Mặt trăng đêm 14.11 lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với bình thường
Đêm 14.11, hiện tượng siêu trăng đã xảy ra khi mặt trăng đạt khoảng cách rất gần so với trái đất - khoảng 36.000km. Theo các nhà khoa học, mặt trăng tròn đợt này lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với bình thường.
Mặt trăng to tròn và sáng hơn so với bình thường, đạt đỉnh điểm lúc 20h52 tối 14.11
Thông tin siêu trăng xuất hiện đã khiến nhiều bạn trẻ tại Việt Nam háo hức chờ đợi, mong được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên này. Tuy nhiên, khi thực tế quan sát ánh trăng trong đêm 14.11, nhiều người tỏ ra thất vọng do không cảm nhận được sự khác biệt lớn giữa siêu trăng và trăng rằm thường thấy.
Nhiều người yêu thiên văn đã rất mong chờ xem hiện tượng này trong đêm 14.11
“Từ nhà mình thấy siêu trăng bé tí, không có gì đặc biệt, nhỏ hơn cả bóng đèn”, Facebooker Khưu Hồng P. chia sẻ kèm bức ảnh so sánh giữa mặt trăng và bóng đèn đường lúc 21h đêm 14.11.
Một Facebooker so sánh siêu trăng nhỏ hơn... ánh đèn đường
“Sáng thì thấy sáng, tròn thì có tròn nhưng to thì không thấy to. Đêm qua thức canh cả đêm để xem nó bự như thế nào, cuối cùng thì trăng đã lên cao rồi mà không có gì để gọi là hiện tượng siêu nhiên. Cũng bình thường thôi! Có lẽ muốn biết thì chỉ có các nhà nghiên cứu khoa học mới biết”, chị Nguyễn Thị Tr. (Hà Nội) chia sẻ.
Đến sáng 15.11, người này cho biết thêm, tấm ảnh “Siêu trăng quê tôi ở Bến Tre” mà chị chia sẻ lên trang cá nhân Facebook vào đêm hôm trước chỉ là ảnh ghép để hưởng ứng phong trào siêu trăng.
“Đợi để ngắm siêu trăng. Vậy mà trời tối mịt, chẳng thấy gì. Hy vọng 18 năm sau được ngắm lại”, chia sẻ của một Facebooker ở khu vực bầu trời nhiều mây.
Ngắm siêu trăng trong dịp rằm tháng 10 âm lịch năm nay, Facebooker Han Truong ở TP.HCM không bình luận nhiều về độ to và độ sáng của mặt trăng, thay vào đó Facebooker này chia sẻ những ký ức khi ngắm siêu trăng ở thời thơ ấu.
“Nhớ thời đó ở quê, người ta cứ đồn là lúc trăng lên thì đêm sẽ sáng như ban ngày. Mình nhớ là mình đã háo hức mong cho ngày mau hết để đến đêm, để chứng kiến cảnh đêm biến thành ngày như lời người ta nói”, Facebooker Han Truong viết.
“Nhớ cái cảnh con nhỏ lùn xủn, nhỏ xíu cứ giỡn với cái bóng mình dưới trăng rồi hỏi đủ thứ chuyện. Ở quê mình thời đó, người ta bảo lấy chậu nước ngắm trăng hoặc nhìn trăng qua tấm phim thì mắt sẽ được sáng, sức khoẻ sẽ tốt,… Con nít mà ngắm thì sẽ thông minh. Mình nghe vậy nên dù bé tí vẫn đứng ngắm khí thế, lâu lâu thèm nhìn trực tiếp quá lại he hé mắt nhìn trăng rực sáng trên đầu”, Han Truong viết tiếp dòng cảm xúc.
Trước đó, trao đổi với PV, anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học TP.HCM (HAAC) từng cho biết, quan sát siêu trăng trong đêm 14.11 bằng mắt thường có thể sẽ khó nhận ra sự khác biệt. Do đó, câu lạc bộ của anh không tổ chức buổi ngắm siêu trăng như những đợt mưa sao băng.
“Mặc dù gọi là siêu trăng, mặt trăng có lớn và sáng hơn nhưng nhìn sẽ không thấy khác trăng rằm nhiều. Do đó, những người mong chờ xem siêu trăng như là một hiện tượng gì đó siêu nhiên thì thất vọng là điều không tránh khỏi”, anh Duy nhận định.
Đợt siêu trăng vào đêm 14.11 là một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà phải 68 năm qua giới thiên văn học mới được chứng kiến ở độ to và độ sáng như vậy. Dự kiến, hiện tượng này sẽ xuất hiện lại vào năm 2034.