Dương Anh Vũ - người sở hữu nhiều kỷ lục nhất thế giới về trí nhớ
Dương Anh Vũ (27 tuổi, Ninh Thuận) là cái tên đang “gây sốt” cộng đồng mạng khi trở thành người sở hữu nhiều kỷ lục nhất thế giới về trí nhớ.
Anh là chủ nhân của những khả năng “siêu tưởng” như: nhớ 20.000 số Pi trong toán học, nhớ toàn bộ bản đồ thế giới khổ lớn nhất với 2.500 địa danh bằng ngôn ngữ quốc tế, nhớ 1.022 tác phẩm văn chương gồm tóm tắt, tiểu sử tác giả, phân tích cốt truyện…
Với những khả năng này, chàng trai Ninh Thuận đã khiến các nhà khoa học thế giới phải kinh ngạc và sẵn sàng viết tên anh vào 3 tổ chức kỷ lục thế giới.
Vậy để rinh về các kỷ lục thế giới đó, Anh Vũ đã phải vượt qua những bài kiểm tra “hiểm hóc” thế nào?
Chàng trai Ninh Thuận vừa được ba tổ chức kỷ lục thế giới xác nhận 4 kỷ lục về trí nhớ
- Vừa ghi tên mình vào Sách kỷ lục Thái Lan, giờ lại giành thêm 4 kỷ lục khác về trí nhớ, cảm xúc của anh thế nào?
Cảm xúc của lần này khác hẳn với lần trước. Tôi phải thừa nhận, một năm trước đây khi ghi tên vào Sách kỷ lục Thái Lan, tôi xúc động và phấn khích hơn. Có lẽ, vì đó là lần đầu tiên tôi "viết tên mình trên đời".
- Năm ngoái, hành trang sang Thái Lan xác nhận kỷ lục của anh là 7 cuộn giấy chứa toàn bộ 108 cột dữ liệu, trong đó, cuộn dài nhất lên đến 7 mét. Vậy lần này sang Ấn Độ, anh đã mang theo những gì?
Lần trước, tôi không được đem 7 cuộn giấy chứa dữ liệu lên máy bay vì nó quá dài, phải ký gửi rất tốn kém. Lần này, rút kinh nghiệm, thay cho 7 cuộn giấy là 1.022 trang giấy A4. Ngoài ra còn có 8 tấm bản đồ thế giới khổ lớn và khoảng 7.000 trang dữ liệu được lưu trên laptop.
Anh Vũ khiến ban giám khảo kinh ngạc khi thể hiện khả năng ghi nhớ
- Anh phải vượt qua những bài kiểm tra nào để được 3 tổ chức kỷ lục thế giới xác nhận 4 kỷ lục về trí nhớ?
Vì khối lượng dữ liệu cho mỗi kỷ lục là quá lớn nên bên Sách kỷ lục quyết định đặt câu hỏi ngẫu hứng và tôi phải trực tiếp trả lời hoặc viết dữ liệu lên bảng.
Bạn thử nghĩ xem, 108 hệ thống dữ liệu thống kê toàn cầu, nếu viết ra hết thì cần hơn 200 tấm bảng khổ lớn và mất ít nhất 5 ngày để hoàn thành. Kỷ lục nhớ nguyên tấm bản đồ thế giới thì phải cần thời gian ít nhất là 5 giờ đồng hồ để kiểm tra xong tất cả các dữ liệu. Còn kỷ lục nhớ 1.055 mốc sự kiện lịch sử, khoa học, nghệ thuật thì cần ít nhất 14 ngày để viết ra.
Thế nên, bên tổ chức kỷ lục cũng không có cách nào kiểm tra hết khối lượng dữ liệu khổng lồ đó ngoài việc đặt câu hỏi bất kỳ.
Mà không chỉ hỏi, họ còn yêu cầu tôi phân tích cụ thể từng dữ liệu. Cách thức kiểm tra là hỏi đáp trực tiếp.
- Chứng kiến khả năng ghi nhớ của anh, ban giám khảo đã phản ứng thế nào?
Thỉnh thoảng họ lại nhìn nhau với vẻ mặt khó tả, đôi khi là phấn khích. Có lúc, họ tạm dừng đưa ra câu hỏi, tiến lại gần tôi và hỏi: “Bạn không có trí tuệ bẩm sinh, vậy bạn có từng bị chấn động thần kinh không”.
Bạn biết lúc ấy tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ: “Có khi nào mình từng ngã đập đầu xuống đất mà lại quên không ta?”.
Thậm chí, họ còn nghi ngờ, chàng trai Ninh Thuận từng bị chấn động thần kinh
- Trong quá trình xác lập kỷ lục, có điều gì nằm ngoài dự kiến của anh?
Vấn đề nghiêm trọng nhất là sức khỏe. Trước khi đi Ấn Độ, tôi bị cảm khá nặng, hơn nữa lại phải di chuyển một đoạn đường dài và trái múi giờ nên sức khỏe càng không ổn.
Ai cũng biết, sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và sự tập trung. Khi ấy, đầu óc tôi trống rỗng, không còn tí ấn tượng nào về dữ liệu. Tuy nhiên, các tổ chức kỷ lục thế giới đã tạo điều kiện rất nhiều nên tôi không có trở ngại gì.
- Trước khi sang Ấn Độ, anh đã rèn luyện trí nhớ của mình thế nào?
Tôi dành ba tháng liền (từ tháng 7 đến tháng 10) để liệt kê, khảo cứu, biên tập mọi dữ liệu mà tôi nhớ trước đó.
Quả thực, việc ghi nhớ khối lượng dữ liệu lớn đối với tôi không vất vả bằng việc biên tập, chú thích tài liệu. Các tổ chức kỷ lục đòi hỏi tất cả các dữ liệu kỷ lục phải rõ ràng và phải chú thích trong từng mục là được trích dẫn từ đâu. Công việc trích dẫn này là một cực hình với tôi.
Nếu không mất quá nhiều thời gian cho việc trích dẫn này, có lẽ, tôi đã xác lập kỷ lục với khối lượng dữ liệu lớn hơn.
Mục tiêu lớn nhất của Anh Vũ là truyền đạt bí quyết ghi nhớ cho thế hệ trẻ
- Ngoài dùng để xác lập kỷ lục, anh sử dụng trí nhớ “siêu phàm” của mình vào những việc gì?
Thật ra, tôi ghi nhớ khối lượng dữ liệu lớn như vậy không phải để mang đi xác lập kỷ lục. Tôi ghi nhớ để phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và viết sách sau này. Tôi muốn học lên tiến sĩ, tiếp tục nghiên cứu những điều mình thích như: Kinh tế toàn cầu, tư pháp quốc tế, lịch sử chính trị, văn chương kinh điển…
Tôi muốn trở thành một giảng viên địa học và một chuyên viên đào tạo kỹ năng ghi nhớ học thuật. Đó mới là mục tiêu lớn của tôi.
- Được biết, anh đã nhận rất nhiều chứng nhận, bằng khen quốc tế nhưng lại chưa nhận được một chiếc giấy khen nào ở Việt Nam?
Hồi phổ thông, tôi học dốt quá nên chẳng bao giờ được giấy khen. Lên đại học, tôi ít tham gia hoạt động ngoại khóa nên cũng chẳng có tờ giấy chứng nhận nào. Phần lớn bằng khen của tôi bây giờ đều nhận từ nước ngoài, chủ yếu là các nghiên cứu khoa học.
Câu chuyện kỳ diệu của chàng trai Anh Vũ truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ
- Ngoài “nghịch lý” thú vị ấy, kỷ lục gia trí nhớ còn bao nhiêu điều bí ẩn “tréo nghoe” nữa?
Tôi từng học rất dốt, từng bị đúp, bị thi lại, phải học bán công, bổ túc… Tôi rất hay quên những việc lặt vặt, cách đây 5 năm, cũng vì quên số điện thoại và sinh nhật bạn gái mà bị “đá”.
- Hiện giờ, anh có bạn gái chưa? Anh có còn quên số điện thoại và ngày sinh nhật của bạn gái nữa không?
Tôi có rồi, cô ấy là sinh viên trường ĐH Y dược, xinh xắn, đáng yêu. Cô ấy làm bánh rất ngon, đôi khi hay ghen vì những bình luận vui vui trên Facebook nhưng tình yêu cô ấy dành cho tôi là nghiêm túc.
Trước khi tìm hiểu nhau, cô ấy nói với tôi rằng: “Em có thể chia tay vì bất cứ lý do gì nhưng yên tâm là em sẽ không đá anh vì anh quên số điện thoại hay ngày sinh nhật của em”. Vậy là tôi không lo nữa rồi (Cười).
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Dương Anh Vũ trở về Việt Nam trong sự chào đón của bạn bè (clip: VTV)