Đầu giờ chiều, các công ty kim hoàn lớn trong nước lần lượt nâng giá bán lên mức 47 triệu đồng/lượng. Đà tăng vẫn chưa dừng lại ở đó, mà tiếp tục leo thang. Đỉnh điểm là khoảng 15 giờ 30, giá bán ra đối với vàng SJC tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đạt mức 47,4 triệu đồng/lượng, còn SJC niêm yết tại công ty vàng bạc đá quý Phú Qúy là 47,5 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ giá vàng thế giới chiều 19.8 |
Đến cuối ngày, trong khi giá SJC tại công ty như Phú Qúy vẫn giữ ở mức 47,5 triệu đồng/lượng thì công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đã hạ giá SJC mua vào còn 47 triệu đồng/lượng, bán ra còn 47,25 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống Sacombank, giá giao dịch được giữ nguyên từ lúc 15 giờ 15 đến 17 giờ là 47,11 – 47,39 triệu đồng/lượng (mua – bán). Như vậy, so với sáng cùng ngày, vàng trong nước đã tăng từ 650.000 đồng đến 800.000 đồng/lượng, đồng thời tăng 1,7 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Vàng thế giới chiều nay đã tăng 2,4%, lên mức kỉ lục mới: 1.867,95USD/Oz. Nhu cầu đầu tư tại châu Á nói riêng và toàn thế giớ nói chung đã lèo lái giá kim loại quý tăng phi mã. Tiêu biểu là một số ngân hàng trung ương đã ra sức gom mua vàng đề phòng sự trượt giá của hệ thống tiền tệ. Báo cáo mới nhất của Hội đồng vàng thế giới cho thấy kim ngạch nhập khẩu vàng trong năm nay có thể đạt trên 1000 tấn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục chao đảo, khi các cổ phiếu giao dịch tại châu Âu chiều nay giảm mạnh nhất từ năm 2008 và giá dầu thô giảm dưới 80USD/thùng. Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu đã giảm 1,2%. Chỉ số Stoxx Euro 600 của châu Âu hạ 1,9%, còn chỉ số S&P 500 tương lai của Mỹ hạ 1,3%. Chỉ trong tháng này, giá trị chứng khoán toàn cầu đã “bốc hơi” hơn sáu nghìn tỷ.
Trên mặt trận tiền tệ, đồng franc Thụy Sỹ tăng 0,5% so với USD và tăng 0,6% so với euro, hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất so với euro kể từ tuần lễ kết thúc vào ngày 1.7. Yen Nhật cũng tăng so với USD và euro dù Bộ trưởng tài chính Nhật Yoshihiko Noda lên tiếng sẵn sàng can thiệp để giảm giá tiền tệ trong nước.
Thúy Yên