Hàng triệu học sinh Ấn Độ đã được yêu cầu ở nhà và không ra ngoài trong thời điểm hiện tại. Hàng chục ngàn công nhân báo ốm và xếp hàng dài tại những quầy thuốc để mua khẩu trang. New Delhi, thủ đô Ấn Độ, đang trải qua đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất gần 20 năm qua.
Bộ trưởng Giao thông nước này cho biết chính quyền Ấn Độ sẽ đưa ra kế hoạch quản lý giao thông và phương tiện vận tải trong thời gian tới. Trong 2 tuần trở lại đây, mức độ ô nhiễm ở Ấn Độ vượt ngưỡng cho phép 30 lần.
Những con phố ở thủ đô New Delhi ngập trong những màn khói bụi xám đặc. Cư dân thành phố cho biết họ không thở được, chảy nước mắt, ho và hắt hơi liên tục.
“Chúng tôi gọi sự ô nhiễm đó là thảm họa. Lời khuyên là mọi người ở nhà và làm việc tại gia”, ông K. Aggarwal, chủ tịch Hiệp hội Y tế Ấn Độ khuyến cáo.
Nồng độ bụi siêu mịn PM 2,5 (đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) ở mức 700 microgram/m3 khí. Bụi siêu mịn có thể chui xuống phổi và gây ra những bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp, đặc biệt với người hen suyễn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nồng độ bụi siêu mịn tối đa 25 microgram/m3 khí. Năm 2012, ô nhiễm không khí khiến 3,7 triệu người chết.
“Đây thực sự là cơn ác mộng. Con tôi thức dậy và ho hắng liên tục như thể có ai đó xịt hạt tiêu vào cổ họng nó”, cô Tara Chowdhry, nói. “Chúng tôi đang bị giam lỏng trong ngôi nhà của mình, cạnh chiếc máy lọc không khí”.
Ô nhiễm không khí ở Ấn Độ ảnh hưởng nhiều nhất tới trẻ em. Mấy ngày trở lại đây, bệnh viện nhi Shishu Saddan ở phía tây New Delhi đón tiếp hàng ngàn bệnh nhân nhập viện vì hen suyễn, viêm phổi và viêm phế quản.
Ngoài khói từ các hộ dân đốt rơm rạ sau khi hết vụ mùa còn là sự cộng hưởng của lễ hội pháo hoa Hindu truyền thống ở Diwali và khói bụi từ các công trường xây dựng, phương tiện vận tải. Đây là mức cao nhất suốt gần 2 thập kỷ qua.
Ông Mohammad Kamnil, chủ một cửa hàng bán khẩu trang cho biết ông thường bán được 6 chiếc một tuần. Giờ đây, mỗi ngày ông bán trên 200 cái. “Chúng tôi hết hàng nhanh chóng nhưng vẫn có người muốn mua”.
Ấn Độ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng top đầu thế giới hiện nay. Quốc gia này “sở hữu” 4 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo đánh giá của WHO. Thủ đô New Delhi xếp thứ 11.