Lễ hội và hội chợ dự kiến có khoảng 300 gian hàng, được chia theo các hạng mục: Gian hàng triển lãm và thương mại Cam Cao Phong; gian hàng nông nghiệp, du lịch; gian hàng thương mại tông hợp; gian hàng ẩm thực, thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc mua bán, quảng bá hình ảnh, TẠI lễ hội và hội chợ còn tổ chức các trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực, tổ chức chấm điểm các gian hàng bán cam...
Năm nay cam Cao Phong vừa được mùa vừa được giá. Ảnh: T.L
Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu, thương hiệu cam của huyện Cao Phong đã được cấp chỉ dẫn địa lý; là cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu cam và các thương hiệu nông sản khác.
Ông Quách Văn Ngoan – Phó Chủ tịch huyện Cao Phong cho biết, hiện nay diện tích cây có múi trên toàn huyện khoảng 2.078ha, trong đó diện tích cây trong thời kỳ kinh doanh trên 900ha, sản lượng ước lượng năm 2016 là 23.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 3.000 tấn. Riêng về cam, các giống hiện nay được trồng tại Cao Phong là cam CS 1 chiếm 30%, cam xã Đoài chiếm 40%, cam V2 chiếm 10%, quýt các loại chiếm 15%, còn 5% còn lại là các loại cam Sông Con, cam sành, cam Marrs...
Theo nhận định của lãnh đạo UBND huyện Cao Phong, năm nay cam Cao Phong vừa được mùa lại vừa được giá. Như cam lòng vàng có giá từ 26.000 - 28.000 đồng/kg tại vườn, cam Canh 40.000 đồng/kg tại vườn...
Tại lễ hội cam năm nay, để tránh tình trạng trà trộn các loại cam kém chất lượng vào bày bán, ông Ngoan cho biết UBND huyện đã kết hợp các phương pháp như tuyên truyền tới bà con nông dân, bản thân người trồng cam cần phải tự bảo vệ mình bằng cách chỉ bày bán những sản phẩm đã được đánh giá, kiểm nghiệm và sản xuất tại chính huyện Cao Phong. Các gian hàng cần phải ký cam kết không tiệu thụ cam tới từ các vùng khác. Ngoài ra, theo ông Quách Văn Ngoan, huyện cũng đã thành lập Ban kiểm soát – quản lý tại lễ hội nhằm đảm bảo toàn bộ cam trong lễ hội đều xuất xứ từ huyện Cao Phong.