năm 2012, mỗi cán bộ tín dụng Agribank quản lý trung bình 261 khách hàng, đến năm 2015, mỗi cán bộ tín dụng quản lý đến 352 khách hàng. Nhiều chi nhánh trong hệ thống quá tải như Agribank Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Tĩnh… mỗi cán bộ tín dụng quản lý trên 1.000 khách hàng gồm 2-3 xã.
Agribank ký kết thỏa luận liên ngành với T.Ư Hội Nông dân và T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm đẩy mạnh thực hiện Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường hiệu quả cho vay thông qua tổ nhóm
Để vừa khắc phục những hạn chế, tình trạng quá tải nêu trên, vừa mở rộng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân, một trong những giải pháp được Hội đồng Thành viên Agribank đưa ra đó là: Tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ và nhân rộng mô hình điểm giao dịch lưu động để giảm chi phí cho vay, giảm quá tải trong tín dụng hộ sản xuất khu vực nông thôn.Mới đây ngày 1.11.2016, Hội đồng Thành viên Agribank ban hành triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn – Tổ cho vay lưu động”. Theo đó, Agribank đặt ra mục tiêu cụ thể đó là nâng dần tỷ trọng cho vay qua tổ từ 14,2% lên 25% trên tổng dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân; sau 05 năm triển khai nâng tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 165.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố việc tổ chức cho vay qua tổ vay vốn, đồng thời triển khai tổ cho vay lưu động; Mở rộng quy mô tín dụng qua tổ đối với hộ gia đình và cá nhân song song với phát triển các dịch vụ khác; tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời tập huấn cho các Tổ trưởng tổ vay vốn những vấn đề thay đổi liên quan…
Agribank hiện là NHTM chiếm trên 50% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư “Tam nông”. Đến nay, có hàng chục triệu hộ sản xuất trên cả nước được hưởng lợi từ nguồn vốn vay Agribank. Agribank hiện đang triển khai 7 chính sách tín dụng và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững, Agribank là tiên phong đầu tư tín dụng phát triển Nông nghiệp sạch. Agribank không hạn chế về nguồn vốn, dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” kể từ ngày 1.11.2016. Với mục tiêu đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, với chi phí thấp hơn, Agribank đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai mô hình “Điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động”, đồng thời không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục, đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ liên kết… |