Can ngăn xô xát bí đánh thương tật 17%
Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 17.11.2015, Ngô Hữu Liên (Phường An Cựu, TP Huế) sau khi đi ăn giỗ về, có mua thêm 2 chai bia uống tiếp và mở nhạc để nghe. Do tiếng nhạc quá lớn, nên anh Nguyễn Thành Công (SN 1982 thuê trọ đối diện nhà Liên) qua đề nghị mở nhạc nhỏ lại, thì giữa Liên và Công xảy ra cãi nhau, Liên tát Công một cái vào mặt và Công bỏ về. Sau đó Liên cầm một vỏ chai bia ném ra đường, khiến mảnh chai vỡ văng trúng chân anh Nguyễn Hữu Quốc (SN 1974) khi đang đứng ở vệ đường gần đó, nên anh Liên và Quốc xảy ra cãi nhau.
Chỉ vì can ngăn một vụ xô xát mà anh Nguyễn Hữu Hoàng đã bị đối tường Liên và Đức đánh đập dã man, dẫn đến đa chấn thương vùng đầu, mắt, tay…
Sẵn bản tính côn đồ, hung hãn, Liên về nhà lấy một cờ lê, dài khoảng 30cm ra đuổi đánh anh Quốc, khiến anh Quốc phải chạy về phía số nhà 28/31/246 đường Hùng Vương (Phường An Cựu). Nghe ồn ào ngoài ngõ, anh Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1970) trú ở số nhà 37/31/246 chạy ra xem, thì thấy anh Quốc đang bị Liên cầm cờ lê đuối đánh, nên ra can ngăn. Không ngờ anh lại bị chính Liên dùng cờ lê đánh tới tấp vào đầu, mặt và người. Cùng lúc này, Ngô Quốc Đức (anh trại ruột của Liên) cầm một khúc gỗ tròn dài khoảng 80cm từ trong nhà đi ra tiếp tục lao vào đánh anh Hoàng, khiến anh Hoàng bị thương nặng ở vùng mắt trái, phải, cẳng tay, đầu, ngất xỉu ngay tại chỗ. Rất may sau đó anh được bà con đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và ngày 14.12.2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đã quyết định khởi tố bị can Ngô Hữu Liên và Ngô Quốc Đức về tội: “Cố ý gây thương tích”.
Tại kết luận Giám định Pháp y số 358 – 15/TgT, ngày 24.11.2015 của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu rõ: Anh Hoàng bị bị đa chấn thương, rách mí mắt phải, quanh mắt trái bị dập, gãy đốt 1, ngón 5 bàn tay trái, chấn thương đụng dập vùng mắt và kết mạc mắt hai bên… Tỷ lệ tổn thương chung hiện tại là 17%.
Theo đó, tại Bản án số 92/2016/HSST, ngày 6.5.2016 của Tòa án nhân dân thành phố Huế đã xét xử và tuyên bố: Các bị cáo Ngô Hữu Liên và Ngỗ Quốc Đức phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng theo khoảng 2 Điều 104; các điểm b, P Khoảng 1 Điều 46 Bộ Luật hình sự, xử phạt Ngô Hữu Liên 2 năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù kể từ ngày bắt đầu giam thi hành án, nhưng được trừ thời hạn đã bị tạm giam trước đó từ ngày 16.12.2015 đến ngày 29.1.2016.
Kết luận Giám định Pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận anh Hoàng bị thương tích 17%.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; các điểm b, p Khoản 1 Điều 46, Điều 47, Điều 60, xử phạt Ngô Quốc Đức 1 năm 6 tháng tù, nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Cố tình kéo dài thời gian xử phúc thẩm?
Được biết, sau đó hai đối tượng Liên và Đức đã có đơn kháng cáo và TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định xử phúc thẩm vụ án nêu trên theo quy định của pháp luật. Đến nay, mặc dù đã quá hạn thời gian quy định nhưng TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm và cũng không thông báo với anh Hoàng và các bên liên quan.
Điều lạ ở chỗ, ngày 25.8.2016, anh Hoàng bỗng dưng nhận được công văn của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị tạo điều kiện để đi giám định lại thương tích của anh Hoàng. Dù trước đó, anh Hoàng không nhận được bất cứ thông báo và cũng không hề đồng ý với quyết định giám định lại thương tích của TAND tỉnh. Cho rằng những quyết định của TAND tỉnh là khó hiểu, vô lý và nhiều khuất tất nên anh Hoàng đã có đơn phản ánh gửi đến các cơ quan báo chí.
Anh Hoàng bức xúc nói: “Trong suốt 6 tháng tôi bị đánh vô cớ, tôi đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để chữa trị vết thương, bồi dưỡng, nghỉ dưỡng, nên sức khỏe đã dần hồi phục. Chẳng hạn như việc giám định lần 1 là rách mí mắt phải thì đến ngày giám định lại không thể xác định được việc bị rách mí mắt phải; hay quanh mắt trái bị dập thì phải căn cứ vào đâu? Suốt thời gian dài như vậy vết thương của tôi đã lành thì chắc chắn tỷ lệ thương tật sẽ giảm. Nếu TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế căn cứ vào kết quả lần 2 để xét xử thì không thể chính xác được. Tòa làm như vậy khác nào “lách luật”, bao che cho tội phạm, côn đồ”.
Theo đó, tại Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 560/C54(Đ5), ngày 20.10.2016 của Phân viện KHHS tại Đà Nẵng (Viện KHSH) kết luận: Vùng sẹo trán – cung mày trái, không ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng (2%); Sẹo mi trên mắt phải, không ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng (1%) và Gãy đốt 1, ngón 5 tay trái, đã can xương, cong (2%). Như vậy anh Hoàng từ tỷ lệ thương tật 17%, sau hơn 6 tháng giám định lại chỉ còn 5%?
Theo quy định, việc giám định ban đầu là để xác định thương tật tạm thời để phân biệt tỷ lệ % đưa vào xử lý hình sự hay hành chính. Còn việc giám định khi đã lành vết thương là để xác định thương tật vĩnh viễn của người bị hại để xác định trách nhiệm bồi thường dân sự. Tránh tình trạng hiểu chung chung và không phân biệt để sử dụng 2 kết quả giám định tỷ lệ thương tật có thuật ngữ “Tạm thời” hay “Vĩnh viễn” đang gây tranh cãi và “lúng túng” trong xử lý phần hình sự và phần dân sự như hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Trọng Điệp – Phó Chánh án Toàn án nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế chi trả lời cụt lủn: “Chúng tôi sẽ tiến hành xét xử trong tháng này”.
Việc cố tình kéo dài thời gian xét xử phúc thẩm quá quy định và việc giám định lại thương tật với kết quả thấp hơn lần đầu rất nhiều, khiến dư luận đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Phải chăng TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế cố tình kéo dài thời gian xét xử phúc thẩm là vì mục đích khác của mình. Vì sao một Tòa án cấp tỉnh lại không chấp hành đúng theo pháp luật. Người dân và dư luận đang trông chờ vào sự công bằng của pháp luật.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.